Thời cuộc thật lạ lùng, tất cả như một dòng thác chảy, tất cả dồn chảy về một hướng. Tình thế này thì hy vọng gì ra được đến Hà Nội như ý định ban đầu. Chắc chắn bà ngoại đang trong tâm trạng băn khoăn, dao động không xác định được đoạn đường trước mắt, con thuyền đang tròng trành. […]
Những ngày này, nam nữ thanh niên đi biểu tình, tập quân sự bước một hai, hát vang bài Lên đàng, không khí ở đây thật sôi động và đầy khí thế. Mẹ đã tận mắt thấy hàng cây số những đoàn người đi biểu tình mừng cách mạng, mẹ cũng chạnh lòng là sao mình không đứng trong những đoàn người ấy, cũng mang máng cảm thấy như thế là không phải, nhưng làm thế nào thì chưa nghĩ ra. Mẹ đã hiểu ra là lâu nay nước mình bị đô hộ, mình là người dân mất nước và mẹ nôn nao muốn theo chị theo em ra xã hội, muốn làm người yêu nước, muốn lắm, nhưng vừa không nỡ bỏ bà ngoại đang đau yếu, vừa còn nhút nhát.
Ở nhờ nhà bà cụ Hai không được mấy ngày (độ hai tuần gì đó) thì thành phố có lệnh tản cư, ai cũng lo âu và hoang mang vì Nhật và Tây sắp chiếm lại đất Nam bộ. Cả gia đình mình lại bồng bế nhau với những hòm rương nặng nề chạy về Bến Cát, ở nhờ nhà người giáo viên quen và tính chuyện tản cư. Từ đây, tất cả (kể cả nhà người giáo viên) cùng tản cư vào những làng ven rừng, đến một gia đình nông dân xin tá túc, nhà nghèo nhưng họ nhận ngay - mẹ nhớ tên xã là Mương Đào.
Ở đây là vùng ven nên bọn Nhật đã càn vào hai lần, có lần chúng sục vào rừng gần sát chỗ mẹ và mẹ Bí trốn, sợ ơi là sợ. Bà ngoại thấy ở đây không ổn nên bàn tính với gia đình người giáo viên là phải tản cư sâu hơn để an toàn. Lúc này mẹ nhớ là không ai chịu cùng đi, chỉ có gia đình mình đi sâu vào xã Suối Tre và ở lại đây khá lâu, cũng ở nhờ nhà người nông dân rất tốt bụng. Chính ở đây, mẹ biết giã gạo, biết sẩy, biết sàng.
Lúc này, bà ngoại càng yếu, không ăn được cháo đặc, chỉ uống sữa (mà sữa đâu ra giữa núi rừng thế này). Bà ngoại quyết định mua hai con dê đang cho con bú và hai con bò cũng đang nuôi con. Bác Tả, bác Đính, cậu Khanh chuyên đi chăn bò, dê; mẹ và mẹ Bí vắt sữa, chăm lo cơm nước, lo cho bà ngoại. Mẹ đã bắt đầu bỏ giày dép, đi chân đất để lao động, tập gánh lúa, làm bạn với chị em nông dân cùng tuổi. Bà ngoại đau yếu lại mất tin tức ông ngoại, các vùng đô thị bị Pháp chiếm lại hết - chưa biết mẹ con tính thế nào trong những ngày tới (lúc này có lẽ là đầu năm 1946).
Mẹ đã lân la, nhờ theo bạn bè làm quen với một đơn vị bộ đội, đơn vị mà dân thường gọi là “bộ đội anh Cẩm”. Mẹ theo chị em đã đi tiếp tế cho bộ đội và các anh bộ đội cũng có vẻ muốn nhận mẹ vào đơn vị. Bỗng nhiên có người từ ngoài nhà cụ Hai lần mò đến tận Suối Tre tìm bà ngoại để báo tin mừng là bà cụ đọc báo thấy tin ông ngoại đi tìm gia đình, có địa chỉ để hồi âm. Bà ngoại rất vui mừng, bắn tin lại một lần nữa, hẹn điểm sẽ gặp nhau tại Bến Cát.
