Một nữ CĐV Iran giơ tấm biển mang thông điệp hòa bình trong trận đấu giữa đội tuyển nước này và đội tuyển Mỹ tại World Cup 1998. Nguồn: sportingnews. |
Chủ nhật ngày 21/6/1998, Iran chuẩn bị cho trận đấu ở bảng F của World Cup 1998 tại Lyon gặp Mỹ. Ngày đó, kênh truyền hình Fox Sports phát những câu chuyện về bóng đá Iran và Mỹ, phỏng vấn các nhà báo nổi tiếng và cả những xung đột chính trị.
Những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất là "Thánh chiến", "Mẹ của những cuộc chiến", "xung đột văn hóa”. Chúng xuất hiện nhiều đến mức cựu tiền đạo đội tuyển Mỹ, Eric Wynalda đã phải lên tiếng phản ứng, đe dọa sẽ tẩy chay trận đấu nếu truyền thông tiếp tục những lời lẽ, luận điệu ngoài bóng đá.
Song, từ Tehran, Ali Khamenei, một vị lãnh tụ tinh thần, đã đưa ra thông báo cứng rắn thúc giục rằng, đội tuyển Iran hãy thi đấu như những chiến binh để được ghi danh vào lịch sử, như một lời khẳng định với Mỹ kể từ sau sự kiện Tổng thống Jimmy Carter cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, sau khi các chiến binh ở đây xông vào đại sứ quán Mỹ tại Tehran bắt 52 người Mỹ làm con tin trong 444 ngày (bắt đầu cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979).
Ngọn lửa xung đột được kìm nén tối đa. Những yếu tố ngoài bóng đá được loại bỏ. Trên sân vận động, các thông điệp hòa bình và bóng đá được đưa ra. Những khẩu hiệu "Hãy loại bỏ yếu tố chính trị khỏi thể thao” cũng được giương lên, nhưng vẫn có một vài hoạt động cực đoan lẻ tẻ diễn ra.
Tuy nhiên, bóng đá vẫn là bóng đá. Để thể hiện sức mạnh của thể thao, các cầu thủ Iran đã bắt đầu trận đấu gặp Mỹ với những bó hoa trắng trên tay trao cho đối thủ như một cử chỉ hòa bình. Đội trưởng đội tuyển Mỹ Thomas Dooley tặng Iran cờ hiệu Mỹ. Đội trưởng đội Iran tặng lại Mỹ tấm khiên bạc. Hai mươi hai cầu thủ cùng chụp ảnh chung.
Cầu thủ hai đội tuyển Mỹ và Iran chụp ảnh chung trong trận cầu lịch sử tại World Cup 1998. Nguồn: FIFA. |
Thực tế là sau khi bốc thăm chia bảng vòng chung kết World Cup 1998 cho kết quả Mỹ chung bảng với Iran, chính phủ Iran đã đưa ra cân nhắc về trận đấu với Mỹ. Họ cũng đã phải gặp FIFA để tiến hành các cuộc thảo luận kéo dài về việc các nhóm CĐV mặc áo và mang theo hình ảnh của Massoud Rajavi, lãnh tụ phe Hồi giáo, và thống nhất sẽ kiềm chế những hoạt động, những hình ảnh không mang yếu tố thể thao từ các CĐV. […]
Đó là trận đấu mà đội thua sẽ chính thức bị loại. Số liệu thống kê của FIFA cho biết, Mỹ có tới 12 cú sút cầu môn, 4 lần dội cột dọc, xà ngang, trong khi Iran chỉ có 3 cú sút, nhưng họ lại ghi tới 2 bàn thắng. Iran thắng 2-1. Một kết quả không tưởng. HLV của Iran ở kỳ World Cup đó là ông Jalal Talebi cố gắng đưa ra những phát biểu ngoài chính trị: "Đó là chiến thắng to lớn của Iran, không phải vì đối thủ là đội tuyển Mỹ mà vì đây là chiến thắng đầu tiên của Iran tại một kỳ World Cup”.
Tổng thống Mohammad Khatami cũng gửi thư chúc mừng tương tự: "Xin chúc mừng. Chiến thắng này là biểu tượng của sự đoàn kết quốc gia”. Ayatollah Ali Khamenei thì "chúc mừng" trực diện: "Đêm nay, một lần nữa, đối thủ mạnh mẽ và kiêu ngạo đã cảm thấy vị đắng của thất bại dưới tay ta".
Một lần nữa, ở các thành phố lớn của Iran, hàng triệu người đã lại đổ xuống đường. Các cửa hàng mở cửa vào giữa đêm, họ phát kem, đồ ngọt miễn phí. Hàng chục nghìn cảnh sát đứng và xem. Các cô gái, phụ nữ lại lột khăn trùm mặt. Có cả tiếng súng chỉ thiên bắn lên trời. Mặc dù bốn ngày sau đó, Iran thất thủ trước Đức (0-2), nhưng họ vẫn được chào đón như những người hùng khi trở về Tehran.
18 tháng sau cái ngày kỳ diệu ấy, đội tuyển Iran có chuyến du đấu đến California, chuyến đi được đánh giá rất cao. Trận đấu tại Pasadena Rose Bowl với 50.000 người kết thúc với tỷ số 1-1. Mặc dù Washington và Tehran vẫn chưa có quan hệ ngoại giao, nhưng từ trận đấu đó, các cuộc giao lưu văn hóa, thể thao đã diễn ra thường xuyên hơn.
Mối quan hệ vốn đóng băng từ cuộc bầu cử Khatami năm 1997 đã tan dần. Nhưng bên cạnh đó vẫn có những phàn nàn từ phía các nhà chức trách của đội tuyển Iran rằng, cảnh sát đã lục lọi, kiểm tra gắt gao hành lý của đội bóng, hoặc quá nhiều hãng bia đã quảng bá đầy rẫy trên sân vận động Pasadena Rose Bowl (tôn giáo của người Iran cấm uống bia, rượu). Hệ quả của 2 trận đấu gặp Mỹ mang lại rất lớn.
Những chiến thắng của bóng đá cũng tạo ra ảnh hưởng tích cực đến xã hội Iran. Xiềng xích được nới lỏng. Tiến bộ xã hội, hiện đại hóa được đẩy mạnh. Bóng đá giống như một lực lượng làm thay đổi xã hội. Nhưng nó cũng tạo ra một vài hiệu ứng ngược. Như năm 1999, các sinh viên, các nhà hoạt động chính trị và một vài nhóm người đã xuống đường biểu tình 5 ngày vì chính phủ của Khatami đóng cửa một tờ báo. Họ đụng độ với cảnh sát sau những cuộc tranh cãi, bất đồng có nguyên nhân bắt nguồn từ bóng đá.