Lý Tiểu Long chơi đùa cùng hai con. Ảnh: P.P. |
Tôi bắt đầu hiểu ra rằng thời gian qua, dù không chủ động, không có chủ đích rõ rệt, nhưng trong thâm tâm, hết lần này đến lần khác tôi vẫn luôn tha thiết khẩn nài: “Hãy giúp tôi với. Tôi không thể sống thế này nữa. Xin làm ơn!”. Và nhờ đọc những lời này của cha mà những tia sáng đầu tiên đã lóe lên. Bằng cách nào đó, tôi đã vô thức cầu cứu và sự giúp đỡ đã đến.
Chúng ta thường cho rằng đối với nỗi đau, cần tảng lờ hoặc xóa bỏ nó, buông trôi mà không thừa nhận nó, vì thừa nhận sẽ dễ khiến tâm hồn ta đổ vỡ. Nhưng tôi đã đau khổ lắm rồi và đây là những lời cha đang nói với tôi rằng chính tôi đang nắm giữ thuốc chữa cho mình. Thật sao? Chữa thế nào? Suy nghĩ của ông tiếp tục hé lộ qua những câu trích như “Hãy hòa mình vào tâm bệnh, ở cùng nó, bầu bạn với nó, có vậy mới từ bỏ được nó”, và “Trong hỗn độn lại có cơ hội”.
Tôi đã bị ném vào một dòng xoáy hỗn độn và đã thành ra khắt khe, cứng nhắc, đã bị nỗi đau bóp nghẹt đến ngạt thở. Tôi đang kháng cự cuộc sống dù vẫn vờ như đang sống, vì không tin đời sống còn có thể tốt đẹp được nữa. Làm sao tốt đẹp được khi mà hết cha rồi đến anh mất? Chẳng có lý nào từ thảm kịch ấy lại có con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực. Nhưng tồn tại theo kiểu thu mình như tôi lúc đó cũng chẳng phải là sống, vì thế tôi đã đầu hàng. Nhìn vào tâm hồn mình, tôi muốn sống như những lời cha đã viết, muốn tin đời vẫn đẹp.
Tôi bắt đầu cố gắng sắp xếp lại mớ hỗn độn của mình, chấp nhận nỗi thương tiếc trong mình và tìm đọc thêm sách, tìm đến các nhà trị liệu để chữa lành. Tôi cởi mở hơn với nỗi mất mát của mình và để nó dạy mình cách sống.
Tôi nghiền ngẫm sâu hơn triết lý của cha, bắt đầu cố gắng sống có mục đích hơn, thật hơn và trọn vẹn hơn. Đến nay vẫn vậy. Tôi là một công trình đang xây dựng, tất cả chúng ta đều như vậy. Đôi lúc, những lựa chọn và sai lầm khiến tôi lại chìm vào quên lãng và tách mình khỏi cuộc sống.
Tôi vẫn khổ sở, nhưng trong giây phút đó, lần đầu tiên trong đời, tôi bắt đầu hiểu ra mình vẫn còn hy vọng. Tôi bắt đầu thoáng thấy bóng dáng của niềm vui và tự do; nhờ cuộc truy cầu này mà tôi bắt đầu nhận ra khả năng sống đã ngủ yên, bị lãng quên trong mình từ quá lâu nay.
Trong quá trình học cách chấp nhận thực tại đời mình, tôi nhận ra, kể từ sau cái chết của cha cho đến nay, gần như lúc nào mình cũng rơi vào trạng thái trầm cảm nhẹ và chỉ đến tuổi ba mươi mới thoát khỏi nó. Vì thiếu hiểu biết, tôi cứ nghĩ ai cũng có nỗi đau tinh thần giống với nỗi đau thường trực trong mình. Tôi cứ tưởng đời ai cũng vậy.
Cha tôi nói: “Nghịch cảnh sẽ lay động bạn và giúp bạn chuyển lên những tầm cao mới, giống như sau khi cơn bão quét qua, hết thảy cây cối sẽ xanh tốt”. Nhờ tự chịu trách nhiệm về vết thương lòng mình và tìm cách sống trọn vẹn bằng tấm lòng bao dung mà dần dà tôi đã khám phá ra chân lý của cha để áp dụng vào đời sống.
Tôi đã vượt qua được giông bão và khám phá ra ở phía bên kia là cả một cuộc sống mới đang nở rộ. Dần dà, trong hành trình ấy, tôi đã bồi đắp nên một niềm tin chưa từng có. Và đời bắt đầu hé lộ những bí ẩn của nó trước mắt tôi.
Lời của cha đã đánh một que diêm và đặt vào tay tôi ánh sáng đầu tiên ấy. Như ngọn nến, tôi bắt đầu cháy. Rồi mây đen từ từ tan biến và cả thế giới bắt đầu bừng sáng. Cha tôi từng nói:
"Chúng ta luôn đổi khác, và không thứ gì là cố định. Đừng để tâm cứng nhắc theo một hệ thống nào, bạn sẽ linh hoạt ứng biến trước vô thường. Hãy cởi mở mà tuôn chảy. Chảy trôi trong khoảnh khắc sống đang mở ra trọn vẹn. Nếu tâm không bám chấp, bản chất của vạn sự bên ngoài sẽ tự hiển lộ. Hãy luân chuyển như nước mà vẫn tĩnh lặng tựa gương soi. Hồi đáp như một tiếng vọng."
Bình luận