Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự kình địch giữa đội tuyển Anh và Argentina ở World Cup

Bóng đá thế giới có nhiều câu chuyện về sự kình địch giữa 2 nền bóng đá Anh và Argentina, và trận tứ kết World cup 1966 là khởi đầu của “mối thâm thù” này.

World Cup anh 1

Maradona ghi hai bàn thắng loại đội tuyển Anh ở World cup 1986. Nguồn: historyofsoccer.

Trận tứ kết World Cup 1966, Anh gặp Argentina. Đội chủ nhà giành thắng lợi 1-0 với bàn thắng của Geoff Hurst ở phút thứ 78, nhưng những lời lẽ cay độc của Alan Ball dành cho đội bóng Nam Mỹ vẫn không hề thuyên giảm.

Ông thẳng thừng một cách có thể nói là thô thiển: "Họ chẳng khác gì động vật. Đừng có nói với tôi về những con người ấy. Họ rất bẩn, là đội bóng ghê sợ nhất trong sự nghiệp của tôi. Huấn luyện viên Alf Ramsey đã cảnh báo với tôi rằng Rattin, đội trưởng của Argentina là hiện thân của một tên tội phạm. Từ ngoài sân, hắn ta thậm chí còn nhổ nước bọt vào chân trọng tài, chế nhạo quyết định của trọng tài. Và rốt cuộc, họ cố gắng để lừa trọng tài theo những cách tồi tệ nhất".

Với Alan Ball nói riêng và với cầu thủ Anh nói chung, trong trận đấu có thể húc đầu vào đối thủ, có thể đốn ngã đối thủ, dùng tiểu xảo, nhưng hành vi khạc nhổ nước bọt là sự khinh thường trầm trọng nhất.

Trận đấu giữa Anh và Argentina diễn ra với nhiệt độ có vẻ như quá nóng. Sức nóng ấy được đẩy lên đỉnh điểm khi phút thứ 35 Antonio Rattin bị trọng tài người Đức Rudolf Kreitlein rút thẻ đỏ đuổi khỏi sân do phạm lỗi nghiêm trọng với B.Charlton. Alan Ball kể lại rằng, "khuôn mặt của Rattin thực sự đáng sợ như một kẻ khát máu".

"Hắn ta không thể chửi bới bằng tiếng Đức, mà ông trọng tài cũng không hiểu tiếng Tây Ban Nha. Rattin mất khoảng gần 10 phút để rời sân, cầu thủ này ngồi trên tấm thảm đỏ dành cho Nữ hoàng Anh. Rattin sau đó bị người Anh cáo buộc rằng, trong lúc ngồi đó, ông đã giơ ngón tay thối về phía Nữ hoàng đang ngồi trên khán đài".

World Cup anh 2

Huấn luyện viên Alf Ramsey cấm các học trò đổi áo với đối thủ. Ảnh: theguardian.

Khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, huấn luyện viên Alf Ramsey sải bước vào đường hầm. Ông dừng lại ở chỗ học trò George Cohen đang định đổi áo đấu với Alberto Gonzalez, Ramsey không ngần ngại đứng lại và hét toáng lên vào mặt Cohen rằng: "Anh không thể đổi áo đấu với những kẻ như thế này", trước khi nói rằng đối thủ của mình là một tên động vật hoang dã.

Tiếp đó, một cảnh tượng thật khó tin hiện ra trước mắt đội Anh khi một cầu thủ Argentina kéo khóa quần đi tiểu vào bức tường trong đường hầm, "xối nước" lên chiếc áo treo ở đó của đại diện FIFA, ông Harry Cavan. Chưa hết, một số cầu thủ Argentina đập cửa như thể muốn lao vào phòng thay đồ của đội tuyển Anh. Jack Charlton hùng hổ lao ra cửa, hét lên: "Hãy cứ để bọn chúng vào. Tôi sẽ hốt cả bọn”. […]

Định mệnh đưa họ gặp nhau một lần tại World Cup 1986, một trận đấu lịch sử. Argentina gặp Anh ở tứ kết, một trận đấu khiến cổ động viên cả hai phía nhớ lại cuộc chiến Falkland. Chính phủ cả hai nước cùng thành viên đội tuyển kêu gọi người hâm mộ hãy quên chính trị đi. Nhưng thực tế nó không đủ để trận đấu này mang ý nghĩa đơn thuần bóng đá.

