Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chọn pháp tu phù hợp với hoàn cảnh và căn tính

Pháp tu là giúp mình đạt Định nên chỉ cần một pháp mà thôi, nhưng nếu gặp được pháp nào phù hợp với hoàn cảnh và căn tính của mình thì mình sẽ có sự tập trung, sự chuyên chú hơn.

Như mọi người đều biết, đức Phật là tùy căn cơ mà thuyết pháp, mà căn cơ của chúng sinh thì vô cùng đa dạng, tượng trưng bởi con số là tám vạn bốn ngàn dạng căn tính khác nhau. Mà mỗi người thì chỉ cần một pháp hành trì để theo đuổi tu luyện mà thôi, nó không giống như giáo pháp là có chia ra cấp bậc, nghĩa là người học cần phải học hết cấp bậc này đến cấp bậc kia để có một nhận thức chính xác thì việc tu tập mới có thể đi đúng hướng, mới có thể đi tới cái đích cuối cùng.

can tinh anh 1

Ảnh minh họa: Thể Phạm.

Còn pháp tu là giúp mình đạt Định nên chỉ cần một pháp mà thôi, nhưng nếu gặp được pháp nào phù hợp với hoàn cảnh và căn tính của mình thì mình sẽ có sự tập trung, sự chuyên chú hơn. Nhưng dù người nào đó có chứng ngộ, có đắc quả thì cái pháp mà họ truyền dạy cho mọi người cũng chỉ có một cái pháp hoặc chỉ có một vài bộ kinh nào đã giúp họ thành tựu chứ ít ai có đủ khả năng quán cơ hay thông suốt được hết giáo pháp của đức Phật.

Nên các vị đệ tử của những vị giáo chủ này một khi thần tượng quá mức về sư phụ của mình thì sẽ xem vị sư phụ này như là một vị Phật, cũng dễ dàng cho rằng phương pháp mà vị này đang rao truyền là pháp môn thù thắng bậc nhất, là hay nhất, là hiệu quả nhất, rồi nhất nhất đem phương pháp tu tập này áp dụng hết cho hết thảy mọi người. Từ đó mới có sự tranh giành hơn thua giữa các pháp môn với nhau. Như trong kinh Phật có một ví dụ là người mù sờ voi, mỗi vị chỉ mới thấy được một bộ phận của con voi rồi cho răng đó là con voi, từ đó mới sinh ra ẩu đả lẫn nhau.

Hiểu đúng về căn tính

Vậy căn nguyên của vấn đề này là gì? Nguyên nhân thứ nhất là do chúng ta chưa thật sự hiểu rõ chữ "căn tính" này có ý nghĩa là gì. Căn tính khác với tập khí, tuy cũng chỉ là một dạng thói quen, nhưng căn tính gắn liền với một giá trị thiết thực nào đó mới có thể khiến nó được duy trì từ đời này sang đời khác, còn tập khí mang tính tiêu cực hơn, đa số là ám chỉ về những thói quen không tốt cần phải loại bỏ.

Giống như quy luật sinh tồn vậy, anh muốn tồn tại thì anh phải nỗ lực thay đổi, là bỏ đi những tập khí xấu, còn những kỹ năng, những năng lực nào mà nó giúp anh sinh tồn, thăng hoa thì sẽ được anh duy trì, được anh huân tập từ đời này sang đời khác, và đó gọi là căn tính. Nên tại sao đức Phật phải tùy theo căn tính của chúng sinh mà dạy cho họ cái pháp tương ứng.

Như tập khí là những thói quen xấu thì đức Phật dùng giới luật để kiềm chế nó. Còn căn tính thì rất khó bảo họ thay đổi vì đối với người đó những năng lực, những sự huân tập này đã mang lại giá trị tiến hoá, giá trị hữu dụng cho họ từ nhiều đời nhiều kiếp rồi.

Do đó thay vì cố gắng thay đổi cái pháp tu tập mà họ đã quen thuộc thì đức Phật vẫn giữ lại cái pháp đó, vì đối với cái pháp mà họ đã quen thuộc thì tất nhiên họ sẽ có sự tập trung, sự chuyên chú cao hơn so với những pháp tu khác nên giúp họ dễ thành công hơn. Căn tính con người cũng tương tự như vậy, tuy muôn hình muôn vẻ nhưng quy nạp lại được phân làm bốn nhóm chính.

Thích Hiền Thạnh/Thái Hà Books và NXB Lao Động

Bình luận

SÁCH HAY