Lý Tiểu Long luôn muốn cải cách võ thuật. Ảnh: SK&ĐS. |
Khi mọi người đã ra về hết, cha tôi ngồi bên vệ đường ngoài trường võ của ông, gục đầu vào hai tay như kẻ thua cuộc, dù rõ ràng ông đã thắng. Mẹ tôi đến bên và hỏi vì sao ông có vẻ buồn vậy, lẽ ra giờ này ông phải ăn mừng chứ.
Đúng vậy, ông đã thắng. Nhưng ông đã rút ra được điều gì đó còn mạnh mẽ hơn sự tự mãn bởi chiến thắng. Cho đến thời điểm đó, mỗi khi biểu diễn kỹ thuật của mình, ông thường nói những câu như “Cố đánh tôi đi” hoặc “Cố đỡ cú đấm của tôi đi”. Nhưng những sự thúc giục ấy vẫn nằm trong phạm vi trải nghiệm thoải mái của ông. Tức là, trong những kịch bản ấy, ông vẫn đoán được một mức độ nhất định sự việc sẽ xảy ra; đó là những kịch bản bị đóng khung. Nhưng trận đấu này thì khác. Nó đã sát hạch ông theo một cách mới.
Trước hết, ông đã phải đuổi đối thủ chạy quanh phòng, điều này vốn trái với phép đấu võ thông thường, rồi thở hổn hển. Thứ hai, ông đã phải đánh sau lưng một người đang bỏ chạy, cũng là điều tối kị trong võ thuật. Và cuối cùng, họ đã vứt bỏ các thế đấu, luật lệ, các cú đánh được tính điểm. Dù là người đưa ra yêu cầu này nhưng cha tôi vẫn cảm thấy mình chưa thật sẵn sàng trước diễn biến sau đó.
Cuộc đấu đã cho ông thấy nhiều điều ở chính mình mà trước đó ông chưa nhìn ra được, nhất là thể chất của ông chưa được xuất sắc. Xin đừng hiểu nhầm; vóc dáng ông rất chuẩn, nhưng đó mới chỉ là nhờ tập võ. Ông chưa từng luyện tập chéo hoặc chỉ tập thể hình đơn thuần.
Sau cuộc đấu, ông cũng nhận ra lối luyện Vịnh Xuân quyền cổ truyền chưa giúp mình đủ sẵn sàng cho một kịch bản “đánh thế nào cũng được”. Dù sao ông cũng đã thắng. Ông đã giữ được sự oai phong của mình, đã tung ra nhiều ngón đòn, nhưng đó là những ngón đòn ứng biến bị động, chúng khiến ông thấy mình thiếu kỷ luật và mất kiểm soát. Ông đã nhận ra mình còn phải suy xét và học hỏi thêm đến độ nào.
Rốt cuộc, hóa ra trận đấu này lại trở thành một bước ngoặt trong cuộc đời cha tôi. Nếu không đủ “rỗng” để chừa chỗ cho một đánh giá thành thật về toàn bộ tình huống vừa qua, có lẽ ông đã không có cơ hội nhìn ra tất cả những gì mình cần phải học.
Có lẽ ông đã chạy đến đập tay ăn mừng chiến thắng với James, bạn mình, ôm chầm lấy vợ, rồi đi ăn mừng với bằng hữu để thao thao về chiến công vẻ vang trước những lão làng khu phố người Hoa. Nhưng nếu mọi chuyện diễn ra như vậy, chắc ngày hôm nay bạn sẽ không biết đến tên ông. Còn tôi chắc chắn sẽ không viết những dòng này.
Thay vì say men chiến thắng, cha tôi đã dùng những bài học từ cuộc đấu này để bắt đầu một hành trình dài. Ông bắt đầu quan tâm xem làm thế nào để trở thành một võ sĩ toàn vẹn cả trí lẫn tài, với thân thể cân đối và sức sáng tạo được phát huy trọn vẹn; làm thế nào để tự giải phóng mình khỏi các giới hạn, và nếu xét theo mục đích của chúng ta thì quan trọng nhất là làm thế nào để trở thành một con người uyển chuyển và linh hoạt.
Không lâu sau cuộc tỉ thí này, cha tôi bắt đầu cân nhắc đến những thực tế của một trận đấu ở góc độ thể chất, cùng những khả năng khi một người không bị ràng buộc bởi các lề lối, tiêu chuẩn của bất kỳ môn phái cụ thể nào. Đây là sự mặc khải to lớn cho sự nghiệp võ thuật của ông, cũng là mở đầu cho thuật Triệt Quyền đạo.
Để chứng thực và biểu trưng cho sự nghiêm túc của mình đối với hành trình mới này, ông đã tìm đến một thợ kim khí, đồng thời cũng là môn đồ và là bạn của mình, George Lee.
Ông đưa cho George bản phác thảo một tấm bia, trên có khắc dòng chữ: "Tưởng nhớ một con người vốn uyển chuyển đã bị lề lối cổ hủ rườm rà nhồi sọ và làm cho méo mó". Bằng tấm bia này, cha tôi muốn tự nhắc mình rằng lối tiếp cận cổ truyền, cứng nhắc và hạn chế của ông phải “chết” thì ông mới khơi lại được bản thể uyển chuyển nguyên thủy của mình. Đó là lời nhắc để ông luôn tiến lên trước như dòng nước chảy.
Bình luận