Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuổi thơ ít biết của nữ phó chủ tịch UBND đầu tiên của TP.HCM

Hồi ức của Đỗ Duy Liên cho biết bà sinh ra trong một gia đình công chức khá giả, nhưng tuổi thơ không trọn vẹn, phải sớm suy tính, sớm làm người lớn vì phải chăm lo cho mẹ.

Mẹ sinh ra trong một gia đình công chức tương đối khá giả, mẹ có cuộc sống đầy đủ và hơi “tiểu thơ”. Trong thời kỳ Pháp thuộc, thực dân Pháp đào tạo ra một lớp cán bộ trung cấp, cùng với một số hiếm hoi trí thức nữa - chúng hình thành một guồng máy cai trị và quản lý xã hội. Trong số người được Pháp đào tạo, có ông ngoại các con, ông ngoại tốt nghiệp trường Cao đẳng Thú y mà tên gọi là “Thú y sĩ Đông Dương” (Vétérimarine Indochinois).

Qua cuộc đời đi học của ông ngoại, chúng ta có thể hiểu thêm về thằng Tây thực dân. Ông ngoại xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, ông phải đi cắt cỏ làm ruộng, học với cha một ít chữ Nho, mãi đến 15 tuổi được người anh cho ra tỉnh học chữ quốc ngữ.

Có lẽ vì quá cơ cực, bao nỗi nhọc nhằn, nên khi được đi học ông rất dùi mài, học có 3 năm là xong chương trình tiểu học (tất nhiên không phải học ở trường). Ông chỉ có ngần ấy kiến thức, thế mà do thần thế của người anh, ông vẫn được vào trường Cao đẳng. Theo ông kể lại, lúc đó ông rất lo, chỉ sợ học không nổi vì theo quy định phải xong cấp 2 (xưa gọi là diplôme) mới vào được trường Cao đẳng, nên ông càng miệt mài học. Không kể ngày đêm, ông học, ông đuổi cho bằng kịp bạn bè. Thế rồi ông cũng đỗ Cao đẳng và được bổ đi làm công chức.

Tuy chỉ tốt nghiệp Cao đẳng nhưng lúc đó ai cũng gọi ông là “quan lớn”, là “ông đốc” (docteur), trong tỉnh nhỏ thì ông cũng có vị trí, coi như một cán bộ đầu ngành (mỗi tỉnh chỉ có một Ty thú y và người Trưởng ty là công chức có chuyên môn như ông), nhà có người nấu bếp, một người kéo xe và mẹ nghiễm nhiên là một tiểu thơ loại xoàng xoàng.

Khác với ông ngoại, bà ngoại xuất thân từ một gia đình có tiền, gia đình mua bán thịt bò ở Hà Nội, cũng vì cái nghiệp bán thịt bò mà bà gặp ông (ông hành nghề thú y), hai người rất yêu nhau, trốn cha mẹ để sống với nhau (một điều rất hiếm và táo bạo vào thời ấy). Lấy ông, bà lên chức bà lớn, bà có thêm cơ sở để làm oai với thiên hạ. Bà ngoại rất đẳng cấp nhưng hay thương người với ý thức làm phúc, bà mê tín dữ dội.

Mẹ không phải là con đầu lòng, cũng không phải là đứa con út, nên không phải là đứa con được cha mẹ yêu thương chiều chuộng. Mẹ lại hình thành từ bé tính hay cãi, không quấn quýt với bố mẹ, nên mẹ càng không được cha mẹ chú ý. Nếu so với mẹ Bí thì mẹ không được cha mẹ yêu bằng. Mẹ Bí thì hiền lành, vâng lời ngay cả khi biết cha mẹ không có lý cũng không cãi, lại học giỏi hơn mẹ nên là đứa con được cha mẹ yêu chiều. Do cha mẹ đối xử thiếu công bằng nên lúc còn bé mẹ hay tủi thân, có khi non nớt nghĩ rằng có lẽ mình là con nuôi chăng và càng thế mẹ càng xa cha mẹ.

