Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ý chí thép của nữ phó chủ tịch UBND TP.HCM đầu tiên

Hồi ức của Đỗ Duy Liên cho biết năm 1967, bà bị bắt và phải chịu nhiều màn tra tấn tàn độc của kẻ thù, nhưng bà quyết không khai bất kỳ người nào của cách mạng.

Mẹ bị bắt thật bất ngờ, một hôm - mẹ nhớ ngày 11 tháng 5 năm 1967, đi trên đường qua chợ Bà Chiểu, để từ đó qua Gò Vấp gặp làm việc với một cơ sở bàn chuyện cho ra đời nghiệp đoàn, vừa đến chợ, ngay đầu đường dẫn vào nhà bố Ngọc (đường Lê Quang Định) mẹ thấy một người bạn, là đồng chí giảng viên ở trường Nguyễn Ái Quốc trước đây và cũng là bạn quen khá lâu của ba và mẹ (người này cũng được tăng cường cho thành phố).

Người này - tên Hai Hưng - bị bắt thì mẹ biết đã mấy tháng nay, sao bây giờ lại đứng đây?? Mẹ ngập ngừng trong suy nghĩ và ứng phó ngay theo quán tính - thay vì đến bến xe lam để đi Gò Vấp, mẹ đi thẳng lên hướng nhà bố Ngọc, vừa quẹo vào ngõ là chúng bắt mẹ. Sau mẹ mới biết là tên này - cũng như dì Đạt trước đây, chịu tra tấn không nổi đã đầu hàng, dắt địch đi bắt cán bộ.

Trong bóp đầm của mẹ có 2 ngăn và vô số thứ - thật khó cho mẹ, ứng phó sao đây. Chúng gọi một taxi và tống mẹ lên xe, đem còng ra khóa tay ngay. Về đến khám, bọn chúng chạy ù ra xem mặt, chúng cười nói với nhau: “Đẹp thế này mà Tư Ốm ở đâu mà Tư Ốm (Tư Ốm là tên gọi của ba và mẹ), lại có đứa nói “Đ.M nó ăn mặc như bà lớn vậy, ai mà biết nó là Việt cộng”.

Cuoc doi cua me anh 1

Bà Đỗ Duy Liên gặp gỡ và trả lời phỏng vấn báo chí trong thời gian tham gia Hội nghị Paris. Nguồn: NXB Trẻ.

Không lần nào mẹ bị tra tấn như lần này, đầu óc mẹ căng ra tột độ để ứng phó. Dì Hai Riêng bị bắt trước mẹ mấy ngày mà mẹ không biết, dì Tuyết (vợ chú Năm Cảnh cũng bị bắt trước mẹ mấy ngày). Tên phản bội đã khai đầy đủ về mẹ, chúng đã biết mẹ trong Ban Phụ vận, biết mẹ là vợ của ba... nói chung là biết hết tông tích quá trình hoạt động của mẹ.

Có lẽ là không còn thiếu cách nào mà chúng không dùng để tra khảo mẹ. Sau mỗi lần chúng tra, mẹ không thể ngồi dậy được, phải khiêng xuống khám. Cứ mỗi lần tỉnh lại, mẹ lại lấy móng tay ghi 1 dấu trên tường phòng giam, mẹ nói thầm - 1,2,3... lần thắng lợi! Không moi được gì, chúng phải dùng cách cuối cùng là đốt tay và chân mẹ. Bốn thằng giữ, một thằng cầm đèn cầy (loại lớn nhất) đốt, mẹ vùng vẫy, sáp bị sóng sánh và chảy xuống tay; chúng nó nóng, cáu, càng đốt tợn. Mẹ lịm đi, nhưng trong trí vẫn còn tỉnh, nhắm mắt lịm đi vậy thôi.

Chúng đã ngừng đánh, vứt xuống khám. Nửa giờ sau, mẹ đau không khác gì một trận tra tấn, các chỗ đốt nó rộp lên, rát không thể chịu được, có chỗ chín cả thịt. Chúng sợ mẹ chết không tra khảo được nữa nên gọi y tá vào để chữa vết bỏng (bàn tay trái và bàn chân phải bị đốt). Người y tá này ở ngoài được gọi vào, ông ta cầm tay và xem chân mẹ, cùng với mình mẩy bầm tím, ông nhìn mẹ, lắc đầu và nói một câu “Thật tai trời ách nước”. Mẹ cũng hiểu là họ xúc động chứ không bình thường, nhưng với người dân chưa giác ngộ thì họ nói thế cũng là phải.

Một hai ngày sau, tay mẹ sưng, chỗ thịt chín làm mủ, 5 ngón tay và 5 ngón chân nặng quá vì toàn là 10 bọng nước - có cái trong có cái đục, y tá phải lấy kéo cắt hết ra, rửa rồi bôi thuốc băng lại. Mỗi lần làm thì đau cũng coi như một trận tra tấn. Các con có biết tại sao chúng nó đốt tay trái mà không đốt tay phải không? Vì chúng giữ tay phải, hy vọng mẹ còn viết khai ra những điều chúng mong đợi. Xuống khám tạm giam, chúng giam chung cả nam cả nữ, chú Hải Thọ kết luận: chị là thầy chịu đòn, xin bái phục.

