Tư tưởng Mussolini đã dẫn đến một vết gợn khó quên trong lịch sử bóng đá thế giới. Mussolini mới chính là thế lực lớn nhất của nền bóng đá trong suốt thập kỷ 30, khi chế độ phát xít bao trùm lên khắp thế giới. Hitler mải chinh phạt châu Âu. Còn Mussolini miệt mài tìm cách thâu tóm thế giới thông qua quyền lực, sự phát triển đại chúng của bóng đá.
Và hai kỳ World Cup 1934 và 1938 thuộc về chế độ độc tài phát xít, thuộc về Mussolini chứ không thuộc về FIFA. […]
Năm 1932, Italy xây hàng loạt sân vận động mới để giành quyền tổ chức World Cup 1934, biến giải đấu này thành công cụ tiếp tục tuyên truyền uy quyền với mục tiêu cuối cùng ít nhất là giành chức vô địch. […]
Trước khi giải đấu khởi tranh, Mussolini tuyên bố: "Đá tốt tức là nền tảng chính trị tốt”. […]
Khi bóng đá và Phát xít gắn chặt với nhau, nó tạo ra sức mạnh phi thường. Các cầu thủ chiến đấu trên sân điên loạn, như những chiến binh tử vì đạo. Ảnh hưởng của Mussolini bao trùm khắp Italy, đến mức những nhóm không theo tư tưởng Phát xít cũng phải im lặng. Hàng loạt kế hoạch mang tầm vĩ mô được đưa ra để phục vụ cho ý chí Mussolini.
Mặc dù là cúp Thế giới, thực ra giải đấu năm 1934 là giải của những đội bóng châu Âu, khi Italy đối đầu với một trường phái đang thăng hoa ở châu Âu: Coffee House. Những đội bóng Nam Mỹ mất tích. Nhà đương kim vô địch Uruguay từ chối tham dự với khá nhiều lý do. […]
Á quân Argentina nhận lời tham dự, nhưng họ chỉ đưa sang đội hình nghiệp dư. Argentina không thể mang đội hình mạnh nhất tới dự giải vì làn sóng nhập khẩu cầu thủ của Italy quá mạnh mẽ, đã thu hút hầu hết ngôi sao của Argentina. Ba cầu thủ hàng đầu của họ đã bị Italy lấy mất, trong đó có Monti. Và khi Argentina đá trận đầu tiên gặp Thụy Điển, đội hình của họ không có một cầu thủ nào từng góp mặt ở giải đấu 4 năm trước đó. Và kết cục là Argentina Brazil cũng được "đóng gói" đưa về nhà ngay sau trận đầu bị loại. […]
Đằng sau chức vô địch World Cup 1934 của đội tuyển Italy là chế độ phát xít bao trùm lên khắp thế giới. Nguồn: thesefootballtimes. |
Italy dễ dàng vượt qua Mỹ ở trận đầu tiên với tỷ số 7-1, nhưng mục tiêu đáng ngại nhất của Italy là Tây Đức, đội bóng được quản lý bởi Đức Quốc xã, dưới bàn tay của Adolf Hitler. Mussolini tự coi mình là quyền uy nhất châu Âu. Il Duce từng đe dọa sẽ tấn công Đức nếu họ chiếm Áo để tạo ra một "Great Germany", nhưng khi Đức chiếm được Áo, Mussolini đã chẳng làm gì.
Trận đấu thứ hai của Italy là gặp Tây Ban Nha, đội bóng đã đánh bại Brazil 3-1. Nhận biết Tây Ban Nha không hề dễ chơi, II Duce đã tổ chức móc nối với trọng tài. Trong diễn biến trận đấu (hòa 1-1), Ferrari đã ghi bàn gỡ hòa trong tình huống mà trước đó Schiavio đã cản trở thủ môn của Tây Ban Nha. Bàn thắng không hợp lệ. Trọng tài Louis Baert (người Bỉ) đã từ chối bàn thắng.
Nhưng sau khi các cầu thủ Italy quây lấy ông và đòi lẽ công bằng, ông đã thay đổi quyết định. Sau đó, Louis Baert còn từ chối 1 bàn thắng của Tây Ban Nha vì cho rằng, cầu thủ ghi bàn là Lafuente đã phạm lỗi, mặc dù tiền đạo này đã vượt qua tới 4 cầu thủ Italy trước khi đưa bóng vào lưới. Italy có trận hòa 1-1 và đưa trận đấu sang ngày hôm sau để đá lại.
Dù Tây Ban Nha thiếu 2 tiền đạo quan trọng, nhưng họ vẫn chơi rất tốt trước Italy. Với sự trợ giúp của trọng tài người Thụy Sĩ Rene Mercet bằng mọi cách, Italy thắng 1 - 0. Sau trận đấu đó, Rene Mercet bị chính Liên đoàn bóng đá Thụy Sĩ chỉ trích nặng nề. Họ xấu hổ đến mức rút ông này khỏi giải, đưa về nước cho xong chuyện.
Hai ngày sau trận đấu đầy tai tiếng ấy, trong trận bán kết trên mặt sân San Siro bùn lầy, Monti đã triệt hạ tiền đạo hay nhất của đội tuyển Áo là Sindelar để đội nhà thắng tiến vào trận chung kết. […]
Bất chấp những lời cáo buộc rộ lên sau trận bán kết, Italy gặp Czechoslovakia ở trận chung kết vào ngày 10/6/1934. […]
Czechoslovakia là đội bóng nắm giữ thế trận trong hơn 70 phút đầu của trận đấu. Antonin Puc đưa Czechoslovakia dẫn trước ở phút 76. Nhưng bước ngoặt của trận chung kết đã xuất hiện khi cầu thủ hay nhất của đội khách chính là tiền đạo Antonin Puc phải rời sân vì một âm mưu triệt hạ từ hàng phòng ngự Italy. Người khiến Puc phải kết thúc sớm trận đấu là hậu vệ Ferraris. Liền sau đó, Raimondo Orsi gỡ hòa trước khi hết giờ 8 phút. Và phút 95 của hiệp phụ, Schiavio mang về chiến thắng 2-1 cho Italy.
Mussolini chiến thắng theo đúng cách của mình. Sứ mệnh lịch sử của Italy 1934 hoàn thành. Đội trưởng, thủ môn Giampiero Combi nhận chiếc cúp vô địch, huy chương vàng và Coppa del Duce từ II Duce Mussolini ngay trên sân. Mussolini được các cầu thủ Italy công kênh và còn chụp hình chung với đội bóng. Hai đội bóng kết thúc trận đấu với màn chào kiểu Phát xít trên khán đài. World Cup 1934 kết thúc trong bàn tay dàn xếp của II Duce. […]
Nhưng sự thống trị của Mussolini chưa dừng lại ở đó mà kéo dài đến tận World Cup 1938 diễn ra tại Pháp. Tuy nhiên, hình ảnh của Mussolini chỉ hiển hiện trong tâm lý với áp lực từ chủ nghĩa Phát xít chứ không còn khống chế được cả giải đấu như World Cup 1934. Thậm chí, giải đấu này còn là sự khẳng định của Pozzo, của sức mạnh thực sự và của tinh thần Italy...
---------------------------
* Tên bài viết trong sách: World cup 1934-1938 Mussolini, bóng ma phía sau một giải đấu.