Mẹ bước vào tuổi thiếu niên thì bà ngoại bắt đầu đau yếu, đau gì thì lúc đó mẹ không biết, nhưng chỉ thấy bà ngoại bỏ ăn và nằm. Vì đau yếu luôn, bà càng không có điều kiện chăm sóc con cái, nhất là con gái - mẹ không được sự dạy dỗ chu đáo của người mẹ. Tuổi thơ của mẹ không trọn vẹn, phải sớm suy tính, sớm làm người lớn vì phải chăm lo cho bà. Lúc mẹ đang học thì bọn Nhật qua, gây nên bao sự đảo lộn, mẹ Bí và mẹ phải bỏ học, ở nhà tập tành làm người nội trợ.

Cuoc doi cua me anh 1

Bà Đỗ Duy Liên, năm 1949. Nguồn: NXB Trẻ.

Mẹ nhớ ở tuổi dậy thì, mẹ là thiếu nữ có duyên, dễ coi nên nhiều người ngấp nghé; nhớ xa hơn, lúc còn bé đi học (mẹ học lẫn lộn với con trai) mẹ hay bị bạn bè ghép đôi với đứa này, đứa kia, dường như năm nào cũng là đối tượng cho bọn con trai trêu chọc.

Ông ngoại là một người cha rất nghiêm khắc trong việc giáo dục con cái - hầu như không bao giờ muốn cho mẹ với mẹ Bí đi chơi đâu cả. Tuổi mẹ đang độ nảy nở, tâm trí cũng có nhiều khao khát muốn hiểu biết, thèm được mặc đẹp, đi chơi, nhưng không bao giờ ông cho phép, mà dường như thành khuôn phép quy định, đã không cho phép là không bao giờ dám cãi.

Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Một xáo trộn lớn trong cuộc đời của mẹ. Bà ngoại lâm bệnh, ông ngoại là công chức không thể bỏ nhiệm sở, lúc đó ông phán đoán tình hình sẽ không ổn, để gia đình tại đây - Pakse1, một tỉnh của Lào, sẽ có thể khốn đốn.

Lúc đó mẹ hơn 17 tuổi, bơ vơ chẳng hiểu gì, dù là một chút thôi của tình hình cũng không hiểu - đó chính là kết quả của một lối giáo dục sai lầm, ông bà ngoại tạo nên một con người chỉ được quyền hiểu biết những việc trong bốn bức tường của gia đình, biết đọc tiểu thuyết (cũng là đọc trộm của ông ngoại), còn lại tất cả là vùng cấm, tất cả tùy thuộc vào cha mẹ. Ông ngoại quyết định cho gia đình về Việt Nam và cuộc hành trình sẽ là đi vào Sài Gòn để theo đường xe lửa ra Hà Nội - ở đó, có gia đình bên bà ngoại, nương nhờ vào đó mà tạo cuộc sống mới, chờ thời cuộc rồi ông ngoại sẽ có quyết định tiếp theo.

Các con cứ tưởng tượng xem, một người mẹ đau yếu (chỉ ăn cháo), gầy gò đi không vững mà phải điều độ một gia đình với hầu hết đồ đạc, có lẽ chỉ trừ bàn ghế, giường tủ là không mang theo.

Lúc này ông phải ở lại giữ nhiệm sở của mình, ông nói rồi ông sẽ đi sau. Mấy mẹ con (bố Ngọc, mẹ Bí, mẹ, cậu Khanh, bác Đính, bác Tả) lên một xe đò. Xe ọp ẹp, lèn chặt người, đúng là chật như nêm,... Thế mà sau 3 ngày cũng bò được đến Bến Cát (một huyện thuộc tỉnh Sông Bé bây giờ).

Lúc này là vào tháng 8/1945, phong trào cách mạng đã ồ ạt lắm rồi, mẹ cũng như từ bóng tối bước ra, mẹ thấy nam nữ thanh niên cùng lứa tuổi lũ lượt xuống đường, tất cả đứng thành hàng ngũ, trông rất hay, càng lôi cuốn mẹ khi họ chào nhau, rất hùng dũng bằng một nắm tay phải giơ lên ngang mày...

Mẹ dần hiểu thế nào là đất nước, là yêu nước, là mất nước... Mẹ rất thích được hành động như họ... nhưng nhìn lại - bà ngoại đau yếu, mặt khác mẹ là sản phẩm của một lối giáo dục phong kiến, khắt khe, bao kín nên cũng yếu đuối, không thể ngay lập tức có một quyết đoán cho cuộc đổi đời.

Đỗ Duy Liên - Nhiều tác giả / NXB Trẻ

SÁCH HAY