Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đám tang của Lý Tiểu Long trong ký ức của con gái

Khi cha mất, con gái của Lý Tiểu Long mới bốn tuổi. Những hình ảnh về đám tang của cha vẫn in sâu trong tâm trí Shannon Lee. Ngày hôm đó, cô có cảm giác như một cơn bão vần vũ quanh mình.

Ly Tieu Long anh 1

Vợ và hai con của Lý Tiểu Long trong đám tang của ông. Ảnh: T.P.

Thế rồi ngày nọ, khi chớm sang tuổi bốn mươi, tôi kể lại ký ức về cái chết của cha mình với người khác. Tôi kể với họ những kỷ niệm xoay quanh đám tang của ông ở Hồng Kông (Trung Quốc) mà mình còn nhớ được bằng bản năng.

Cảm giác của tôi khi ấy là tất cả thật hỗn loạn. Có hàng nghìn người xếp hàng dài dọc các con phố, các tốp đông phóng viên từ mọi tờ tin tức, người hâm mộ thì khóc lóc bên vệ đường. Trong đám tang, quan tài cha tôi để mở nắp, còn mẹ tôi và hai anh em tôi thì mặc đồ tang cổ truyền Trung Quốc bằng vải xô trắng. Trước cả rừng camera và ống kính máy ảnh, chúng tôi phải thực hiện các nghi lễ viếng trước thi hài của cha, rồi cúi lạy ông và ngồi xuống đất trước quan tài của ông.

Tôi nhớ toàn bộ sự hỗn loạn này hệt như một cơn bão vần vũ quanh mình, còn bản thân tôi thì tê liệt ở tâm bão. Tê liệt, và có lẽ còn bị sốc nữa; suy cho cùng, lúc ấy tôi mới lên bốn.

Sau lễ tang, có người tốt bụng nào đó nắm lấy tay tôi rồi nói: “Đi nào con. Chúng ta đi ăn kẹo nhé”. Và tôi nhớ khi ấy mình đã nghĩ “Tuyệt! Cho mình thứ gì có thể giúp mình nghĩ đến niềm vui ngay đi”.

Vậy đấy, bốn mươi tuổi đầu tôi mới vỡ lẽ ra một phần câu chuyện cắt nghĩa căn nguyên cho các vấn đề về việc ăn uống của mình. Chắc chắn đó chưa phải là toàn bộ bức tranh, nhưng liên tưởng ấy đủ để tôi hiểu một trong những rắc rối đã đi theo mình cả đời.

Ký ức ấy vẫn luôn ở trong tâm khảm tôi, nhưng tôi chưa bao giờ liên hệ tới nó vì chưa bao giờ thực sự nhìn thẳng vào nó. Tôi vẫn luôn lẩn tránh cảm xúc về cái chết của cha, và khi lẩn tránh như vậy, tôi đã làm méo đi cái nhìn chân thực về thói quen có hại này của mình.

Cảm giác về sự an toàn trong tôi đã gói gọn lại trong một viên kẹo (hoặc có khi cả túi, tôi biết mình mà), và suốt từ đó, tôi hành xử bằng giả định là muốn kiểm soát thói ăn vô lý kia thì chỉ có một cách là phải tự cự tuyệt bản thân thật quyết liệt.

Tôi đang bước vào con đường hiểu rõ mình hơn mỗi ngày và thay đổi góc nhìn hệt như cha tôi hồi trước. Tôi ngày một ý thức hơn về những gì mình đang tảng lờ hoặc chối bỏ, và quá trình học hỏi của tôi ngày một nhanh hơn, những gian nan, khổ sở của tôi ngày một vơi đi và bớt cam go.

Phát hiện về thói quen tự xoa dịu bằng đồ ăn này dù chưa phải là giải pháp trọn vẹn nhưng cũng cho tôi bước đệm để khám phá, nhờ đó, tôi hiểu ra mình cần suy xét thêm những điều gì khác. Như chính cha tôi đã nói:

"Học hỏi là khám phá, khám phá vì sao ta không biết; tức là khám phá trong con người ta có những gì. Khi khám phá như vậy, ta sẽ phát lộ những năng lực bên trong, mở rộng nhãn quan để tìm ra tiềm năng trong mình, để nhìn nhận rõ mọi diễn biến chung quanh, hiểu được cách mở rộng đời sống của ta, và phát hiện những công cụ sẵn có giúp ta xử thế và tiến bộ. Đừng vội “sửa” cái gì; thay vào đó, hãy tự bồi đắp hiểu biết trong quá trình khám phá bất tận ấy để hiểu sâu hơn vì sao ta không biết."


Shannon Lee/ Thái Hà Books & NXB Thế giới

Bình luận

SÁCH HAY