Hạnh phúc không phụ thuộc vào những vật chất phù phiếm bên ngoài. Ảnh: PNO. |
Chuyện Giai Giai mới đi làm đã mua được nhiều đồ hiệu khiến mọi người trong nhóm của tôi xôn xao suốt mấy hôm. Mấy ngày sau, tôi và Tiểu Nguyệt, sếp của Giai Giai, cùng đi ăn, giữa chừng có nhắc đến Giai Giai. Tôi không kìm được tính tò mò, hỏi cô ấy chuyện Giai Giai có phải con ông cháu cha không. Tiểu Nguyệt nghe tôi nói xong vội lắc đầu và nói:
“Tôi không rõ gia cảnh nhà Giai Giai, nhưng tôi biết mỗi tháng cô ấy phải trả rất nhiều thẻ tín dụng, luôn phải giật gấu vá vai. Bây giờ trong văn phòng, không ai dám cho cô ấy mượn tiền nữa rồi.”
Tôi giật mình hỏi: “Thật ư? Vậy cô ấy lấy đâu ra tiền mua đồ hiệu chứ?”
Tiểu Nguyệt tiếp lời: “Thì quẹt thẻ đó, vừa mua vừa trả, hễ có lương thưởng là đem đi trả hết. Bình thường, cô ấy tiếc tiền không ăn cơm, một lần đã ngất xỉu vì bị hạ đường huyết. Tôi đã nói chuyện với cô ấy mấy lần rồi, hy vọng cô ấy đừng tiêu xài quá tay nữa, nhưng cô ấy đều bỏ ngoài tai. Nói thẳng ra, cô ấy còn quá trẻ, ưa sĩ diện, tưởng rằng mặc hàng hiệu là có thể trở thành người thượng lưu, mong muốn thông qua vật chất khiến người khác có cái nhìn cao hơn về mình.”
Tiểu Nguyệt buông đũa xuống, nói: “Mỗi ngày, cô ấy đều nghĩ cách kiếm tiền trả thẻ tín dụng, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc nâng cao năng lực nghiệp vụ cho bản thân, lại còn yêu cầu tăng lương. Đây là trường hợp ‘đầu đuôi lẫn lộn’ điển hình, mong muốn lớn hơn năng lực, vội vàng bòn rút tương lai của mình.”
Tôi nghe xong chẳng bàn luận đúng sai, nhưng việc kiễng chân, gắng sức để với những thứ quá cao so với mình, rồi một ngày Giai Giai sẽ nếm mùi ngã đau mà thôi.
Tôi nhớ lại tin nhắn của một cư dân mạng trước đây, cô ấy mới đi làm nên chưa có tiền, chỉ có hai bộ đồ thay qua thay lại đến công ty, nhìn những nữ đồng nghiệp khác một tuần mặc toàn những bộ đồ hiệu khác nhau, trong lòng cô ấy rất ngưỡng mộ.
Là một người mới đi làm, mức lương của cô ấy chỉ đủ để duy trì cuộc sống cơ bản, nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác bản thân sống thật tạm bợ. Cô ấy nói rằng trước mắt đang có một cơ hội có thể giúp cô ấy có được những thứ mình muốn, người con gái ấy hỏi tôi có nên nắm bắt hay không?
“Cơ hội” mà cô ấy nói không rõ ràng, nhưng tôi có thể cảm nhận được cô ấy đang rất nóng lòng muốn có một cuộc sống chất lượng hơn, cũng có thể hiểu được suy nghĩ chuộng hư vinh của cô ấy khi so sánh bản thân với người khác. Chỉ là cô ấy quá vội vàng nên bị dục vọng làm mờ mắt, cô ấy quên rằng những cô gái mỗi tuần thay 7 bộ đồ mà không phải lo về tiền bạc, ban đầu đã mua bảy bộ đồ mà không cần nhìn giá.
Một cô gái hai mươi mấy tuổi không đeo nổi túi LV, không mua nổi hàng Channel là chuyện rất bình thường. Thứ quyết định chất lượng cuộc sống của người phụ nữ chưa bao giờ là trang phục bên ngoài.
Vật chất không giống như tình cảm, vì luôn có thể tìm được vật thay thế, không mua nổi đồ hiệu thì mua thứ tốt nhất trong điều kiện kinh tế cho phép. Nói trắng ra là chuyện này cần liệu cơm gắp mắm, năng lực của bạn phải theo kịp ước muốn của bản thân.
Bạn có thể theo đuổi cuộc sống chất lượng cao trong khả năng của mình, nhưng phải tránh “tát ao bắt cá”. Vì mua một cái túi mà phải nhịn đói hoặc ăn chay mấy tháng liên tiếp, chẳng lẽ như vậy gọi là cuộc sống chất lượng cao hay sao?
Sau khi suy nghĩ thật lâu, tôi trả lời người bạn ấy rằng: “Em vẫn còn trẻ, đừng vội bòn rút tương lai của mình để đổi lấy sự thõa mãn hiện tại. Hãy muốn thứ mà em có thể cho bản thân mình.”
Sau đó, cô gái đó không còn nhắn tin cho tôi nữa, nên tôi không biết cô ấy có nắm bắt cơ hội kia hay không?
Bình luận