Ảnh: Campaignasia. |
Có thể bạn nhớ bộ phim tài liệu nổi tiếng Super Size Me (Tôi ơi, quá cỡ rồi), trong đó đạo diễn của bộ phim, Morgan Spurlock, chỉ ăn thức ăn nhanh McDonald’s trong vòng một tháng. Có thể đoán được là cân nặng, huyết áp và cholesterol của Spurlock đều tăng - men gan của anh cũng vậy. Đây là dấu hiệu các tế bào gan đang chết dần và đang phóng thích men gan vào máu. Chế độ ăn của anh gây hại cho gan như thế nào? Chúng ta hãy giải thích theo cách này: Spurlock đang bắt đầu biến lá gan của mình thành gan ngỗng ở con người (pate gan mỡ).
Một số nhà phê bình bác bỏ bộ phim cho rằng giật gân quá mức, nhưng các nhà nghiên cứu ở Thụy Điển lại xem trọng bộ phim đến mức chính thức sao chép thí nghiệm một-người của Spurlock.
Trong nghiên cứu của họ, một nhóm người bao gồm cả nam và nữ đã đồng ý ăn hai bữa thức ăn nhanh mỗi ngày. Ban đầu, chỉ số men gan của họ bình thường nhưng chỉ sau một tuần thực hiện chế độ ăn này, hơn 75% kết quả xét nghiệm chức năng gan của những người tình nguyện đều cho thấy gan của họ có bệnh.
Nếu chế độ ăn không có lợi cho sức khỏe có thể hủy hoại chức năng gan chỉ trong bảy ngày, chẳng ngạc nhiên khi gan nhiễm mỡ không do rượu đã âm thầm trở thành nguyên nhân phổ biến của căn bệnh viêm gan mạn tính ở Mỹ, gây ảnh hưởng cho khoảng 70 triệu người, tức là cứ ba người trưởng thành thì có một người mắc bệnh này. Gần 100% những người béo phì trầm trọng đều bị ảnh hưởng.
Giống như gan nhiễm mỡ do bia rượu, gan nhiễm mỡ không do rượu bắt đầu bằng việc tích tụ chất béo trong gan và không hề có triệu chứng. Một vài trường hợp hiếm hoi tiến triển thành viêm và sau vài năm, để lại sẹo trên gan và chuyển qua giai đoạn xơ gan, dẫn đến ung thư gan, suy gan, và thậm chí là tử vong - như trường hợp tôi đã chứng kiến ở phòng nội soi.
Thức ăn nhanh là tác nhân gây bệnh bởi vì gan nhiễm mỡ không do rượu có liên quan đến nước ngọt có gas và thịt. Chỉ cần uống một lon nước ngọt có gas mỗi ngày cũng có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ lên 45%. Trong khi đó những người ăn khẩu phần thịt tương đương với mười bốn viên thịt gà chiên hoặc hơn mỗi ngày tăng gấp ba lần nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ so với những người chỉ ăn bảy viên hoặc ít hơn.
Gan nhiễm mỡ không do rượu được mô tả là do “chất béo và đường”, nhưng không phải tất cả chất béo đều ảnh hưởng đến gan như nhau. Những người bị gan nhiễm mỡ là những người thường ăn nhiều chất béo động vật nhưng lại ít ăn chất béo thực vật (và chất xơ, chất chống ôxy hóa). Điều này có thể giải thích tại sao chế độ ăn Địa Trung Hải gồm nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên cám và các loại đậu có mối tương quan với tỷ lệ mắc bệnh gan thấp mặc dù đó không phải là chế độ ăn ít chất béo.
Gan nhiễm mỡ không do rượu còn có thể do cholesterol trong máu quá cao. Cholesterol có trong trứng, thịt và sữa có thể bị ôxy hóa và sau đó tạo ra phản ứng dây chuyền dẫn đến tình trạng tích tụ chất béo dư thừa ở gan. Khi nồng độ cholesterol tích tụ ở các tế bào gan quá cao, chúng kết tinh lại như kẹo cứng và gây viêm. Quá trình này tương tự như cách các tinh thể axít uric gây nên bệnh gout.
Các tế bào bạch cầu cố gắng đàn áp các tinh thể cholesterol máu nhưng bị chết trong khi làm nhiệm vụ, làm các chất gây viêm phát tán vào máu. Điều này có thể giải thích tại sao những trường hợp gan nhiễm mỡ lành tính có thể chuyển thành viêm gan nặng.
Để khám phá mối liên hệ giữa chế độ ăn và bệnh gan nặng, khoảng 9.000 người Mỹ trưởng thành đã được nghiên cứu trong 13 năm. Các nhà nghiên cứu nhận thấy phát hiện quan trọng nhất của họ là ăn nhiều cholesterol dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Những người ăn lượng chất béo từ hai chiếc bánh trứng muffin trở lên mỗi ngày dường như nguy cơ phải nhập viện điều trị hoặc tử vong tăng gấp đôi.
Cách tốt nhất để tránh gan nhiễm mỡ không do rượu, nguyên nhân chủ yếu của bệnh gan, có lẽ là tránh thặng dư calorie, cholesterol, chất béo bão hòa và đường.