Cô bé Bối Bối mới vào công ty vẫn chưa hết thời gian thử việc đã muốn nghỉ việc, tôi hẹn cô bé ra ngoài để tìm hiểu nguyên nhân.
Trong một góc của sảnh cà phê dưới lầu công ty, Bối Bối ngồi đối diện tôi, rõ ràng có hơi hoang mang lo sợ.
Tôi cười nói cô bé biết mục đích của mình, đồng thời khẩn thiết hy vọng cô bé nói sự thật, tôi cũng mong có thể lắng nghe ý kiến và kiến nghị của cô bé đối với công ty.
Bối Bối liên tục khuấy cà phê, một lúc lâu sau mới lên tiếng: “Chị, thật ra em không có ý kiến gì đối với công ty cả, chỉ là mỗi ngày đều đi lại một mình, ngoài chuyện công việc ra, đi làm không ai nói chuyện với em, trưa cũng không ai ăn cơm cùng em, tan làm không ai đợi em về nhà, em cảm thấy rất cô độc, rất buồn”.
Tôi ngạc nhiên, sau khi Bối Bối đến công ty, mấy lần liên hoan cô bé đều ngồi trong góc không nói chuyện, tôi cứ tưởng là cô bé hướng nội ít nói, không thích giao lưu với người khác, nên cũng không để ý đến chuyện này.
Bối Bối vừa nói mắt vừa ngấn lệ: “Ở công ty, em luôn cảm thấy mình là người ngoài, mọi người đều bận việc của mình, không ai quan tâm tại sao em xin nghỉ phép, không ai để ý xem em có đến hay không, không ai hỏi em hôm nay có vui không. Em cảm thấy cảm giác có cũng được không có cũng không sao này rất khó chịu".
Tôi không ngờ trong lòng Bối Bối lại nghĩ như thế, những chuyện này theo tôi thấy rất là bình thường. Công ty không phải trường học, đồng nghiệp cũng không đồng nghĩa với bạn bè, trong môi trường làm việc, người trưởng thành phải nghĩ đến công việc đầu tiên. Đương nhiên sẽ không giống như ở trường, đi vệ sinh có người đi cùng bạn, không muốn lên lớp có người điên cùng bạn, cúp tiết có người điểm danh giúp bạn. Nếu đã ra khỏi trường, thì phải học cách một mình đối mặt với những chuyện này, kể cả cô độc.
Bối Bối vừa mới tốt nghiệp, một mình đến thành phố này, vẫn chưa thể quen với cuộc sống một mình. Đi làm làm việc một mình, tan làm về nhà một mình, sự cô độc như vậy đủ làm dao động nội tâm yếu đuối của một cô gái nhỏ. Tôi hiểu cô bé, nhưng cũng hiểu một cách sâu sắc rằng điều khó nhất của một người chính là chung sống hòa bình cùng nỗi cô độc tận sâu trong đáy lòng.
Nếu đã đi làm, thì phải học cách độc lập, kể cả cô độc. Ảnh minh họa: Yan Krukov/Pexels. |
Thời đại học, tôi cũng từng sợ một mình. Mỗi khi đến cuối tuần, tôi thà ở trong phòng ký túc trò chuyện với bạn cùng phòng đến phát chán, cũng không muốn một mình đi thư viện đọc sách. Lúc đó, mọi người vừa trải qua sự tàn phá của kỳ thi đại học, đương nhiên nghĩ rằng lên đại học là có thể tha hồ ăn uống vui chơi, thi chỉ cần sáu mươi điểm vạn tuế rồi. Cho nên, khi không có tiết, ngoài chơi ra chúng tôi cũng chỉ có chơi mà thôi.
Thời gian lâu dần, tôi bắt đầu chán ghét cuộc sống tẻ nhạt như vậy. Một đám người ăn uống chơi bời tất nhiên là náo nhiệt, nhưng ngày nào cũng lãng phí thời gian vào những việc không chút ý nghĩa như thế, tinh thần không được nuôi dưỡng trong thời gian dài, trong lòng tôi mới cảm nhận được cảm giác trống trải sâu sắc.
