Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Duyên nợ với nghề báo của nữ phó chủ tịch UBND đầu tiên TP.HCM

Theo hồi ức Đỗ Duy Liên, bà có duyên nợ với nghề báo từ rất sớm. Bà cũng góp công sức trong việc cho ra đời tờ báo "Phụ nữ Sài Gòn" chỉ 19 ngày sau khi thành phố được giải phóng.

Năm 1951, vừa tròn 24 tuổi, tôi bị thực dân Pháp bắt giam ở khám Chí Hòa. Lúc ấy toàn khám có đến mấy chục phòng giam nam nữ, nam và nữ, tôi bị giam ở tầng lầu 3 của khám. Lúc ấy, toàn khám có một tờ báo mang tên Phá Ngục, báo do bên khám nam “chủ biên”, mỗi tháng ra 2 kỳ, tờ báo đã có từ trước khi tôi vào tù. Mỗi số các anh chép ra mấy bản thì tôi không rõ, nhưng kỳ nào khám nữ chúng tôi cũng nhận được một tờ.

Chúng tôi đọc rất thích thú, nhưng có điều là không có bài nào đề cập đến đời sống, sinh hoạt của chị em tù cả. Chị em chúng tôi bàn với nhau và quyết định các khám nữ phải có một tờ báo riêng để chị em viết. Sau đó, chị em giao cho tôi làm.

Hoi uc Do Duy Lien anh 1

Ảnh bà Đỗ Duy Liên chụp khi trên cương vị phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM 1980-1989). Nguồn: NXB Trẻ.

Tuy không biết gì về làm báo nhưng lửa hăng hái của tuổi thanh niên, cùng với tình thần giới tính cao, tôi tình nguyện nhận nhiệm vụ này. Thế là cái nợ làm báo của tôi bắt đầu từ đó, tờ báo của khám nữ lấy tên Tung Xiềng. Chúng tôi chọn tên này vì nghĩ rằng ở tù phải tung được xiềng xích mới mong phá ngục có kết quả. Báo Tung Xiềng cũng ra một tháng 2 kỳ, mỗi kỳ “chép” ra 2 bản, một bản cho mình, một bản gửi cho khám nam. Từ ngày có Tung Xiềng, không khí sinh hoạt vui hẳn lên. Phá Ngục gửi bài đăng và chúng tôi cũng viết bài cho Phá Ngục.

Tờ của chúng tôi khá phong phú về đề tài, phản ánh được các mặt tích cực, có đả kích mặt tiêu cực... Tờ báo được trình bày khá công phu, cũng đủ màu sắc, cũng có hình vẽ minh họa. “Tòa soạn” của chúng tôi chỉ có 3 người, chị Linh (đã chết) làm “họa sĩ”, chị Tâm nhờ có chữ đẹp nên làm máy “in báo”.

Chúng tôi phải luồn lách, tìm nhiều cách qua mặt bọn cai ngục, giữ đường dây giao liên giữa các khám thật cẩn mật để giữ cho tờ báo tồn tại và phát huy hiệu quả. Cuối 1953, tôi ra tù trước, các chị còn lại tiếp tục làm. Cho đến 1954 sau hiệp định Genève, các chị được trao trả tù ra miền Bắc. Tiếc là không ai còn giữ được một tờ báo Tung Xiềng nào để lưu niệm.

Ra tù, tôi tiếp tục công tác trong nội thành Sài Gòn và cuối 1954 được Tổ chức phân công cùng một số anh (anh Phạm Huy Thông, anh Nguyễn Bảo Hòa, anh Lê Dân) phụ trách tờ báo của phong trào bảo vệ hòa bình. Tờ báo mang tên Hòa Bình xuất bản và phát hành không có giấy phép. Chúng tôi cứ mặc nhiên xem như tờ báo công khai, nó là tiếng nói của nhân dân thành phố, của phong trào bảo vệ hòa bình, đòi thực dân Pháp phải tôn trọng và thi hành các điều khoản của hiệp định Genève.

Tờ báo ra hàng tuần, anh em chia nhau viết bài, tìm cách in ấn và chia nhau đi phát hành. Nhân dân thành phố rất hồ hởi đón đọc tờ Hòa Bình. Rất tiếc, được mấy tháng sau thì Hòa Bình bị bọn ngụy quyền khủng bố và cấm lưu hành.

Năm 1963, tôi bị địch theo dõi nên phải trở vào vùng giải phóng, nhận công tác khác. Lúc này hoạt động và các phong trào trong nội thành đang phát triển, địch bố trí lực lượng cảnh an, mật vụ dày đặc khắp nơi, đặc biệt ở các hướng ra vào vùng giải phóng. Do đó, việc đưa được một tờ báo cách mạng vào nội thành là vô cùng khó khăn và nguy hiểm.

Lúc đó, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục có sáng kiến ra một tờ báo cho nội thành mà hình thức phát hành nhanh nhất, bảo đảm yếu tố an toàn. Các anh lãnh đạo giao cho tôi và đồng chí Nguyễn Hồ phụ trách. Tờ báo mang tên Cờ Giải phóng và được tổ chức thực hiện rất độc đáo.

Sau khi biên tập và được duyệt xong, các bài nền của từng số báo được chuyển qua cơ quan Thông tấn xã để bên đó các đồng chí đọc chậm trên đài. Bằng hệ thống tổ chức của Ban Tuyên huấn, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ và các ngành khác chúng tôi thông báo xuống để trong nội thành - bằng radio - các đồng chí bắt theo giờ đọc chậm đã quy định, để chép lại các bài trong tờ Cờ Giải phóng.

Tờ báo có thể được bổ sung thêm một số bài thuộc ngành, giới mình. Sau đó, tùy khả năng các đồng chí in ấn và phát hành. Bằng cách này, chỉ cần một ngày, tờ báo có thể đến tay bạn đọc. Báo Cờ Giải phóng, do đó, không phải vận chuyển vào nội thành, không phải phân phối, nên hạn chế được nguy hiểm cho các đồng chí đường dây.

Trước và sau ngày 30/4/75, tôi công tác ở Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố. Thực tế buộc chúng tôi phải quyết định ra một tờ báo - cơ quan ngôn luận của Hội. Chúng tôi chạy sấp chạy ngửa, vừa phải bảo đảm hàng khối lượng công việc của Hội trong thành phố mới giải phóng, vừa chuẩn bị cho tờ báo sớm ra đời. 19 ngày sau khi thành phố được giải phóng, ngày 19/5 đúng ngày sinh của Bác Hồ, số báo đầu tiên của phụ nữ thành phố ra đời.

Tờ báo mang tên Phụ nữ Sài Gòn. Nhớ lại hồi đó, tờ báo vừa đơn sơ về hình thức, vừa yếu về nội dung, nhưng dù sao cũng đã có một tờ báo, làm điểm xuất phát mà từ đó nuôi dưỡng nó trưởng thành như ngày nay. Tôi hay nói với các chị, khi được giới thiệu là người Tổng biên tập đầu tiên của tờ báo, “tôi có công sinh mà không có công dưỡng”.

Tờ Phụ nữ của chúng tôi, qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau, nay như một cô gái vào xuân, vừa đẹp vừa nết na chăm chỉ, rất nhiều người yêu nó. Riêng tôi, xin được tự hào về nó.

Đỗ Duy Liên - Nhiều tác giả / NXB Trẻ

SÁCH HAY