Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phật giáo trong thời đại hiện nay

Phật giáo hiện nay có hiện tượng các sư không tập trung vào con đường Giới, Định, Tuệ nữa mà chuyên vào hướng tín nguyện cầu vãng sinh Tịnh độ là chính...

Khái niệm chân tâm bản tính, hay chân ngã, tuy thường bắt gặp trong kinh điển nhưng đa số lại nằm trong các bộ kinh điển Đại thừa là chính, vì đây không phải là một khái niệm đơn giản mà phàm phu như chúng ta có thể hình dung được, nên trong giai đoạn đầu mới truyền đạo, đức Phật ít đề cập tới khái niệm này.

dao phat anh 1

Đức Phật thuyết pháp. Tranh minh họa: Giác Ngộ Online.

Mặc dù, người học Phật thời nay đa số đã tránh được những khái niệm sai lầm về tự ngã mà đức Phật đã nhắc tới trong kinh điển, nhưng thay vào đó những thế hệ sau, những ai mà tiếp xúc với kinh điển Đại thừa thì hay tác ý tới khái niệm chân ngã của nhà Phật nhiều hơn.

Nhưng vào thời nay, người khai ngộ rất hiếm, nên đa số mọi người chỉ hiểu qua sách vở, hiểu trên lý thuyết là chính, chứ khó gặp được bậc khai ngộ chỉ điểm cho mình, nên cũng khó có được một sự hình dung chính xác về nó, do vậy mà sự tác ý vào khái niệm chân tâm bản tính đa số là không đúng như lý như pháp.

Nhất là đời sống tiện nghi hiện đại như ngày nay, dễ khiến nhiều người dễ dàng có được, thỏa mãn được những dục vọng của mình, nếu chúng ta chỉ mến mộ, chỉ cảm tình mà không nhận chân một cách xác thực và rõ ràng về cái chân tâm bản tính hay cái chân ngã, thì khi đứng trước sự cám dỗ, làm sao chúng ta có thể chiến thắng được nó, nên thế nào cũng bị thoái chuyển mà chính bản thân mình cũng không hay.

Rồi dần dần không còn kiên trì với con đường Giới, Định, Tuệ để giải thoát hết thảy các lậu hoặc nữa mà chuyển sang con đường hoằng pháp lợi sinh là chính, là lấy tư tưởng Bồ tát đạo của Đại thừa làm phương châm cho hành động, đó là làm sao phổ cập được Phật pháp cho hết tất cả chúng sinh, cầu cho hết thảy mọi người sớm biết tới Phật pháp mà được thoát khổ, còn việc thành tựu của mình thì để tính sau.

Đặc biệt là thời đại ngày nay, phương tiện truyền thông đã giúp nhiều thầy dễ dàng "đăng đàn" giảng giải Phật pháp cho rất nhiều người dù bản thân còn chưa chứng đắc.

Điều này làm cho Phật pháp, đặc biệt là giáo pháp Đại thừa, ngày càng được lan rộng hơn trong quần chúng. Nhưng bản thân vị thầy này còn chưa giải thoát được khỏi các lậu hoặc thì đệ tử theo họ làm sao mà thoát ra khỏi nó được.

Thành ra Phật giáo hiện nay có hiện tượng các sư không dám tập trung vào con đường Giới, Định, Tuệ nữa mà chuyên vào hướng tín nguyện cầu vãng sinh Tịnh độ là chính, vì một khi được vãng sinh thì sớm muộn gì cũng thành Phật; hướng đi này có vẻ dễ dàng và thù thắng hơn nên nhiều sư thời nay thích chọn hướng này hơn.

Nhưng nếu hàng tu sĩ mà không đắc được Giới, Định, Tuệ thì tăng đoàn sao có thể phát triển một cách vững mạnh được. Hệ quả là các đạo tràng nhỏ lẻ niệm Phật cầu vãng sinh xuất hiện ngày càng nhiều, còn hệ thống tăng đoàn có xu hướng càng ngày càng suy giảm dần.

Thời đại ngày nay, chúng sinh phúc mỏng nghiệp dày, nếu cứ học đòi theo những pháp cao siêu dành cho hàng thượng căn, thì dù có khế lý nhưng chẳng khế cơ thì cũng khó mà đoạn trừ được các lậu hoặc. Vậy nên người học Phật, đặc biệt là hàng xuất gia, cần nắm rõ lại những kiến thức nền tảng như giáo lý Duyên khởi, giáo lý Tứ thánh đế, giáo lý về vô ngã.

Thích Hiền Thạnh/Thái Hà Books và NXB Lao Động

Bình luận

SÁCH HAY