Các con ơi, hãy vui với mẹ, dù bị tra tấn như thế, nhưng mẹ không hé môi, không khai bất kỳ người nào của cách mạng. Đảng ủy chi bộ ở bên ngoài vẫn hoạt động bình thường (tức không ai bị lộ và bị bắt). Sau mấy tháng, chúng tạm xếp lại hồ sơ của mẹ.

Trong lúc mẹ bị tra tấn, có một thằng (cũng là loại công an ở phòng tra tấn) trực tiếp lấy cung mẹ, mẹ cũng không hiểu hết là tại sao, nhưng có một điều chắc chắn, khi đối mặt với mẹ, nó hỏi, nó thấy mẹ là người có hiểu biết, tư thế đàng hoàng và bị tra tấn quá nặng. Nó nói rằng nó sẽ làm xong khẩu cung cho mẹ (như thế nghĩa là không bị tra tấn nữa).

Mẹ nói thế nào nó ghi như thế. Mẹ bị bắt, tính ra đã mấy tháng rồi, thường là không ai bị tra tấn nữa vì chúng muốn bắt ai thì đánh, tra khảo vào những ngày đầu nóng bỏng, thế mới còn cán bộ mà bắt, kéo dài thì nếu có khai báo, cán bộ cũng lặn mất rồi. Khẩu cung của mẹ được đưa lên thằng Trưởng ty - lúc đó là thằng Mã Thành Tâm. Thằng Tâm đã được bọn mật vụ khác báo trước rằng thằng lấy cung mẹ đã bị mẹ chinh phục rồi nên cung chẳng ra làm sao.

Tên Trưởng ty tức lắm, hạ lệnh đem mẹ ra khảo lại lần nữa và bắt chính thằng mật vụ (trước đã lấy cung mẹ) phải đích thân tra tấn mẹ. Nghĩ cũng nực cười, lúc này chính cái thằng lấy cung cho mẹ, đích thân xuống khám, mặt mày ủ rũ, dặn mẹ “Tui bị ông Tâm nghi rồi, cô ráng chịu thêm mấy trận nữa, đừng có khai gì thêm, cô mà khai nữa là chết tôi! Tôi hứa nếu cô có chết thì tôi sẽ chôn cất cô đàng hoàng”.

Có bao giờ kẻ thù, lúc nào cũng muốn tìm mọi cách để tù khai, thì bây giờ chính nó lại “động viên” mình là “đừng khai gì thêm”. Mẹ lên phòng tra, tuy cũng lo nhưng bụng hả hê vô cùng.

Chúng lại đánh, lại khảo, lại trấn nước, nhưng thật ra là chẳng thấm vào đâu so với những trận đầu. Mẹ chịu thêm hai trận nữa, không khảo được gì mới, để lâu quá chúng lại xếp hồ sơ lại để còn tập trung vào những người chúng mới bắt.

Mẹ lại bị chuyển qua Tổng nha cảnh sát, là chỗ trung tâm khét tiếng ở thành phố này về đánh tù. Hồ sơ của mẹ được giao về một phòng để tiếp tục làm rõ, cũng có người chúng đem ra tra tấn lại, nhưng chúng đã nghe tiếng mẹ bị đánh khảo “đặc biệt” bên chỗ thằng Tâm rồi, nên chúng cũng dặn hỏi qua loa rồi giam mẹ là chính.

Lần bị bắt này, mẹ không có điều kiện để “né triệt để” như mấy lần trước. Mẹ cũng nhận là mẹ đi kháng chiến, là cán bộ phụ nữ, hoạt động nội thành, dưới quyền một dì mà dì này mẹ chỉ gặp 3 tháng một lần, có giao liên đón, điểm đón là một góc chợ Bến Thành, lần hẹn này sẽ định ngày giờ, địa điểm gặp lần sau.

Còn dì Hai Riêng, do không khai gì, nên chúng đánh mẹ để hỏi về dì Hai, mẹ nói dì Hai ở trong khu, chứ làm lớn vậy không ai lại vào trong thành phố. Coi như mẹ cắt hết mọi điều kiện để chúng hỏi về dì Hai. Mẹ nói là mẹ mới về công tác ở nội thành được 6 tháng thôi, chưa làm được việc gì, còn phải làm quen với môi trường mới.

Chúng đánh khảo mấy mẹ cũng chỉ nói có vậy. Đấy các con xem, quá trình chịu đựng như thế, ứng phó như thế, mà không biết vì nguồn cơn nào, sau này mẹ bị Tổ chức nghi ngờ là có vấn đề trong khi bị bắt. Oan này biết nói với ai. Mẹ chẳng bất mãn đâu, mẹ chỉ mang theo cuộc đời, suốt cuộc đời một nỗi buồn.

Sau này các bác cũng hiểu ra, nhưng làm sao mà hết buồn được hả các con. Bây giờ còn các con, các con hiểu mẹ, chứng thực cho tấm lòng son sắt của mẹ là đủ rồi. Lần này ở tù, mẹ nghĩ rằng hoặc mẹ bị thủ tiêu, hoặc mẹ ở tù cho đến khi giải phóng thành phố, mẹ yên trí như thế. Sau mẹ là dì Năm Chơn, dì Sáu Nở cũng bị bắt, gặp nhau hết trong tù!

Đỗ Duy Liên - Nhiều tác giả / NXB Trẻ

SÁCH HAY