Khoảng nửa tháng sau, cả nhà lại chất lên một chiếc xe bò đủ thứ vật dụng, kể cả rương hòm và bà ngoại, còn lại đi bộ và chăn dắt cả đàn dê bò về thành phố. Nghĩ đến cảnh này, thương bác Tả, bác Đính, cậu Khanh vô cùng - thật ra thì bác Tả, bác Đính là chính, còn cậu Khanh chỉ phụ vào thôi. Nhớ cảnh ban đêm đi trong rừng, dê con không chịu mẹ chạy tọn vào rừng, dê mẹ thì kêu, các bác thì thay nhau chạy vào rừng để bắt dê con ra - thật là vất vả vô cùng (lúc đó hai bác và cậu Khanh chỉ độ 11, 12 tuổi).
Từ trái sang: bà Chín Châu (người thứ 2), bà Đỗ Duy Liên (người thứ 3), bà Ngô Thị Huệ - Bảy Huệ (người thứ 4), và các chị em của Hội Phụ nữ cứu quốc miền Đông, 1947. Nguồn: NXB Trẻ. |
Sáng ra thì đến Bến Cát, ông ngoại theo hẹn đi đón và cả gia đình sum họp, ai cũng vui mừng và yên tâm, mẹ thấy như có một chỗ tựa vững chãi. Tưởng đi đâu, ông bàn với bà lại quay về ở nhờ nhà bà cụ Hai, lúc này vốn dự trữ đã cạn sạch, bà ngoại bày ra làm bánh và các bác và cậu Khanh mang đi bán. Bán bánh không đủ sống, mẹ và mẹ Bí theo chị em ra chợ bán ớt. […]
Bà ngoại ngã bệnh nặng, phải đưa về Sài Gòn điều trị, thế là ông ngoại cùng mẹ Bí điều độ bà đi, còn mẹ, hai bác và cậu Khanh ở lại. Mẹ quen chợ, bỏ bán ớt, quay qua làm bánh khọt bán (chung với một người bạn), lúc đầu bán rất chạy, lời được 3-4 đồng một ngày; sau bớt người ăn lại bán bánh cuốn...
Ở Sài Gòn, bà ngoại điều trị có kết quả, bà đỡ dần, cùng với ông thu xếp xong và đón hết cả nhà xuống Sài Gòn, lúc đầu ở nhờ một người bạn quen của bà ngoại, bà này lấy chồng Tây, nhà số 128 đường Espaque (Lê Thánh Tôn bây giờ). Từ đây, bà ngoại hỏi bạn bè mua một căn nhà lá ở chợ Thị Nghè, mẹ nhớ là mua 3.000 đồng và dọn ra ở riêng cho tự do vì là nhà của mình. Lúc đó là khoảng tháng 9 năm 1946. […]
Vào đầu năm 1947, bà ngoại mất. […]
Kể từ lúc bà ngoại chưa mất, mẹ cũng đã liên lạc được một đầu mối mà mẹ nhận công tác từ cuối năm 1946, mẹ chuyên đi giao liên, đưa thư và có khi cả vũ khí. Thật ra, lúc đó, cũng không biết đơn vị mình phục vụ là đơn vị nào, chỉ biết là cách mạng, là kháng chiến thì theo vậy thôi.
Đến khi bà ngoại mất, mẹ được người phụ trách đơn vị kể lại rằng - ở ngoài chiến khu đang lập một đơn vị bộ đội, mẹ thích quá, vì mẹ rất thích làm người bộ đội cầm súng, rất ghét cứu thương vì cho đó là nghề tầm thường; phải cầm súng ra mặt trận mới là đi kháng chiến, mới oai. Mẹ đã năn nỉ, mẹ van nài cho mẹ đi để mẹ được vào bộ đội và mẹ được toại nguyện.
Trước khi đi, mẹ cũng biết viết thư để lại cho ông, xin ông tha tội và nói về việc mình đi cứu nước... thư viết lâu quá rồi, mẹ không nhớ hết nhưng đại khái là thế. Hôm đi, mẹ vẫn giấu gia đình, mẹ mặc vào người hai quần, hai áo; cũng xách giỏ đi chợ như bình thường, vì thương gia đình nên mẹ cũng mua đủ món ăn trong ngày, cũng xách giỏ về nhà và đối phó rằng mẹ quên hũ
mỡ phải ra chợ lấy về... và mẹ đi luôn đến điểm hẹn.
Mẹ bắt đầu một cuộc đời mới, hoàn toàn mới.