Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế nào là tự ngã, vô ngã và chân ngã?

Vô ngã nghĩa là cái mà chúng ta cho là mình, là ta đó thực chất là do ngũ uẩn hợp thành, không có tự ngã, nghĩa là nó bao gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức hợp thành.

Khi đức Phật mới truyền đạo, nhiều người còn chưa biết tới giáo lý của Ngài, thì một khi còn là phàm phu tục tử không ai mà không có ngã chấp hay còn gọi là thân kiến.

vo nga anh 1

Ảnh: Aleksandar Pasaric.

Nên khi họ có những thắc mắc về các vấn đề siêu hình thì đều không thể thoát ra khỏi những ý niệm về tự ngã, càng cố gắng lý giải thì chỉ có làm tăng trưởng thêm tà tri, tà kiến mà thôi. Nên những ai chỉ muốn thỏa mãn sự tò mò, sự hơn thua tranh luận, thì đức Phật nhấn mạnh vào pháp Tứ thánh đế để giúp họ quay về lại cái vấn đề hiện thực là sự đau khổ mà không ai tránh khỏi.

Và khi họ thật sự muốn giải thoát khỏi đau khổ thì đức Phật mới có thể giúp họ tìm ra được đáp án của vấn đề. Căn nguyên của vấn đề đau khổ này chính là do sự chấp ngã, mà một khi còn là phàm phu, khi chưa tiếp xúc qua giáo lý của Phật Đà thì không ai mà không có sự ngộ nhận này. Nên để phá cái ngã chấp này, đức Phật mới đưa ra khái niệm về vô ngã.

Khai mở trí tuệ về vô ngã

Vô ngã nghĩa là cái mà chúng ta cho là mình, là ta đó thực chất là do ngũ uẩn hợp thành, không có tự ngã, nghĩa là nó bao gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức hợp thành - thức ở đây chính là A-lại-da thức hay là tạng thức, là thành phần thâm sâu bí nhiệm nhất cần phải có sự tu tập Giới, Định, Tuệ mới có thể thấy được sự vận hành của nó. Thấy được sự tập hợp của ngũ uẩn này cũng chính là phá được ngã chấp, chứng được vô ngã.

Mặc dù chưa thấy được cơ sở lý giải về việc giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi một cách rõ ràng, nhưng vì tin nghe theo lời Phật mà họ giữ giới, tu Định, nhờ vậy mà khai mở được trí tuệ về vô ngã, thấy được sự tập hợp của ngũ uẩn thì họ cũng có thể giải thoát khỏi sinh tử, do tin nghe và thực hành theo lời Phật dạy nên mới gọi những người này là hàng Thanh văn.

Và khi bắt đầu có nhiều vị đắc được quả vị A-la-hán chứng được vô ngã, thì khi đó đức Phật mới bắt đầu giới thiệu khái niệm về chân ngã. Khái niệm về vô ngã cũng chỉ là phương tiện tạm thời để phá những tà kiến về chấp ngã, chứ vẫn chưa phải là chân đế, chưa phải là nhất thừa liều nghĩa, nó chỉ mới giúp ta chấm dứt được sinh tử, đắc được Niết bàn vắng lặng tịch tĩnh mà thôi.

Nhưng phải nắm rõ khái niệm về vô ngã rồi, và có những người đã minh chứng được thế nào là trạng thái vô ngã rồi, thì khi đó mới có cơ sở để nâng tầm nhận thức của mọi người lên một bậc cao hơn nữa, đó là nhận thức về khái niệm chân ngã. Giai đoạn này bắt đầu tiến tới những mục tiêu cao xa hơn, đó là xây dựng cõi Tịnh độ của chư Phật, và làm sao có thể đáp ứng được những nguyện cầu của chúng sinh: "Thiên xứ hữu cầu thiên xứ ứng; Khổ hải thường tát độ nhân chu".

Muốn vậy phải phá được pháp chấp, là bắt đầu thâm nhập Như Lai tạng chứng được pháp thân. Nên đối với phàm phu như chúng ta, khó mà có thể dùng lý luận để nhận chân được về chân ngã, cho dù có nhận thức được chính xác về khái niệm đó, nhưng nếu không sống được với cái chân ngã thì cũng khó mà cưỡng lại được trước sự cám dỗ của dục vọng, nhất là đối với những người mà tập khí phiền não còn sâu dày. Nên đối với những ai tập khí phiền não còn sâu dày thì nên quán chiếu về pháp Duyên khởi thì sẽ hiệu quả hơn, vì nó sát với tập khí phiền não của chúng sinh hơn.

Còn những ai tập khí đã cạn mỏng thì có thể chuyên quán chiếu về chân ngã, về chân như bản tính. Như trong kinh Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác, ngài Địa Tạng có giới thiệu về hai loại pháp quán: Một là pháp quán về chân như thật tướng, thường dành cho hạng thượng căn - là những người có nghiệp chướng, tập khí đã cạn mỏng; ngược lại, đối với ai tập khí phiền não còn sâu dày thì nên học theo pháp duy tâm, duy thức quán, nó gần giống với giáo lý Duyên khởi trong các kinh điển Tiểu thừa.

Thích Hiền Thạnh/Thái Hà Books và NXB Lao Động

Bình luận

SÁCH HAY