Sáng 9/3, người thân trong gia đình và các đồng nghiệp tề tựu tại lễ đưa tang của nghệ sĩ cải lương Vũ Linh. Hàng nghìn người xếp hàng dài bên ngoài nhà riêng của nghệ sĩ Vũ Linh ở Phú Nhuận (TP.HCM) để tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. |
Nghệ sĩ và người thân bên linh cữu của "ông hoàng cải lương" Vũ Linh. Sau khi thực hiện các nghi thức, nghệ sĩ Vũ Luân - con nuôi của Vũ Linh - đại diện gia đình gửi lời tri ân tới đồng nghiệp, khán giả đã dành trọn tình yêu thương cho cha nuôi. Vũ Luân và các thành viên trong gia đình cũng cảm ơn cơ quan ban ngành đã hỗ trợ để lễ tang diễn ra trang trọng, an toàn trong những ngày qua. |
Tại lễ đưa tang, NSƯT Hữu Quốc đọc điếu văn. Ông cho biết cố nghệ sĩ Vũ Linh là nghệ sĩ của nhân dân, trăm năm có một. “Anh Năm thương yêu, anh bước vào đời vào những ngày cuối năm và rời cõi này vào những ngày đầu năm. Nhưng dù anh đến và đi vào các mùa Đông, Xuân hay Thu, Hạ thì những năm tháng mà anh đã sống, nhất là những ngày này, bay vào trong cõi nhớ này, nhiều thế hệ khán giả và đồng nghiệp của anh đều đón nhận anh bằng một mùa biên viễn yêu thương. Đó là một lẽ công bằng cho một nghệ sĩ đã tận hiến đời mình cho Tổ nghiệp như anh”, Hữu Quốc nói. |
Nghệ sĩ Hữu Quốc chia sẻ thiếu thời, Vũ Linh không xuất thân từ gia đình khá giả, không được học chữ nhiều. Nhưng khi phát hiện đam mê, Vũ Linh quyết tâm theo nghề ca diễn, tầm sư học đạo, từ danh cầm Văn Vĩ đến cô Diệu Hiền, thầy Bửu Truyện, Thanh Tòng. "Hình ảnh những khán giả khắp nơi đổ về, có những người đi chân đất, đứng xếp hàng trật tự để được thắp nhang cho anh đã nói lên tình cảm đó. Bao dòng tâm sự chú Vũ Linh là một phần đời của má, của ngoại và cả của tôi", nghệ sĩ Hữu Quốc nói. |
Bài điếu văn của nghệ sĩ Hữu Quốc khiến đồng nghiệp, khán giả có mặt tại tang lễ xúc động. Lễ đưa tang diễn ra ngắn gọn, trang trọng. Khoảng 11h30, linh cữu của nghệ sĩ được đưa ra xe tang. |
Hàng trăm người dân chạy theo xe tang để vẫy tay, tiễn biệt nghệ sĩ cải lương Vũ Linh. Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Linh tên thật là Võ Văn Ngoan, sinh năm 1958. Ông được xưng tụng là "ông hoàng cải lương Hồ Quảng". Vũ Linh từng kết hợp với nhiều nghệ sĩ nữ nổi tiếng của sân khấu cải lương như Phương Hồng Thủy, Tài Linh, Thanh Thanh Tâm, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ, Thanh Hằng. Ông và Tài Linh được xem là đôi “thanh mai - trúc mã”, nổi danh cả nước trong băng đĩa Mưa bụi. Nghệ sĩ mất ngày 5/3 tại nhà riêng trong vòng tay người thân, ngay sau cuộc gọi cuối cùng với nghệ sĩ Tài Linh từ Mỹ. |
Con gái và các con nuôi của nghệ sĩ Vũ Linh cầm di ảnh, bát hương dẫn đầu đoàn đưa tang. Những ngày qua, họ nén nỗi đau để lo liệu lễ tang cho nghệ sĩ Vũ Linh. "Sinh thời, cậu là ông vua trên sân khấu, được hàng triệu người yêu thương, trân trọng. Khi cậu mất đi, người thân túc trực, ở bên, động viên cậu. Cậu ra đi nhẹ nhàng, chấm dứt những đau đớn. Những giọt nước mắt của khán giả khi đến viếng cậu trong đám tang như sự tiếc thương vô hạn", Hồng Phượng - cháu gái của Vũ Linh chia sẻ. |
Con đường Phan Đăng Lưu trở nên đông đúc hơn thường lệ khi xe tang của nghệ sĩ Vũ Linh đi qua. Giữa trưa nắng, hàng nghìn người dân vẫn kiên nhẫn đứng đợi, theo dõi đến khi xe tang của cố nghệ sĩ đi khuất. |
Sách tham khảo: Cải lương Sài Gòn 1955-1975, một công trình biên khảo được những người làm sân khấu tâm tư và nỗ lực thực hiện trong suốt 4 năm qua. Nội dung sách biên khảo được tiếp cận từ góc độ khoa học liên ngành lịch sử, nghệ thuật sân khấu, lý luận văn học, văn hóa học… với cách thao tác căn cứ vào tài liệu được người đương thời ghi lại; những bài viết tham luận từ các cuộc tọa đàm, hội thảo; các phát biểu ghi âm từ các tác giả, soạn giả, đạo diễn, nghệ sĩ, nhà báo, nhà lý luận phê bình và các nhà quản lý - có vốn sống, vốn nghề, nhiều kinh nghiệm, trong sáng tác, kể chuyện, trong biểu diễn và ca hát.