Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vạn người tu niệm Phật mà chỉ có một hai người vãng sinh

Người hành trì niệm Phật cầu nhất tâm bất loạn đa số không được vãng sinh là do khi lâm chung, họ không để ý tới vấn đề là làm sao đề khởi được tâm nguyện cầu vãng sinh Cực Lạc.

[...] bộ kinh Địa Tạng Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác này có ý nghĩa rất lớn đối với chúng sinh thời Mạt pháp. Nhưng tại sao có nhiều người lại bỏ qua nó như vậy? Bởi vì có một sự nhầm lẫn rất lớn trong việc hành trì.

niem phat anh 1

Ảnh: Sarbajit Sen.

Những nhầm lẫn của người tu

Thứ nhất là vì họ không biết rằng pháp tu cũng có nhiều loại, như bộ kinh Địa Tạng Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác là thuộc về pháp sám hối, nó khác với các dạng pháp môn tu tập khác, nghĩa là việc thực hành pháp sám hối này chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định tùy vào nghiệp chướng của mình, nếu nặng lắm thì cũng khoảng ba năm, nếu nhẹ thì một tuần hay một tháng cũng được.

Thứ hai là vì họ cho rằng việc đọc tụng một bộ kinh nào đó một cách liên tục và không để xen tạp một bộ kinh nào khác thì mới là nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu, như thế mới có thể đắc Định, mới có thể khai Tuệ - đây là một ngộ nhận sai lầm.

Vì họ không biết rằng khi tụng kinh, ý thức phân biệt rất dễ được kích hoạt, mà tu Định cần phải lìa tâm phân biệt thì mới có thể sinh Định. Còn nếu tụng mà không khởi tâm phân biệt, ta nên niệm chú thì sẽ hiệu quả hơn. Nên trong kinh điển nhà Phật, ta thấy pháp niệm chú, đa số được giới thiệu trong các kinh điển Đại thừa, đặc biệt là bên Mật tông có thể giúp hành giả đắc Định khai Tuệ.

Còn việc đức Phật khuyên ta thường xuyên trì tụng một bộ kinh nào đó, như bên pháp môn Tịnh độ chủ yếu là để tăng trưởng Tín, Nguyện mà thôi, chứ không phải là để tăng trưởng Định, Tuệ như nhiều người lầm tưởng. Tuy hình thức có hơi giống nhau, nhưng bản chất và mục tiêu hướng tới lại có sự khác nhau.

Từ cái nhầm lẫn này khiến họ nghĩ rằng nếu cứ cố nhất môn tụng một bộ kinh như vậy thì đến một lúc nào đó cũng sẽ khai Tuệ, cũng sẽ chứng ngộ và một khi khai ngộ thì có thể thông suốt hết tất cả các bộ kinh khác, nên bây giờ họ không cần quan tâm đến những bộ kinh khác làm chi, từ đó mà bỏ đi những bộ kinh khác như kinh Địa Tạng Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác này.

niem phat anh 2

Bộ kinh Thiện Ác Nghiệp Báo.

Phải có cảm thì mới có ứng

Ngoài ra còn một nguyên nhân nữa là do chẩn đoán bệnh không đúng. Người hành trì niệm Phật cầu nhất tâm bất loạn đa số không được vãng sinh là do khi lâm chung, họ không để ý tới vấn đề là làm sao đề khởi được tâm nguyện cầu vãng sinh Cực Lạc của mình lên, vì họ nghĩ rằng Phật có thần thông, tất nhiên Phật sẽ hiểu tâm nguyện của họ, như vậy thì cần gì phải nói ra bằng lời nói. Nhưng họ không biết rằng tâm nguyện tuy có, nhưng nó không khởi hiện hành ngay lúc lâm chung thì không thể sinh ra công năng của nó, như vậy thì cũng coi như là không có.

Đức Phật A Di Đà tuy có thần thông quảng đại, nhưng sự tác động của ngài lên chúng ta vẫn phải theo một cơ chế, đó là sự cảm ứng. Không có cảm thì không thể ứng được, nên nói rằng người niệm Phật cầu tam muội không có Tín, Nguyện cầu vãng sinh là chưa chính xác. Nghĩa là họ có Tín, Nguyện cầu vãng sinh, nhưng họ không đề khởi cái tâm nguyện đó lên thành hiện hành ngay khi lâm chung nên không cảm ứng được tới bản nguyện của đức Phật A Di Đà, vì thế mới không được vãng sinh.

Vì không thấy được bản chất của vấn đề đó nên các vị pháp sư này cho rằng người niệm Phật mà cầu tam muội không được vãng sinh là do họ đã đi lệch với tông chỉ của tông Tịnh độ. Vì họ cho rằng tông chỉ Tịnh độ là lấy niệm Phật chủ yếu để tăng trưởng Tín, Nguyện cầu vãng sinh Cực Lạc mà thôi. Chỉ có như vậy thì mới là đúng với bản nguyện của đức Phật A Di Đà, mới được ngài gia trì, còn niệm Phật mà vẫn cầu nhất tâm bất loạn là tự lực, không phải cầu tha lực nên không được ngài gia trì.

Đây là lý do chính khiến các vị pháp sư này rất tự tin về phương pháp Tín, Nguyện trì danh mà không cầu tới Giới, Định, Tuệ của mình. Gần đây có một vị pháp sư đem lời phát nguyện cầu vãng sinh như là một pháp để hành trì, nghĩa là vị này cho rằng cứ huân tập câu phát nguyện như vậy thì có thể làm tăng trưởng Tín, Nguyện cầu vãng sinh giống như kiểu tăng trưởng Giới, Định, Tuệ của các pháp môn tu tập khác.

Nhưng nếu chỉ đọc mãi câu phát nguyện đó mà không sinh ra Định Tuệ, không có hỷ lạc khinh an thì sớm muộn gì cũng sinh ra sự nhàm chán. Vì họ không biết rằng khi niệm Phật là đã bao hàm việc tăng trưởng Tín, Nguyện rồi, còn câu phát nguyện đó chỉ có tác dụng đề khởi cái tâm nguyện đó lên mà thôi, chứ không có tác dụng làm tăng trưởng cái Tín, Nguyện của mình. Nên thêm cái câu phát nguyện này khi hành trì niệm Phật thì giống như vẽ rắn thêm chân, chỉ thêm vướng víu, không giúp cho mình đạt được sự nhất tâm. Căn nguyên của việc này đều là do chẩn đoán sai bệnh mà ra.

Thích Hiền Thạnh/Thái Hà Books và NXB Lao Động

Bình luận

SÁCH HAY