Khi còn trẻ, hãy nỗ lực hết mình để theo đuổi giấc mơ. Ảnh: Một cảnh trong phim Burning. |
Lúc mới đi làm, tôi thuê một căn hộ bán hầm ở phía Đông thành phố. Phòng u ám và ẩm ướt, phải đến mười giờ sáng mới có ánh nắng yếu ớt chiếu vào, thời gian còn lại, cả căn phòng đều chìm trong bóng tối. Nhưng may là phòng đơn, nhà vệ sinh riêng, giá cả cũng rẻ; cả ngày tôi đều đi làm, đến buổi tối mới về đó ngủ, nên đóng luôn tiền nhà nửa năm cũng không thành là vấn đề.
Không gian dưới hầm rất lớn, hành lang dài thông đến cuối đường, có hơn ba mươi phòng. Ngoài những người đã tốt nghiệp và đi làm như tôi, người thuê nhà đa phần là sinh viên từ các nơi đến Bắc Kinh học vẽ. Vì quanh đây có rất nhiều phòng trưng bày nổi tiếng, tầng trên là phòng làm việc của rất nhiều họa sĩ. Sinh viên ở trọ thường là ba, bốn người chen chúc trong một phòng, ban ngày lên tầng học, tối về tiếp tục vẽ.
Bước vào cổng chính chung cư, sẽ có một phòng họp nhỏ, vì thời gian đó sắp đến kỳ thi năng khiếu nên nhân viên quản lý mở luôn phòng họp cho học sinh ôn thi. Đôi khi tôi tăng ca về lúc gần nửa đêm, vẫn có thể nhìn thấy phòng họp sáng trưng. Những sinh viên 18-19 tuổi kia dường như không biết mệt mỏi là gì, liên tục phối màu, luyện tập bút pháp.
Trên những gương mặt trẻ trung ấy là sự khát khao và kiên định đối với ước mơ, cũng mang nỗi băn khoăn và lo lắng về tương lai sau này. Nhưng tất cả đều cùng nhau kiên trì, chưa đến giây phút cuối cùng dường như không ai nghĩ đến việc từ bỏ. Hình ảnh ấy đã chạm đến trái tim tôi, cũng thay đổi nhận thức cứng nhắc của tôi từ trước đến nay về sinh viên năng khiếu.
Khi ấy, sát phòng tôi là một đồng hương, cậu ấy là chàng trai khoảng hai mươi tuổi, đã ở căn hộ bán hầm này khoảng hai năm rồi. Chí hướng và nguyện vọng của cậu ấy là muốn thi vào Học viện Mỹ thuật Trung ương, sau hai năm liên tiếp cậu ấy đều bỏ lỡ cơ hội vào học ở trường này vì thiếu số điểm rất nhỏ. Thế nhưng, cậu ấy vẫn rất chăm chỉ chuẩn bị cho kỳ thi thứ ba.
Cậu ấy là một trong số ít những người sống có định hướng mà tôi đã gặp, cậu ấy cũng nhận thức rõ ràng rằng hiện thực và giấc mơ không giống nhau. Cậu ấy nói với tôi: “Em cho mình ba cơ hội, nếu lần này thi không đỗ em sẽ dẹp đường hồi phủ”.
Tôi hỏi: “Dẹp đường hồi phủ là định bỏ cuộc sao?”
Cậu ấy lắc đầu: “Chuyện đó thì chưa chắc, nếu đối mặt với áp lực quá lớn từ bạn bè và người thân, có thể em sẽ bỏ cuộc. Nhưng biết đâu em sẽ đi đường vòng để thực hiện được giấc mơ”.
Tôi hỏi tiếp: “Hai năm nay, có khi nào cậu thấy mệt mỏi không?”
Cậu ấy đáp: “Đương nhiên là có chứ, em không sợ đi đường vòng, miễn là đến được nơi mình muốn đến, em không bận tâm phải mất bao nhiêu thời gian và sức lực, nhưng sợ đi đến cuối đường vòng vẫn là ngõ cụt, em không chắc mình có thể gắng gượng được bao lâu.”
Năm đó cậu ấy vẫn thi không đỗ, trước khi về quê, cậu ấy tặng tôi hai bức tranh, bảo tôi giữ gìn cẩn thận, nói không chừng một ngày nào đó cậu ấy sẽ nổi tiếng, hai bức tranh này sẽ được giá.
Những chuyện diễn ra sau đó cũng không có gì bất ngờ. Cậu ấy được một ngôi trường khác nhận vào, sau bốn năm học tập, cậu ấy thi nghiên cứu sinh vào Học viện Mỹ thuật Trung ương, thuận lợi thông qua kỳ thi, lựa chọn một vị giảng viên mình thích làm người hướng dẫn. Bây giờ, cậu ấy đã có năng lực mở triển lãm riêng, một bức tranh cũng có thể bán được hơn một trăm nghìn tệ. Dĩ nhiên tôi không bán hai bức tranh cậu ấy tặng cho mình, hơn nữa còn luôn giữ gìn chúng cẩn thận.
Bởi vì hai bức tranh này luôn nhắc nhở tôi rằng: Đi đường vòng sẽ làm bạn mất nhiều thời gian và sức lực hơn, nhưng vẫn giúp bạn đạt được mục đích, không phải vậy sao?
Bình luận