Lý Tiểu Long rất thích đọc sách, ông dành khá nhiều thời gian để đọc các sách về triết học và văn hóa. Ảnh: X.C. |
Trong quá trình nghiền ngẫm và bám sát vấn đề, tôi khuyên bạn nên tận dụng việc ghi chép để theo dõi sát sao những khám phá, đồng thời sắp xếp hợp lý những ý nghĩ của bạn. Đừng chỉ nghĩ trong đầu mà hãy viết những suy nghĩ ấy ra. Hãy cụ thể hóa quá trình bạn dõi theo những điều bạn yêu thích, tò mò, thử nghiệm, cả ý tưởng và ước mơ của bạn.
Nếu chỉ nghĩ mà không tìm cách thực sự biểu đạt để biến chúng thành một hành động cụ thể, chúng có thể chợt đến, chợt đi theo những đợt sóng ý nghĩ trong đầu bạn, hoặc chỉ tồn tại trong một giấc mơ hoặc hồi ức nhạt nhòa mà không đi kèm bất kỳ kế hoạch hành động thực sự nào.
Như hồi mới bắt đầu điều hành công ty, tôi đã mường tượng ra mục tiêu mình hướng đến nhưng lại không thể diễn đạt nó với bất kỳ ai, vì trước đó, tôi chưa thực sự dành thời gian để suy xét và nghiền ngẫm để biểu đạt tầm nhìn, nhiệm vụ và các giá trị của mình một cách ngắn gọn, dễ hiểu.
Nhân viên của tôi có thể nhận chỉ thị từ tôi, và dù thậm chí tin tưởng tôi, họ vẫn hoang mang, mơ hồ không biết con tàu của chúng tôi đang hướng về đâu, vì nó chỉ tồn tại dưới dạng một ý nghĩ chung chung trong đầu tôi. Chính vì vậy, tất cả chúng tôi đều bị mất đi đôi chút khả năng chủ động thiết yếu trong công việc của từng người.
Đôi khi, hữu hình hóa ý nghĩ lên trang giấy có thể là một bước then chốt giúp ta hiện thực hóa con người mình và có thể cho ta cảm giác rằng giờ đây, ta sẽ chịu trách nhiệm về những phát hiện, những ý nghĩ vẩn vơ trong đầu và chúng sẽ không bị lãng quên.
Trang giấy (hoặc máy tính) có thể là công cụ giúp bạn nghiền ngẫm và liệt kê những câu hỏi đang bám riết lấy bạn ngay lúc này. Bạn có thể coi chúng như một không gian làm việc, một chốn an toàn, một sân chơi, hoặc công cụ để bạn trút xả. Đây có thể là yếu tố then chốt giúp bạn tự lực.
Trong các bài viết của mình, cha tôi dựng nên những biển chỉ đường rõ ràng dọc hành trình khám phá, và ông nhiệt liệt tán thành sự tự lực. Tất nhiên, như thế không có nghĩa là bạn phải đắm mình vào dòng sách ấy (dù ông quả có ủng hộ việc đọc mọi dạng sách để tự tìm giải pháp; với ông, “đọc chuyên sâu” chính là “thức ăn tinh thần”), mà theo ông, “tự lực” tức là bạn là người duy nhất giúp được bạn.
Kể cả nhờ người khác hỗ trợ cũng có nghĩa là bạn đang tự giúp mình. Tự lực, dù bạn thực hiện theo cách nào, đọc sách, ghi chép, tìm cố vấn, đi trị liệu, tâm sự với bạn bè thân tín, thiền; cũng đơn giản chỉ là bạn đang dò tìm giải pháp, đang cố gắng khám phá, tìm hiểu cách nào ổn, cách nào không và nhận biết những điểm mạnh, điểm yếu của bạn. Đây là quá trình bạn tự trao quyền cho chính mình.
Như cha tôi nói: "Nhờ kinh nghiệm chân thực và nghiêm túc nhất của riêng mình và nhờ tận tâm học hỏi mà dần dà, tôi đã nhận ra rằng rốt cuộc sự giúp đỡ tốt nhất là tự giúp mình. Chẳng có kiểu hỗ trợ nào khác ngoài tự giúp mình.
Tự giúp mình có nhiều dạng: những phát hiện thường nhật, lòng thành thực khi ta dốc hết tâm sức, những cống hiến bất khuất, và nhận ra rằng không có kết thúc cũng chẳng có giới hạn nào vì cuộc sống là một quá trình bất tận."
Khi tập cho mình tính hiếu kỳ, tập nhìn sâu vào bên trong, ta phải can đảm trước những nỗi sợ trong thâm tâm và sẵn sàng áp dụng những hiểu biết của mình vào mọi trải nghiệm.
Trạng thái mưu cầu tri thức độc lập không ngừng này sẽ dẫn ta đến những khám phá mới và sẽ trở thành phương tiện giúp ta phát hiện được tiềm lực của bản thân, để từ đó, tìm ra hướng chảy phù hợp. Và hãy phấn khởi, hãy trầm trồ, bởi sự học ấy, sự phát hiện ấy, quá trình ấy và do đó, tiềm lực của chúng ta là vô hạn.
Cha tôi đã từng nói: "Chắc chắn mỗi ngày đều mang đến một khám phá, một phát hiện mà tôi có thể chạm đến. Tôi không dám nói mình đã đạt bất kỳ trạng thái thành tựu nào, vì tôi vẫn đang học, mà sự học thì vô biên!"
Bình luận