Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Triết lý hiểu đối thủ, hiểu bản thân của Lý Tiểu Long

Lý Tiểu Long cho rằng, hiểu đối thủ sẽ giúp bạn giành được chiến thắng, nhưng hiểu chính mình sẽ giúp bạn giữ được bản tâm, không sa ngã vào những thứ vô bổ.

Ly Tieu Long anh 1

Lý Tiểu Long luôn hiểu rõ bản thân mình muốn gì. Ảnh: V.F.

Ngày nào bạn cũng đi làm muộn? Thử đặt chuông báo thức sớm hơn mười phút xem. Như vậy vẫn không được? Hãy đi ngủ sớm hơn để sáng hôm sau không quá mệt. Vấn đề còn nghiêm trọng hơn thế sao? Thử tìm hiểu xem có chuyện gì đang làm bạn phiền muộn hay không?

Ồ, gần đúng rồi ư? Vì đâu mà bạn phiền muộn? Bạn có cần tìm kiếm sự giúp đỡ? Hãy lần theo vấn đề. Cứ thử vài giải pháp, nhưng phải lần theo vấn đề xem bạn nhận ra được gì. Hãy để vấn đề dẫn dắt bạn.

Nếu là cha tôi, khi chúng ta nghiền ngẫm các vấn đề của mình, hẳn ông sẽ động viên: “Hãy tỉnh táo, truy vấn, tìm tòi, lắng nghe, thấu hiểu và cởi mở”. Còn đối với chính chúng ta, hãy thử trả lời những câu hỏi sau: Tôi có đang chú tâm không?

Tôi đã đặt ra tất cả mọi câu hỏi chưa? Tôi đã tìm được câu trả lời chưa? Tôi có đang lắng nghe không? Tôi có hiểu chuyện gì đã xảy ra không? Tôi có cởi mở trước toàn bộ trải nghiệm này không? Cha tôi sẽ lưu ý chúng ta đừng nỗ lực để tìm thông tin mà hãy “nỗ lực để hiểu”, vì “bạn học bao nhiêu không quan trọng, mà bạn tiếp thu những điều mà bạn học được bao nhiêu mới là vấn đề”.

Lý Tiểu Long luôn viết ra những suy nghĩ của mình và liên tục chủ động học hỏi. Ông không ghi nhật trình theo lối thông thường, tức là ông không ghi ra sổ rồi đem cất giữ cẩn thận, nhưng vẫn theo dõi tiến trình của bản thân, viết rõ ra các ý tưởng, mục tiêu, ước mơ và giả thuyết.

Ông phác những lá thư và bài luận ra rất nhiều bản nháp. Chúng ta sẽ bàn thêm xem cha tôi đã dùng việc viết làm công cụ tư duy như thế nào, nhưng từ những bài viết của ông, ta có thể thấy ông coi trọng những gì và điều gì đã đưa ông đến con đường tự khám phá, hay theo như cách ông gọi, tự lực.

Trong một bài viết từ năm 1972, ông ghi rằng mình có bản tính hiếu kỳ và từ hồi trẻ đã liên tục tự hỏi mình những câu hỏi sau:

Sau chiến thắng sẽ là gì?

Vì sao mọi người coi trọng chiến thắng đến vậy? “Vinh quang” là gì?

Kiểu “chiến thắng” nào là “vinh quang”?

Cha tôi cũng nhớ lại, hồi bé ông rất hay gây rối và thường xuyên bị người lớn rầy la: “Tôi nghịch kinh khủng, cực kỳ hung hăng, nóng nảy và dữ tợn. Không chỉ các đối thủ cả hơn lẫn kém tuổi không dám lại gần tôi, mà kể cả người lớn cũng phải đầu hàng khi tôi nổi giận”.

Ông cũng nói ông không hiểu vì sao khi đó mình ngỗ ngược như vậy, chỉ biết hễ gặp ai không ưa là ông liền thách thức họ. Nhưng thách thức bằng cái gì? Ông viết: “Thứ cụ thể duy nhất mà tôi có thể nghĩ ra được là nắm đấm của mình. Tôi cứ tưởng chiến thắng tức là hạ gục được kẻ khác, mà không hiểu rằng thắng bằng vũ lực thì chưa phải là thắng thật sự”.

Theo như ông nhớ lại, về sau khi trở thành sinh viên đại học Washington, ông đã được một thầy trợ giảng hướng dẫn chọn ngành học. Để ý thấy bản tính hiếu kỳ và vô số câu hỏi của cha tôi, vị thầy này đã khuyên ông nên học vài khóa triết học. Thầy đã nói với ông thế này: “Triết học sẽ cho anh biết con người ta sống để làm gì”.

Cha tôi viết rằng nhiều bạn bè và người thân của ông đã ngạc nhiên khi biết ông học triết, vì từ trước đến giờ ông chỉ say mê võ thuật. Họ cứ tưởng ông sẽ theo một ngành học thể chất nào đó ở đại học. Nhưng cha tôi sớm nhận ra mối liên hệ giữa hai lĩnh vực này.

Ông viết: “Hành động nào cũng đều nên có căn nguyên, có lý do… Tôi ước sao mình có thể đưa tinh thần của triết học vào võ học; thế nên, tôi quyết định phải học triết”.

Chính nhờ học triết nên ông mới bắt đầu nhìn ra được những sai lầm trong cách sống cũ và ân hận về những nhận định trước đây về chiến thắng, nhưng những phát hiện này chỉ có được vì ông đã dám thành thật tự nhìn nhận lại bản thân cùng lối hành xử của mình.

Nhiều năm sau, ông đã rút ra: “Dù muốn hay không, tôi vẫn sẽ bị hoàn cảnh dồn ép. Bẩm sinh đã mang máu võ sĩ nên ban đầu tôi chống cự, nhưng rồi tôi sớm nhận ra cái tôi cần không phải là sự phản kháng bên trong và sự xung đột không cần thiết mà là sự tái điều chỉnh và khả năng tận dụng tối đa hoàn cảnh nhờ phối hợp các nguồn lực”.

Nhờ biết kết hợp các nguồn lực cùng các vấn đề cần xử lý và những suy ngẫm tự thân mà cha tôi đã nhìn ra những giải pháp mà ông hằng tìm kiếm, đồng thời còn hiểu sâu hơn bộ môn võ thuật yêu quý của ông, và cả chính bản thân ông.

Shannon Lee/ Thái Hà Books & NXB Thế giới

Bình luận

SÁCH HAY