Bức tranh Dòng sông quê của họa sĩ Trần Nguyên. Ảnh: FB Trần Nguyên. |
Trước đây tôi từng tham gia một khóa tập huấn, sau khi kết thúc khóa học, giảng viên chính hỏi chúng tôi một câu: “Tại sao sông ngòi luôn quanh co, khúc khuỷu mà không phải là một dòng chảy thẳng băng”.
Mọi người bắt đầu xôn xao thảo luận; có người nói vì sông ngòi phải chảy qua nhiều địa hình phức tạp; có người nói sông ngòi khúc khủy có thể kéo dài dòng chảy, đề phòng dòng nước mạnh tràn qua đê, còn có người đưa ra câu trả lời đầy tính khoa học rằng dưới tác dụng của trọng lực, sức bào mòn của dòng nước đối với hai bên bờ khác nhau, lâu dần sẽ thành đường cong.
Giảng viên mỉm cười gật đầu, tỏ vẻ tán đồng với những câu trả lời của chúng tôi. “Những gì các em nói đều rất có lý, khoa học và lý trí. Thế nhưng, phương diện lý trí của câu hỏi này không sâu sắc bằng phương diện cảm tính. Tôi thấy sông ngòi không đi đường thẳng mà đi đường cong là một lựa chọn rất sáng suốt. Nguyên nhân căn bản nhất chính là đường cong là một trạng thái bình thường của tự nhiên, còn luôn đi đường thẳng là một sự bất thường.
Trong quá trình tiến về phía trước, sẽ luôn gặp phải nhiều chướng ngại vật khác nhau, trong đó có một số chướng ngại vật mà nó không thể vượt qua được. Cho nên để tiếp tục tiến về phía trước, nó chỉ có thể đi đường cong và đường vòng. Cũng chính vì đi đường vòng, nên nó mới có thể tránh được từng chướng ngại vật, thu hoạch được phong cảnh mới, cuối cùng chảy về biển lớn bao la.”
Nói đến đây, giảng viên cố tình dừng lại giây lát, sau đó tiếp tục: “Thật ra, cuộc sống cũng vậy, khi các em gặp phải trắc trở, gặp phải thất bại, cũng phải nhìn nhận cuộc đời quanh co khúc khuỷu như một trạng thái bình thường, đừng bi quan thất vọng, đừng giậm chân tại chỗ, mà phải xem việc đi đường vòng là một hình thức khác để tiến về phía trước. Như vậy, các em có thể giống như sông ngòi, ra được biển lớn của cuộc đời thông qua một con đường khác.”
Điều này khiến tôi nhớ đến một câu chuyện nhỏ liên quan đến Tăng Quốc Phiên [1], kể rằng: Một ngày nọ Tăng Quốc Phiên ở nhà đọc sách, có một tên trộm trốn dưới mái hiên, định đợi ông tắt đèn đi ngủ rồi mới trộm đồ. Nhưng tên trộm đợi mãi không thấy đèn trong nhà tắt, tiếng đọc sách thì không ngừng vang vọng.
Hóa ra, Tăng Quốc Phiên đọc đi đọc lại rất nhiều lần nhưng vẫn không thuộc lòng đoạn văn đang đọc. Tên trộm đợi đến lúc ấy nổi cơn tam bành, không nhịn được nữa từ ngoài cửa nhảy vào nói: “Tôi nghe anh đọc ba lần đã thuộc rồi, trong khi anh đọc lâu như vậy mà vẫn chưa thuộc sao? Dốt vậy mà còn đòi đi thi?”
Nói xong tên trộm đứng trước mặt Tăng Quốc Phiên đọc trôi chảy đoạn văn một lượt, rồi nghênh ngang bỏ đi. Tăng Quốc Phiên vừa thẹn vừa giận, từ đó càng thêm cố gắng, kiên trì học tập, cuối cùng trở thành danh thần của một triều đại.
Sau đó người ta đánh giá Tăng Quốc Phiên ngang với Gia Cát Lượng của nhà Hán, Bùi Độ của nhà Đường, Vương Thủ Nhân của nhà Minh; trong mắt nhiều người thời nay, ông vẫn là một anh hùng. Nhưng dù là danh thần của một triều đại thì ban đầu ông vẫn học thuộc bài không bằng một tên trộm, lại còn bị tên trộm chê cười, chế giễu; đánh trận thất bại trong lòng buồn bã, mấy lần muốn nhảy sông tự vẫn.
Ông cũng giống người bình thường, từng gặp phải trắc trở và thất bại, cũng cảm thấy bất lực và băn khoăn, nhưng càng thất bại ông càng bền bỉ chiến đấu, ý chí kiên định, cuối cùng ông cũng có được cuộc đời huy hoàng.
Mỗi người từ khi sinh ra đến khi chết đi, không sớm thì muộn, cũng sẽ gặp khó khăn và trắc trở. Hoa thơm trong rét buốt, không cuộc đời nào không cần trải qua khó khăn mà vẫn trưởng thành, cũng không hành trình nào không vượt qua trắc trở mà có thể đi đến tận cùng.
Điều mà chúng ta có thể làm là kiên định với nội tâm của mình, gặp khó khăn không hoảng sợ, càng không lún sâu trong thất bại đến mức không thể tự mình thoát ra, chỉ khi bản thân mình không ngã xuống thì mới có thể đạt được đỉnh cao của ước mơ, lĩnh hội được những phong cảnh tươi đẹp khác của cuộc sống.
[1] Tăng Quốc Phiên (1811-1872) người Hồ Nam là một nhà Nho lỗi lạc theo phái Đông Thành, nhân vật tiêu biểu trong các địa chủ người Hán, sau được bổ nhiệm chức Nội các Học sĩ trong triều đình nhà Thanh.
Bình luận