Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàn Quốc, Triều Tiên và kỳ tích trước Italy tại World Cup

Nghe có vẻ buồn cười, nhưng thật sự là những siêu sao dạn dày kinh nghiệm như Paolo Maldini, Francesco Totti cũng cảm thấy bất ổn khi tới Hàn Quốc thi đấu.

Ahn Jung Hwan ghi bàn quyết định giúp Hàn Quốc loại Italy tại vòng 1/8 World cup 2002. Nguồn: FIFA.

Ngày 18/6/2002, tại vòng 1/8 World Cup, toàn bộ đội hình và ban huấn luyện đội tuyển Italy bước ra sân vận động Daejeon (Hàn Quốc) với tâm trạng thực sự lo lắng.

Nghe có vẻ buồn cười, nhưng thật sự là những siêu sao dạn dày kinh nghiệm như Paolo Maldini, Francesco Totti hay cả huấn luyện viên kỳ cựu Giovanni Trappatoni cũng đã cảm thấy những điều gì đó bất ổn. Giữa một rừng màu đỏ và trắng, với những biểu ngữ được giăng lên, người ta đọc được rất nhiều thông điệp đầy dọa dẫm kiểu: “Chào mừng đến lăng mộ của Azzurri”, “Tái hiện 1966”.

Đây là sự gợi nhớ đầy hiểm họa, bởi lúc ấy có lẽ nhiều người Italy vẫn chưa thể quên, World Cup 1966 Azzurri đã bị loại ngay tại vòng bảng sau trận thua đau đớn ở lượt thứ 3 trước CHDCND Triều Tiên (0-1).

Để tiếp thêm sức mạnh cho đội chủ nhà Hàn Quốc, gần 5 triệu người trong tổng số 48 triệu dân đã tập trung ở 240 quảng trường, công viên, khu đô thị của Seoul để theo dõi trận đấu này. Có lẽ đến giờ này cũng không có một đám đông nào khủng khiếp đến thế tập trung cổ vũ một trận đấu bóng đá. Và ở những màn hình lớn ở khắp nơi tại Seoul, thông điệp “Nhớ lại năm 1966” được hiển thị tung toé.

Và khi Ahn Jung Hwan bay lên trên Paolo Maldini để đánh đầu đưa Hàn Quốc dẫn trước ở phút 117, sự ám ảnh của 36 năm trước đó đã hiển hiện trước mắt các siêu sao nước Italy.

Năm 1966, hẳn họ đã đọc được hoặc được kể lại rằng, các cầu thủ Italy trở về nhà tại sân bay Genoa trong sự ô nhục và bị ném cà chua thối từ những đám đông đón họ.

Huấn luyện viên Edmondo Fabbri khi ấy đã tìm kiếm sự an ủi khi đưa ra một chuỗi các thuyết âm mưu kỳ lạ. Những lời buộc tội của ông được công khai trên tạp chí Stadio vào tháng 8/1966, đã tạo ra những tranh cãi, đến mức gây ra bê bối.

Những cầu thủ đã được đăng ký chơi trận đấu với CHDCND Triều Tiên cho rằng họ cảm giác đã bị lừa gạt. Cầu thủ Giacinto Facchetti nói rằng các mũi tiêm do bác sĩ của đội thực hiện đã khiến anh ta cảm thấy “cảm giác bất an và sợ hãi”.

Một số cây bút người Italy còn cho rằng huấn luyện viên Fabbri đã viết và cho các cầu thủ ký cam kết gì đó mà họ không cần phải đọc xem nội dung là gì. Tuy nhiên, ngay sau khi câu chuyện được phanh phui, các cầu thủ đã rút lại toàn bộ lời nói với tuyên bố mới: “không có gì đặc biệt nghiêm trọng hay kỳ lạ xảy ra cả”.

Còn huấn luyện viên Fabbri bị sa thải và cấm tham gia bóng đá 11 tháng. Và sau đó ông vẫn khẳng định: “Một số người muốn Italy thất bại, và không may, họ đã làm được điều đó”.

