Một con cá heo tham gia buổi tuần tra của hải quân Mỹ tại cảng Manama, Bahrain, vào tháng 8/2003. Ảnh: Reuters |
Chương trình huấn luyện động vật có vú (NMMP), thuộc Bộ Tư lệnh Tác chiến Hải quân và Vũ trụ Mỹ (SPAWAR), đang huấn luyện 85 cá heo và 50 sư tử biển tại cơ sở ở thành phố San Diego, bang California. Năm 2002, kênh NBC đưa tin, chương trình nhận ngân sách 14 triệu USD mỗi năm để duy trì hoạt động. Dù trong giai đoạn cắt giảm kinh phí, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn cam kết bảo đảm tài chính để duy trì việc huấn luyện các "binh sĩ đặc biệt" này.
Chương trình NMMP bắt đầu từ năm 1960, giai đoạn các chuyên gia hải quân nghiên cứu đặc điểm sinh học của một con cá heo trắng ở Thái Bình Dương để phục vụ việc phát triển ngư lôi tốc độ cao. "Tuy nhiên, họ nhanh chóng chuyển hướng sang bí mật đào tạo cá heo", nguồn tin của NBC cho biết.
Giới chức quân sự Mỹ sau đó nhận ra cá heo có thể trở thành vũ khí đắc lực trên chiến trường, vì nó thông minh, bơi nhanh và biết nghe lời con người hơn so với các động vật khác. "Hơn nữa, chúng có những khả năng mà vũ khí do con người chế tạo không sánh được", Ed Budzyna, người phát ngôn SPAWAR, nói với Business Insider.
Hải quân Mỹ từng triển khai đội "binh sĩ cá heo" đến Bahrain trong Cuộc chiến Tàu chở dầu, một phần trong giao tranh Iran - Iraq kéo dài từ năm 1980 đến 1988. Khi đó, SPAWAR cho biết đàn cá heo nhận nhiệm vụ bảo vệ một tàu thuộc Hạm đội 3 đậu ở cảng Manama.
Con cá heo tên K-Dog nhảy khỏi mặt nước bên cạnh người huấn luyện, trung sĩ Andrew Garrett, gần tàu USS Gunston Hall ở Vịnh Ba Tư vào tháng 3/2003. Ảnh: Reuters |
Năm 1996, đàn cá là một phần trong đội bảo vệ an ninh tại hội nghị quốc gia của đảng Cộng hòa ở Trung tâm hội nghị San Diego. Năm 2003, Mỹ lại triển khai đội cá heo đến Vịnh Ba Tư để giúp dọn sạch thủy lôi trước khi các tàu liên quân kéo đến đây để tham gia cuộc chiến ở Iraq do Mỹ phát động. Khi cá heo phát hiện mìn dưới nước, chúng sẽ quay lại "báo cáo" với người huấn luyện. Họ sẽ gắn lên cá heo một bộ phát tín hiệu. Sau đó, đàn cá quay trở lại địa điểm đặt thủy lôi và thả máy phát, giúp quân đội xác định vị trí nguy hiểm.
Năm 1990, báo New York Times dẫn lời một số chuyên gia huấn luyện động vật của hải quân nói, họ nhận lệnh từ cấp trên để dạy cá heo "trở thành 'sát thủ' đối với người nhái, hạ gục kẻ thù bằng súng gắn ở mũi và chất nổ". Richard O'Barry, cựu sĩ quan hải quân Mỹ, cho biết CIA đã tiếp cận ông hơn 20 năm và đề nghị ông huấn luyện cá heo có thể gắn chất nổ lên tàu đối phương. Tuy nhiên, đại diện hải quân Mỹ luôn phủ nhận mục đích đào tạo cá heo để gây hại đến con người.