Bà Đỗ Duy Liên, hình chụp năm 1946 và chồng bà là Ông Lê Duy Nhuận, chụp năm 1939. Nguồn: NXB Trẻ. |
Mẹ chưa kể với các con là sau khi ra tù mẹ tìm được một chỗ dạy trẻ con trong xóm, khoảng 7-8 đứa (mẹ còn giữ tấm hình chụp với chúng nó ở Sở thú). Số trẻ học vào nhiều lớp khác nhau - có đứa bắt đầu học chữ a, b, c, có cháu đã học toán, chính tả, làm văn; một tháng được 150 đồng. Để có thêm tiền sống, buổi tối mẹ lại nhận kèm cho 3 đứa con nhà giàu học thêm, cũng loại lớp 1, 2 gì đó nhưng chúng học tiếng Pháp.
Lúc này, mẹ Bí có thuê một gian nhà lá ở xóm Chùa (Bà Chiểu) - mẹ Bí, mẹ, cậu Khanh ở với nhau. Lại nói về cậu Khanh, sau khi chia tay mẹ vào năm 1950 thì năm 1952, cậu Khanh đi theo một người quen, gọi là xin phép về thăm gia đình, nhưng thật ra là muốn về nhà với chị. Về đến thành phố, cậu không chịu trở lại khu, mẹ Bí phải nuôi cho đi học lại. Chính vì nuôi cậu Khanh ăn học mà mẹ Bí quen bố Nhũ - người được mời đến dạy toán cho cậu Khanh. Cậu học khá vất vả nhưng nhờ chịu khó, dùi mài nên khá lên.
Nhớ hôm mẹ ở tù về (cuối năm 1953), vào đến nhà (cũng là cái nhà của mình), cậu Khanh sợ không dám ra gặp mẹ, cứ nằm hoài trong mùng, mẹ phải chủ động gọi ra. Các con nhớ lúc đó mẹ 25 tuổi nhưng đĩnh đạc lắm rồi. Mẹ Bí như người mẹ, cũng đi dạy học, 3 chị em cũng tạm đủ sống.
Mấy tháng sau Hiệp định Genève, mẹ dẹp tự ái (chứ thật ra còn rất giận ông) nói ông cho tiền mua 1 căn nhà để 3 chị em sống cho đỡ vất vả. Nhân dịp có một thằng Tây sắp về nước, ông cho được mấy lạng hay mấy chỉ vàng (mẹ không nhớ), bán được 113.000 đồng, mà căn nhà trị giá 185.000 đồng, mẹ Hai thuận sang tay căn nhà đang ở tại nhà thờ cụ Phan Châu Trinh được 60.000 đồng và mẹ chạy thêm để đủ mua căn nhà.
Lúc này mẹ Bí đã xây dựng gia đình riêng với bố Nhũ nên không về nhà này ở, chỉ có mẹ, mẹ Hai và các em của mẹ Hai (Loan, Hồ, Hào) ở nhà này thôi. Lúc này cậu Khanh buồn tủi vì mẹ Bí đi lấy chồng nên cậu lại đi ở với một người bạn. Thương em quá, mẹ rủ cậu về sống cùng, cậu không về, mẹ không biết làm gì hơn là cho cậu tiền (150 hay 1.500 đồng) để mua cây đàn ghi ta cho cậu đỡ buồn; lúc này mẹ cũng đâm lo là mình cũng sắp lấy chồng, rồi cậu sẽ ra sao đây.
Để có bình phong và tạo ra một gia đình bình thường, mẹ đón mẹ của bác Tham (mẹ gọi là bác Cả Thụ) và cả bác Tham về ở chung. Mẹ phải ghi lại một đoạn về bác Cả Thụ, người ân nghĩa của mẹ và mẹ Bí, một bà mẹ vô cùng tốt, tốt với con cháu, dần dần bà cụ hiểu và tốt với cách mạng. Bà cụ là bạn của bà ngoại thời còn trẻ, từ khi bà ngoại chết, hai gia đình cũng giữ mối quan hệ tốt đẹp, sau đó, mẹ Ngọ (con bà cụ) lại lấy bố Ngọc, hai gia đình càng thân.
Khi biết mẹ và mẹ Bí đi kháng chiến để đuổi thực dân Pháp, cứu nước, bà cụ càng thương, càng đùm bọc. Mỗi lần đi chợ, nếu có mẹ hay mẹ Bí về nhà là thể nào bà cụ cũng mua gói bánh, gói xôi, có khi là xấp vải về cho. Bất cứ lúc nào gặp khó khăn, chạy về là bà cụ sẵn sàng giúp đỡ.
Mẹ và mẹ Bí xem bà cụ như mẹ của mình. Mẹ Bí bị bắt là bà cụ lẽo đẽo đi thăm nuôi, giam ở xa mấy bà cụ cũng đi, trong tù có yêu cầu gì là bà cụ về thực hiện hết; đến phiên mẹ bị bắt bà cụ cũng đi nuôi, mẹ nhớ lần đầu gọi mẹ xuống chỗ người nhà đến thăm nuôi, mẹ rất ngạc nhiên vì mẹ nghĩ có ai mà đến thăm mình, khi thấy giấy phép đi nuôi tù có gắn hình bà cụ, mẹ thương quá, rất sợ bà cụ vất vả vì mình, mẹ từ chối không gặp, nghĩ rằng như thế thì lần sau bà cụ sẽ không đến nữa. Bà cụ vẫn gửi thức ăn vào và nhắn mấy dì “Nói với nó là tuần sau tôi lại vào”.
Lần sau thì mẹ không còn đủ can đảm từ chối nữa, xuống gặp, bà cụ mắng mẹ quá trời. Ở nhà bà cụ thường đi xem bói, bói bài ngoài chợ xem như thế nào? Rồi khi vào thăm nói cho mẹ nghe. Khi bà cụ mất, mẹ xin được chịu tang như dì Bé, mẹ Ngọ. Chắc suốt cuộc đời mẹ, không bao giờ mẹ quên được bà cụ, một bà mẹ tốt vô cùng.
Mẹ lấy ba, làm đám cưới cũng tại căn nhà mới mua này (lúc này, mẹ Hai, dì Loan, cậu Hồ, cậu Hào đã đi tập kết hết rồi), một đám cưới đơn sơ với bánh nước, chỉ có vài chục người dự, bác Nghiêm chụp hình (bây giờ còn vài tấm trong cuốn album gia đình).
Các con sẽ lạ là làm sao đám cưới mà trong hình không thấy “chú rể”? Có đấy, nhưng chú rể là người rất kỹ, rất chặt chẽ - không chịu chụp hình vì còn công tác, sợ bị lộ, không cho mẹ chụp, nhưng mẹ thấy vô lý, thế là ba giận luôn, không chụp hình với mẹ và vì thế mẹ chụp một mình với khách mời. Ngay đêm tân hôn, hai đứa đã giận nhau.