Trong vở opera chính trị dài 6 tiếng có tên La Meglio Gioventu (tạm dịch: Điều tuyệt vời nhất của thanh xuân) của tác giả Mario Tullio Giordano, ba thanh niên người Ý đã chế nhạo người dân địa phương ở một thị trấn ven biển bằng những câu hát “Korea, Korea”. Nó được nhại lại để giễu những ngôi sao của họ năm 1966. Và đến 2002, báo chí Italy đã cảnh báo về mối đe dọa sắp xảy ra với cà chua và một Triều Tiên khác.

Dù đã lọt vào vòng 1/8 của World Cup 2002, nhưng đội tuyển Italy, báo chí và ban huấn luyện đã rất tức giận vì ở vòng bảng họ đã bị từ chối tới 4 bàn thắng vì những pha việt vị gây tranh cãi. HLV Trappatino đã tức giận, đá tung và đấm vỡ tất cả những gì ông có thể, thậm chí ông còn la hét, mắng nhiếc trọng tài thứ bốn.

Và điều lo ngại đã đến ở trận đấu vòng 1/8 gặp chủ nhà Hàn Quốc. Vieri bỏ lỡ một bàn thắng mới mươi, rồi trọng tài người Ecuador - Byron Moreno đã cắt đứt một pha tấn công đẹp mắt của Italy, sau đó đuổi Totti khỏi sân. Sau trận đấu, các cầu thủ Italy đã đập tan nát cả thùng rác trong phòng thay đồ của họ.

Ở quê nhà, Chủ tịch Luciano Gaucci của câu lạc bộ Perugia, nơi mà Ahn Jung Hwan (người ghi bàn thắng quyết định loại Italy ở phút 117) còn thề rằng tiền đạo người Hàn Quốc sẽ không bao giờ còn cơ hội thi đấu cho đội bóng của mình nữa. Đồng thời ông khẳng định “Tôi không có ý định trả lương cho một người đã hủy hoại bóng đá Italy”.

Gaucci kiên quyết và thực sự ông làm vậy ngay lập tức. Ngày hôm sau, biên tập viên Pietro Calabrese của Gazzetta dello Sport tuyên bố: “Chúng tôi đã bị loại, và cần phải giải quyết một số vấn đề cũ giữa chúng tôi và các vị lãnh đạo của FIFA và UEFA. Xấu hổ cho họ, xấu hổ cho giải đấu như World Cup”.

Tuy nhiên, phần lớn sự giận dữ của người Italy dành cho trọng tài người Ecuador, ông B. Moreno. Toàn bộ các trang web ở Italy đều dành cho việc chửi bới, chỉ trích Moreno.

Thậm chí báo chí Italy còn điều tra và đăng tải một câu chuyện (có thể sai sự thật) về việc ông Moreno đã mua một chiếc Chevrolet màu đỏ mới tinh sau World Cup 2002. Và nặng nề nhất, họ cho đây là kỳ World Cup bị Hàn Quốc đánh cắp.

Người Hàn Quốc trái lại, có quan điểm khác biệt về thành tích của họ. Năm 1966, Bắc Triều Tiên lọt vào tứ kết và năm 2002, đến lượt Hàn Quốc vào tới bán kết.

Người hùng của CHDCND Triều Tiên năm 1966 còn nói: “Nếu hai miền Triều Tiên thống nhất, chúng tôi sẽ vô địch World Cup 1966”. Và ai cũng biết rằng, từ năm 1953, hai miền Triều Tiên đã bị chia cắt, và chính điều đó khiến mối quan hệ giữa họ căng thẳng, và bóng đá giống như miếng dán nhỏ bé đặt trên vết thương quá lớn.

Daniel Gordon, người làm bộ phim The Game of their Lives năm 2002 đã tiết lộ một phần cuộc sống ở Triều Tiên, quốc gia kín tiếng, đã nói rằng khi nói đến bóng đá, mọi thứ khác hẳn: “Có cảm giác, ở cả hai quốc gia này nếu có bất kỳ thành công nào ở World Cup đối với một trong hai quốc gia, đó chỉ đơn giản là thành tích của bán đảo Triều Tiên. Nó không phụ thuộc vào việc miền Nam hay miền Bắc”. Chính vì vậy, khi World Cup 2002 ở Hàn Quốc, người ta vẫn nhắc đến 1966 là vì vậy.

Lê Thành Trung / NXB Dân Trí

SÁCH HAY