Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm việc không màng sức khỏe, có đáng không?

Trong guồng quay hối hả của xã hội hiện đại, nhiều người mải mê cho công việc mà bỏ mặc sức khỏe của bản thân. Họ cho rằng công việc là thứ quan trọng nhất.

Tu tin trong cong viec anh 1

Nhiều người trẻ bận bịu với công việc mà không màng tới sức khỏe. Ảnh: G.L.

Có một thời gian, cô bạn thân Thanh Thanh của tôi gặp phải khó khăn trong công việc. Cô đi ăn với tôi, than vãn hiệu suất làm việc của mình còn thấp, còn thường xuyên xảy ra sai sót, hai mối làm ăn vốn dĩ ngon lành, nhưng vào tay cô ấy lại đi tong. Tâm trạng Thanh Thanh rất chán nản, đêm còn luôn bị mất ngủ.

Tôi khuyên cô ấy xin nghỉ phép vài ngày, nhưng cô ấy nghĩ rằng mình làm hỏng việc thì phải nhanh chóng bù đắp, không tăng ca thì thôi đã đành, không còn mặt mũi nào mà xin nghỉ phép.

Tôi nghi ngờ hỏi: “Trong mắt cậu, sức khỏe quan trọng hay công việc quan trọng?”

Thanh Thanh không cần suy nghĩ mà trả lời ngay tức khắc: “Công việc quan trọng.”

Tôi biết mình không có cách nào thuyết phục được cô ấy, nhưng trong lòng thực sự rất lo lắng cho bạn mình. Có một số chuyện càng vội sẽ càng không được như ý muốn. Bây giờ cô ấy sốt ruột muốn bù đắp sai lầm của mình, lo lắng quá độ, chỉ nghĩ cách để giải quyết mọi chuyện càng sớm càng tốt, nhưng như vậy dễ khiến cho nhận thức và phán đoán không còn chính xác và nhanh nhạy nữa.

Thanh Thanh có thể vượt qua khó khăn này dĩ nhiên là tốt, nhưng nếu không vượt qua được không có nghĩa là cô ấy thiếu năng lực. Một tuần sau, tôi gọi điện hỏi cô ấy công việc tiến triển thế nào, Thanh Thanh uể oải trả lời tôi, tôi đoán công việc của cô đang rất khó khăn.

“Cậu biết tớ là người luôn tự tin, nhưng thời gian gần đây, sự kiêu ngạo và tự tin của tớ đã bị công việc nghiền nát thành bã, tớ bắt đầu hoài nghi liệu mình có thật sự thích hợp với công việc đã làm rất lâu này hay không?”

Thanh Thanh nói bằng giọng buồn bã, cô ấy đã nản chí.

“Tớ kể cho cậu nghe câu chuyện về một quả bí ngô nhé!”. Tôi nói.

Thanh Thanh cười khẽ: “Bí ngô chứ gì, lại là câu chuyện trước lúc cậu ra đời chứ gì? Cậu đã kể rất nhiều lần, tớ nghe chán rồi.”

Lúc đó mẹ mang thai tôi, quá thời gian dự sinh năm ngày mà vẫn chưa có dấu hiệu gì, người trong nhà đều rất sốt ruột. Vào một buổi tối, mẹ tôi mơ thấy cậu tôi đeo một chiếc gùi, bên trong để một quả bí ngô thật to. Cậu trèo tường vào nhà tôi, nhất định đưa bí ngô cho mẹ, mẹ không nhận cũng không được. Kết quả, ngày hôm sau tôi ra đời. Tôi thấy chuyện này rất thú vị, nên thường mang ra kể cho bạn bè xung quanh nghe.

Tôi lắc đầu: “Không phải, hôm nay tớ kể về một quả bí ngô khác.”

Thanh Thanh không nói gì, tôi xem như cô chịu nghe.

“Một ngôi trường ở Mỹ đã thực hiện một thí nghiệm rất có ý nghĩa. Người làm thí nghiệm dùng rất nhiều vòng sắt quấn quanh một quả bí ngô còn non, để xem trong quá trình quả bí ngô tăng trưởng sẽ sinh ra bao nhiêu áp lực đối với những vòng sắt này. Cậu cảm thấy quả bí ngô có thể chịu được bao nhiêu áp lực?”, tôi hỏi Thanh Thanh.

Câu trả lời của Thanh Thanh không chắc chắn: “100 pound hay 200 pound?”, bí ngô rất giòn, rơi một cái cũng bị vỡ mà.”

Tôi kể tiếp: “Tháng đầu tiên của cuộc thí nghiệm, bí ngô đã chịu áp lực 500 pound; đến tháng thứ hai, quả bí ngô này chịu được áp lực 1500 pound; khi nó chịu áp lực 2000 pound , người làm thí nghiệm phải gia cố thêm vòng sắt, mới khiến những cái vòng trước đó không bị bung ra. Cuối cùng, sau khi chịu áp lực 5000 pound, da quả bí ngô mới bị nứt.

Lúc đầu, người làm thí nghiệm đoán cùng lắm quả bí ngô chỉ có thể chịu áp lực 500 pound. Cậu nghĩ mà xem, 5000 pound là hơn 2000kg, một quả bí ngô nhỏ như vậy mà lại có sức chịu đựng lớn đến thế, thật khiến người ta kinh ngạc!”

“Tớ chỉ có thể nói rằng đó là một quả bí ngô thần kỳ!”, Thanh Thanh nói đùa.

“Ừ, cậu nói đúng rồi đấy! Nghe nói khi người làm thí nghiệm bổ quả bí ngô ra, nó không thể ăn được nữa, vì bên trong quả bí ngô là tầng tầng lớp lớp những sợi rất chắc và kiên cố. Hơn nữa, để hấp thu đủ dinh dưỡng để phá vỡ những vòng sắt bao quanh mình, rễ của nó đã mọc dài khắp nơi, hướng ra tứ phía, cuối cùng một quả bí ngô nhỏ bé lại kiểm soát đất đai và tài nguyên của cả vườn hoa.”

Nghe xong câu chuyện này, một lúc lâu sau đầu dây điện thoại mới truyền đến tiếng cười gượng của Thanh Thanh: “Vậy mà tớ không bằng một quả bí ngô!”

Tôi vội giải thích: “Ý tớ không phải nói cậu không bằng một quả bí ngô. Chỉ là đôi khi con người không khỏi chột dạ khi đứng trước những quyết định khó khăn, họ tưởng tượng mình rất nhỏ bé, mà quên mất mình có thể mạnh mẽ đến nhường nào. Tớ chỉ muốn nói với cậu rằng, đừng bao giờ xem nhẹ bản thân mình, tớ tin cậu, và luôn sẵn sàng ủng hộ cậu khi cần.”

Tôi và Thanh Thanh nói đùa vài câu rồi cô ấy cúp máy trước. Nghe giọng, cô bạn của tôi đã nhẹ nhõm hơn nhiều.

Lý Huy/ NXB Văn học & Gieobooks

Bình luận

SÁCH HAY