Bình thản đối mặt với khó khăn là thái độ sống mà người trưởng thành nên có. Ảnh: tvN. |
Hiểu Thần là cháu gái của hàng xóm nhà tôi ở quê, cô bé 18 tuổi, thi trượt ngôi trường đại học mình đã chọn, nên đến Bắc Kinh giải khuây. Để đảm bảo an toàn, tôi bảo cô bé đến nhà tôi ở.
Vợ chồng tôi phải đi làm, Hiểu Thần cũng khá độc lập, không muốn làm phiền chúng tôi, năm lần bảy lượt nói không cần có người bầu bạn, chỉ chịu đi nhờ xe của chúng tôi đến ga tàu điện ngầm mỗi sáng, và giao hẹn sẽ về nhà vào tám giờ tối.
Để không gia tăng thêm gánh nặng tâm lý cho Hiểu Thần, tôi dặn dò một số điều cần chú ý rồi để cho cô bé tự do. Hai ngày đầu, Hiểu Thần đều về nhà rất sớm, đến bữa tối sẽ kể cho chúng tôi nghe về những món ăn ngon đã nếm thử, những ngõ phố đã từng qua, và nhiều trải nghiệm khác với giọng hào hứng, không hề biết mệt.
Tâm trạng dường như không hụt hẫng giống như người nhà cô bé nói trong điện thoại. Không ngờ đến ngày thứ ba, cô gái nhỏ đã làm chúng tôi trở tay không kịp.
Tối hôm ấy, tôi đang nấu cơm, ông xã thì xem TV, đã hơn tám giờ mà Hiểu Thần vẫn chưa về nên tôi bảo chồng gọi điện thoại. Không ngờ người nghe máy là một chàng trai, nói Hiểu Thần uống say ở quán bar, còn đập bàn ghế của quán, bảo chúng tôi đến đền tiền để nhận người. Chồng tôi hỏi rõ địa chỉ, rồi nhờ một đồng nghiệp giúp đỡ, vội vàng lái xe đến đó. Sau bao trắc trở, cuối cùng hai người cũng đưa được Hiểu Thần về nhà trước 12 giờ khuya.
Sau khi lo cho Hiểu Thần ngủ xong, tôi về phòng hỏi chồng xem đã xảy ra chuyện gì. Hóa ra Hiểu Thần xảy ra xung đột với bàn bên cạnh, người ta thấy cô bé là con gái nên không bận tâm, nhưng Hiểu Thần vừa khóc vừa quậy, khiến cho quán bar trở nên hỗn loạn.
Ông chủ thấy Hiểu Thần cứ khóc mãi, đoán là không thất tình cũng gặp chuyện không như ý, nên không báo cảnh sát. Sau đó chồng tôi đến nơi, bồi thường tổn thất cho quán rồi mới được đưa cô bé về.
Chồng tôi nói: “Anh nghĩ em nên nói chuyện đàng hoàng với Hiểu Thần, anh nghĩ con bé vẫn buồn chuyện thi trượt đại học, em hãy dùng những thất bại mà mình đã trải qua để khuyên nhủ con bé”.
Tôi hỏi ngược lại: “Tại sao anh không đi?”
Chồng tôi hỏi ngược lại: “Anh đã từng gặp phải thất bại gì lớn sao? Còn em, đã bao lần nóng vội nên gặp phải nhiều chuyện đáng tiếc. Nên anh nghĩ em nói chuyện với Hiểu Thần sẽ tốt hơn.”
Ngày hôm sau, tôi xin nghỉ một ngày để dẫn Hiểu Thần đi xem “ngôi nhà” đầu tiên của mình ở Bắc Kinh. Sau đó, kể cho cô bé nghe về những thất bại của tôi trong quá khứ.
Cuối cùng Hiểu Thần cũng đã thoải mái đối mặt với chuyện thi trượt. Cuối cùng cô bé nói với tôi: “Thật ra em vẫn chưa thật sự cố gắng, nên thi trượt là chuyện đương nhiên. Mai em sẽ về quê, chăm chỉ ôn luyện, cố gắng năm sau thi đỗ.”
Chỉ trải qua những khó khăn gian khổ, chúng ta mới có thể lĩnh hội được cuộc đời vô thường và trắc trở nhường nào. Chỉ khi trải qua những thăng trầm, nội tâm chúng ta mới đủ mạnh mẽ, cũng như mới có thể can đảm để yên tâm làm mọi việc theo ý của mình.
Cuộc sống kỳ lạ ở chỗ, ai cũng không thể dự đoán được tương lai của mình, không biết ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì. Thế nhưng, trong quá trình tiến về phía trước, khi bước chân qua những phồn hoa và hoang vu ở bên đường, trong tim mỗi người đều có một nơi mà mình muốn đến. Cho dù là đi đường vòng, chỉ cần có phương hướng sẽ không bị lạc.
Học được cách thản nhiên đón nhận thất bại và kiên trì theo đuổi giấc mơ, trong lòng đủ tự tin thẳng thắn đối mặt với cuộc sống, sẽ giúp bản thân ra trận được nhẹ nhàng. Trên đường có vật cản thì đi đường vòng là được. Khi còn trẻ đừng sợ đi đường vòng, cuối cùng bạn vẫn vượt qua được những người không đủ kiên trì mà đã bỏ cuộc.
Bình luận