Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý Tiểu Long bất khả chiến bại

Lý Tiểu Long đã nhiều lần được các võ sĩ khác thách đấu. Ông bước vào cuộc đấu với tinh thần thoải mái. Khi bước lên võ đài, Lý Tiểu Long lại hiểu thêm được sự tinh diệu của võ học.

Sinh thời, Lý Tiểu Long rất say mê võ thuật. Ảnh: D.T.
Ly Tieu Long anh 1
Ly Tieu Long anh 1

Sinh thời, Lý Tiểu Long rất say mê võ thuật. Ảnh: D.T.

Đến năm 1964, cha tôi đã lập xong trường võ thuật thứ hai ở Oakland, California. Ông đã cưới mẹ tôi và đang cùng bà đón đợi đứa con đầu lòng là Brandon, anh trai tôi. Các trường của ông ở Seattle và đến lúc đó là ở cả Oakland được đặt tên là Học viện Gung fu Jun Fan, chuyên dạy một biến thể nhẹ của Vịnh Xuân quyền, chính là môn võ mà ông đã học được ở Hồng Kông (Trung Quốc) hồi niên thiếu.

Tôi dùng từ “biến thể nhẹ” vì cha tôi đã nghiền ngẫm và thử nghiệm điều chỉnh đôi chút các kỹ thuật so với tiêu chuẩn truyền thống. Những điều chỉnh này rất nhỏ, chẳng hạn như hơi mở chân ở chỗ này, hông cử động nhiều hơn ở chỗ kia, ra đòn đáp trả nhanh hơn, v.v.. Nhưng nhìn chung, môn võ mà ông đang dạy vẫn là Vịnh Xuân quyền.

Nhưng vì ông là Lý Tiểu Long và mới 24 tuổi nên đã cư xử có phần lớn lối. Và việc mà ông đi ngược truyền thống cũng khiến những cây đa cây đề bảo thủ trong giới kung fu Trung Quốc của cộng đồng người Hoa ở San Francisco chướng mắt.

Cha tôi thường diễn võ ở rạp hát Sun Sing trong khu phố người Hoa, rồi xấc xược lớn tiếng phê phán võ Trung Quốc đang sa lầy vì những cử động rườm rà không cần thiết, dùng đi dùng lại cụm từ “rườm rà cổ hủ” để chê bai các phái kung fu truyền thống khác. Kế đó, ông thách mọi người lên sân khấu đánh bại kỹ thuật của mình.

Rồi như để đổ thêm dầu vào lửa, ông còn nhận học viên từ mọi chủng tộc, mọi xuất thân vào trường võ của mình. Trong con mắt của giới cây đa cây đề kung fu thủ cựu, đã là truyền thống thì phải chấp hành nghiêm ngặt, và mặc dù thi thoảng cũng có người không phải người Trung Quốc xin được vào học môn võ này, nhưng thế không có nghĩa là ai thích cũng vào được. Lý Tiểu Long đã vô lễ lại còn “hủy hoại” lề lối, và trong con mắt của giới bảo thủ ở khu phố người Hoa, chuyện này phải bị dẹp bỏ.

Cuối năm 1964, cộng đồng người Hoa ở San Francisco đưa ra lời thách đấu với cha tôi. Gã trai táo tợn và nổi loạn lộng hành như thế là quá đủ rồi, họ quyết định ra tay bắt hắn im miệng. Họ đề nghị tổ chức cuộc tỉ thí tại trường võ của cha tôi ở Oakland.

Nếu cao thủ của họ thắng, Lý Tiểu Long sẽ không được dạy võ nữa, còn ngược lại, ông sẽ được để yên cho tiếp tục dạy. Tất nhiên, cha tôi chấp nhận lời thách đấu. Chắc chắn ông không cho phép bất kỳ ai áp chế mình như vậy, mặt khác, ông cũng cực kỳ tin tưởng rằng mình sẽ thành công. Ông tin vào khả năng của bản thân, và hà cớ gì mà lại không đứng lên bảo vệ chính kiến và niềm tin của mình, bất luận kết cục ra sao.

Chuyện nghe cứ như trên phim, nhưng với gia đình tôi thì đây là đời thật. Mẹ tôi vác bụng bầu vượt mặt đến xem trận đấu, đi cùng với bà là người bạn thân kiêm trợ giảng của cha tôi là James Lee (sau sự việc này, ông đã qua đời). Nhóm kung fu phố người Hoa đến dự cuộc đấu tháng 11 năm 1964 ấy khá hùng hậu.

Họ giới thiệu cao thủ của mình (vị này được chọn ngẫu nhiên nhờ võ nghệ cao cường chứ thực ra không liên quan gì đến chuyện lùm xùm này), rồi bắt đầu ra luật. Không được móc vào mắt, không được tung đòn vào háng, không được thế này, không được thế nọ, v.v.. Đến đây thì cha tôi ngắt lời họ.

Sẽ chẳng có luật nào hết.

Ông tuyên bố nếu họ thực sự muốn phá miếng cơm và làm tê liệt một phần sinh mệnh thiết yếu của mình thì cuộc đấu này phải là đấu thật sự, không có cấm cản gì hết. Trận tỉ thí sẽ chấm dứt khi có một bên bị hạ đo ván hoặc xin thua. Tất cả chỉ có thế. Đám võ sĩ phố người Hoa hội ý chớp nhoáng rồi đồng ý. Mọi người dạt về một bên của căn phòng, và không cần khoa trương màu mè, cha tôi lao thẳng vào cuộc.

Bản thân trận đấu này rất phi chính thống. Sau khi hai bên mới đấm đá được vài cái, võ sĩ đối thủ bắt đầu chạy còn cha tôi thì vừa đuổi theo vừa cố túm lấy mà tấn công anh ta từ phía sau. Đến nước này, truyền thống chẳng bằng sinh tồn, những cú đòn tung ra có phần tùy tiện và hung hăng.

Toàn bộ cuộc tỉ thí diễn ra trong khoảng ba phút. Đối thủ của cha tôi rốt cuộc bị hạ ngã ngửa, cha tôi thì đứng trên người ông ta, dứ dứ nắm đấm và hét lên bằng tiếng Quảng Đông: “Anh chịu thua chưa? Anh chịu thua chưa?” Và cuối cùng, người đàn ông kia chịu thua và đáp lại: “Tôi chịu thua!”.

Shannon Lee/ Thái Hà Books & NXB Thế giới

Bình luận

Ý kiến bạn đọc

Nổi bật
  • Mới nhất
Gửi bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng.
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

    Xem thêm bình luận

    SÁCH HAY

    Thông báo