Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảm ứng đạo giao và sám trừ nghiệp chướng khác nhau thế nào?

Lễ sám để tiêu trừ nghiệp chướng, để tăng trưởng phúc báu nó khác với việc phát nguyện cầu cảm ứng như thế nào mà một hành giả theo đuổi pháp môn Niệm Phật lại không thể bỏ qua.

sam tru nghiep chuong anh 1

Ảnh: Aleksandar Pasaric.

Trước hết, chúng ta cần phân biệt rõ việc lễ sám để tiêu trừ nghiệp chướng, để tăng trưởng phúc báu nó khác với việc phát nguyện cầu cảm ứng như thế nào mà một hành giả theo đuổi pháp môn Niệm Phật lại không thể bỏ qua. Đức Phật A Di Đà Tuy rất từ bi, nhưng ngài không thể tự nhiên bay tới thế giới khổ đau này rồi mang hết chúng ta về thế giới Cực Lạc được. Thế giới Cực Lạc tốt đẹp như vậy thì ai mà lại không có tâm nguyện được vãng sinh về đó cơ chứ.

Không còn nghiệp duyên mới tới được thế giới Cực Lạc

Còn nếu nói về niềm tin thì cứ đưa họ về bên đó thì ắt họ sẽ tin thôi, nhưng nếu ngài làm như vậy thì trật tự thế giới sẽ bị đảo lộn, quá trình tiến hóa và nghiệp báo của chúng sinh sẽ xáo trộn, luật nhân quả sẽ bị vi phạm. Nên cần phải đợi tới khi nào nghiệp duyên của chúng sinh không còn ở thế gian này nữa, là lúc họ lâm chung, thì lúc đó ngài mới có thể tiếp dẫn họ tới thế giới Cực Lạc được.

Nhưng để có thể cảm ứng được tới bản nguyện của ngài, bản thân người gần lâm chung cần phải phát ra được lời nguyện cầu bằng ý niệm hay bằng lời nói thì cái tâm nguyện đó mới khởi lên thành hiện hành. Nó giống như phóng tia lửa điện vào bình xăng vậy, xăng giống như nguyện lực của đức Phật A Di Đà, luôn luôn có sẵn ở đó, không bao giờ thiếu, bình điện giống như cái Tín, Nguyện của chúng sinh, hành giả niệm Phật hầu như ai cũng có, còn việc ấn vào cái nút đề chính là khởi lên ý niệm hay lời nói: "Con nguyện sinh Tây phương Cực Lạc".

Nhưng nếu lời phát nguyện này được đề khởi lúc còn sống, lúc còn khỏe mạnh thì Phật cũng không thể tới rước ta được, vì lúc này nghiệp duyên của chúng ta ở thế gian này vẫn còn. Một khi đã gây tạo nghiệp, dù là nghiệp thiện hay nghiệp ác, đều phải nhận chịu quả báo, chúng ta không thể trốn đi đâu được. Đây là luật nhân quả.

Nên tại sao gần tới lúc lâm chung, cận tử nghiệp, là lúc giao báo, là thời điểm mà những nghiệp ác hay nghiệp thiện sẽ được thể hiện ra rất rõ, cũng là lúc mà oán thân trái chủ sẽ tới đòi nợ, là họ sẽ làm cho mình chết không được sống không yên, hoặc là sẽ dẫn dắt mình vào tam ác đạo (đường ác) để rửa mối oán hận đó.

Oán thân trái chủ này thường là những con vật mà mình đã giết hại, những người mà mình đã vô tình hay cố ý gây đau khổ cho họ, khiến họ không được siêu thoát. Đây là lý do tại sao chúng ta cần phải lễ sám và ăn năn sám hối những đau khổ mà mình đã gieo rắc cho chúng sinh.

Nhờ mười phương chư Phật mới chuyển hóa được nghiệp ác

Nhưng để chuyển hóa được những nghiệp ác mà mình đã gây ra không phải chỉ ăn năn sám hối là đủ mà còn phải nhờ tới thần lực của mười phương chư Phật, của câu Phật hiệu, của thần chú mới có thể chuyển hóa được. Nhưng nó không giống như hiện tượng cảm ứng là chỉ cần cảm thì ngay lập tức có ứng, kiểu như khi phóng tia lửa điện thì ngay lập tức xăng trong bình sẽ cháy, mà nó giống như việc ta dùng các hệ thống máy móc tự động trong việc sản xuất.

Nếu chỉ dùng sức người để tạo ra một sản phẩm nào đó thì rất lâu, nhưng nếu biết nhờ tới sức mạnh của công nghệ tự động thì nó sẽ rất nhanh, tuy vậy cũng cần phải có thời gian nhất định chứ không thể ngay lập tức mà ra sản phẩm được. Nên các môn lễ sám dù có thần kỳ tới đâu cũng không thể ngay lập tức mà có thể tiêu trừ được hết nghiệp chướng của mình.

Kinh Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác nói rằng nương vào thần lực của ngài Địa Tạng để ta biết nghiệp báo của ta nặng nhẹ thế nào từ đó mà biết cách bố trí thời gian cho việc lễ sám của mình. Khi thấy nghiệp báo của mình nặng thì sẽ cố gắng nỗ lực nhiều hơn, có thể hai năm hoặc ba năm, còn nhẹ thì cũng một tuần hoặc một tháng.

Hiện tượng cảm ứng là có hiệu quả tức thời, nhưng nó còn phụ thuộc vào duyên nghiệp phúc báu và nhu cầu của mỗi người mà nó được ứng ra tức thời hay là không, còn sám trừ nghiệp chướng thì không phải là lễ sám một cái là hết liền, mà cần phải có thời gian, như trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phổ Hiền Bồ tát có nói: "Nếu tội lỗi chúng sinh có hình tướng thì tất cả hư không cũng không chứa hết".

Vậy nên không thể nào lễ sám một cái là hết liền, đặc biệt là trong thời đại ngày nay chúng sinh phúc mỏng nghiệp dày, nếu không thực hành lễ sám trước khi tu tập thiền định hay tiếp nhận kinh giáo thì rất dễ lầm đường lạc lối, rất dễ "y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan; ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết". Nên nếu không có người khai ngộ hướng dẫn trực tiếp cho mình thì rất dễ tẩu hỏa nhập ma, không thì cũng lạc vào tà ma ngoại đạo lúc nào không hay.

Thích Hiền Thạnh/Thái Hà Books và NXB Lao Động

Bình luận

SÁCH HAY