Tờ báo lá cải Cronica của Argentina giật tít: "Chúng tôi đến để đánh bại các anh, những tên cướp biển". Đả phá lại, tờ The Sun của Anh cũng gọi Argentina là "biệt đội chết".

Trước đó ở vòng 1/8, Argentina và Anh đều đã lường trước rằng sẽ phải gặp nhau khi họ ở cùng nhánh. Và trong trận Anh gặp Paraguay, cổ động viên Anh đã hát: “Hãy mang Argentina đến đây, chúng tôi muốn một trận chiến khác". Vì thế, sức nóng của trận đấu lan tỏa mạnh mẽ khi Anh đánh bại Paraguay 3-0, còn Argentina hạ Uruguay 1-0 để gặp nhau tại tứ kết.

Ban tổ chức Mexico không hề muốn trận đấu này xảy ra, nhưng họ vẫn phải chuẩn bị để đối phó với tình huống có thể đến. Gần 8.000 cảnh sát chống bạo loạn được đặt trong tình trạng sẵn sàng. Ba cuộc tập dượt ảnh huống được nước chủ nhà tiến hành. Cảnh sát an ninh có mặt ở mọi nơi. Sự căng thẳng lên đến tột đỉnh.

Và thực tế trận đấu này đã đi vào lịch sử như một trong những màn so tài hay nhất lịch sử World Cup với những ảnh huống được nhắc đến như một phần của bóng đá thế giới, chứ không có cuộc lộn xộn, ẩu đả lớn nào diễn ra bên ngoài sân.

Bàn thắng của Maradona được thực hiện, mà sau này người ta gọi là "bàn tay của Chúa, vô tình như mồi lửa châm vào lòng hận thù. Nhưng bàn thắng thứ hai của Maradona vào lưới đội tuyển Anh thì thật sự là một kiệt tác, được coi là bàn thắng đẹp nhất lịch sử bóng đá nhân loại, khi Maradona đi bóng trên 60 m, vượt qua toàn bộ đội hình của Anh trước khi ghi bàn.

Đương nhiên các cầu thủ Anh phản đối dữ dội, và họ còn cho rằng Maradona cố tình "qua mặt" trọng tài. Khi ăn mừng bàn thắng, Maradona đã "lấm lét” nhìn thái độ của trọng tài và ăn mừng như thể có bàn thắng hợp lệ.

Sau này, các cầu thủ Anh còn có cáo buộc rằng Maradona còn gọi đồng đội đến ăn mừng cùng như một trò "lừa đảo”. Và họ gọi đó là trận đấu bị đánh cắp.

Và Maradona cũng chẳng vừa khi phản pháo rằng: " Đúng là tôi dùng tay. Đúng là tôi ăn cắp, giống một chút như cách ăn cắp ví của người Anh vậy!”. Báo chí Argentina cũng hả hể lắm với tuyên bố của Maradona, và họ gợi lại rằng, người Anh đã lấy cắp của họ World Cup 1966 và quần đảo Las Malvinas.

Câu chuyện giữa Anh và Argentina vẫn chưa dừng lại khi tại vòng hai World Cup 1998, Diego Simeone của đội tuyển Argentina ăn vạ thô thiển sau cái "búng chân' của Beckham, khiến tiền vệ này phải nhận thẻ đỏ dẫn đến thất bại của Tam sư.

Sự việc này diễn ra khiến Argentina càng trở nên xấu xí trong mắt người Anh. Họ chỉ trích Beckham, nhưng cũng nhân tiện đó chửi bới cả cách hành xử thiếu fair-play của Simeone.

Mãi đến 4 năm sau, tức là World Cup 2002, đội tuyển Anh và cá nhân Beckham mới trả được món nợ, khi đánh bại Argentina trong trận đấu ở vòng bảng, với bàn thắng duy nhất từ chấm 11 m của chính Beckham. Giải đấu đó, Argentina thất bại toàn diện khi bị loại sau vòng đấu bảng. Đó cũng là lần gần đây nhất Anh và Argentina gặp nhau ở một vòng chung kết World Cup.

Lê Thành Trung / NXB Dân Trí

SÁCH HAY