Song, tôi vẫn sợ một mình, sợ không ai đi ăn cùng tôi, không ai đi mua sắm cùng tôi, không ai nói chuyện cùng tôi. Điều tôi càng lo sợ hơn là khi tôi thoát khỏi môi trường tập thể ở ký túc xá, họ sẽ không còn thích tôi nữa. Lúc ấy tôi vô thức cho rằng việc có người thích tôi hay không đồng nghĩa với việc bản thân mình có tốt hay không, tôi nghĩ rằng không ai muốn ở cùng tôi nghĩa là con người tôi không tốt, không hòa đồng. Thế nên, trước sau tôi vẫn không dám vượt qua bước này.
Lúc ấy trong lớp có một bạn nữ rất điềm đạm nho nhã, không thích nói chuyện, tôi thường thấy cô ấy ăn cơm một mình, vào giảng đường một mình, lên lớp luôn ngồi hàng đầu tiên. Bạn bè ký túc xá thảo luận và đều cho rằng chắc chắn cô ấy có vấn đề về tâm lý, không thì sao cứ ở một mình như vậy.
Một cơ hội tình cờ, tôi và cô ấy được chia vào chung một nhóm tiếng Anh. Để hoàn thành nhiệm vụ học tập, chúng tôi hẹn gặp nhau ở Góc Anh Ngữ để luyện khẩu ngữ. Khi tôi đến đó vào lúc tám giờ sáng thứ bảy, cô ấy đang đọc diễn cảm thật to bài “I have a dream” kinh điển. Điều làm tôi kinh ngạc là khẩu ngữ của cô ấy vừa chuẩn vừa lưu loát, có khi còn tốt hơn cả giáo viên dạy tiếng Anh của chúng tôi.
Hôm ấy, nhiệm vụ học tập của hai chúng tôi đã hoàn thành thuận lợi dưới sự chỉ đạo của cô ấy. Trưa đi ăn cơm cùng nhau, tôi mới biết được chí hướng ban đầu của cô ấy là ra nước ngoài, nên hồi cấp ba cô ấy đã bắt đầu tập trung học tiếng Anh. Lúc đó, cô ấy đọc hiểu sách bản ngữ tiếng Anh đã rất tốt rồi, chỉ là khẩu ngữ không đủ trôi chảy, nên sáu giờ sáng mỗi ngày cô ấy đều dậy sớm đến Góc Anh Ngữ luyện nói.
Tôi giơ ngón cái tỏ ý tán thưởng, rồi lại thận trọng dè dặt hỏi cô ấy tại sao luôn chỉ có một mình.
Cô ấy không hề bận tâm đến sự đường đột của tôi, cười nói: “Vì không ai ở bên cạnh tớ cả! Tớ dậy sớm quá, bạn cùng phòng lại ham ngủ, khi tớ luyện khẩu ngữ và ăn sáng xong thì họ mới dậy nổi. Tối đến họ thích ở ký túc xá xem phim, còn tớ lại không có hứng thú với mấy thứ đó, nên đành phải một mình thôi".
Tôi lại hỏi: “Vậy cậu có thấy cô độc không?”.
“Đương nhiên là có", cô ấy thản nhiên đáp, “Nhưng cuộc sống luôn có sự lựa chọn, muốn có được thứ mình muốn thì luôn phải hy sinh trả giá".
Sau đó, tốt nghiệp đại học xong, cô ấy thuận lợi ra nước ngoài du học.
Tin rằng đại đa số phụ nữ khi còn trẻ đều sợ cô độc, thế nên luôn phải đoàn kết thì mới cảm thấy ấm áp, nhưng giống như Lỗ Tấn nói, “Mãnh thú luôn đi một mình, trâu cừu mới kết bầy đàn”. Không phải họ không tốt, cũng không phải bạn không tốt, chỉ là phạm vi khác nhau, suy nghĩ khác nhau, không cần thiết phải miễn cưỡng đồng hành cùng người khác. Rồi có một ngày, bạn sẽ tìm thấy phạm vi không cần phải làm bộ làm tịch mà vẫn có bạn bè.