Quân nhân Nga trang bị cho hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander tại một sư kiện vào năm 2015. Ảnh: Reuters. |
"Mỹ đã làm điều này trong nhiều thập kỷ. Họ đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình trên lãnh thổ các nước đồng minh, các quốc gia NATO, ở châu Âu từ lâu”, TASS dẫn lời tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Chúng tôi đã đồng ý sẽ làm điều tương tự với Belarus. Tôi muốn nhấn mạnh động thái này không vi phạm nghĩa vụ quốc tế về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân", ông Putin cho biết thêm.
Vì sao Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus?
Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus theo yêu cầu của nước này. Ông khẳng định Tổng thống Alexander Lukashenko từ lâu nêu vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus.
Theo ông Putin, thỏa thuận với Belarus được đưa ra sau khi Anh tuyên bố gửi đạn uranium nghèo cho Ukraine - vốn có liên quan đến công nghệ hạt nhân.
Ông Putin cho biết Nga sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus trước ngày 1/7. Tuy nhiên, ông không đưa ra thời điểm cụ thể các quả bom sẽ được vận chuyển vào nước này.
Mặc dù ông Putin cho biết Nga không chuyển giao quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến thuật cho Belarus hoặc không vi phạm các nghĩa vụ về không phổ biến vũ khí hạt nhân, quyết định này là một trong những động thái đáng chú ý nhất của Điện Kremlin đối với kho vũ khí kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS. |
Ngoài ra, tổng thống Nga cho biết Moscow đã trang bị khả năng mang vũ khí hạt nhân chiến thuật cho 10 máy bay Belarus.
Nga sẽ bắt đầu huấn luyện lực lượng Belarus về tổ hợp tên lửa Iskander - vốn có thể mang vũ khí hạt nhân chiến thuật - vào tháng 4, ông Putin cho biết thêm.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì?
Giới học thuật và các nhà đàm phán kiểm soát vũ khí đã tranh luận trong nhiều năm về cách định nghĩa vũ khí hạt nhân chiến thuật (TNW).
Theo Reuters, manh mối nằm ở cái tên: Chúng là vũ khí hạt nhân được sử dụng cho các lợi ích chiến thuật cụ thể trên chiến trường, thay vì phá hủy trên quy mô lớn.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là các đầu đạn hạt nhân nhỏ và hệ thống nhằm chúng đưa đến mục tiêu để sử dụng trên chiến trường hoặc cho một cuộc tấn công hạn chế, theo BBC. Chúng được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trong một khu vực cụ thể mà không khiến bụi phóng xạ lan rộng.
Nga có ưu thế vượt trội về số lượng TNW so với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO. Mỹ tin rằng Nga sở hữu khoảng 2.000 đầu đạn chiến thuật đang hoạt động, gấp 10 lần so với Washington.
Những đầu đạn này có thể được phóng qua nhiều loại tên lửa, ngư lôi và bom trọng lực của các lực lượng hải quân, không quân hoặc lục quân. Chúng thậm chí có thể được đưa vào một khu vực và kích nổ.
Theo Reuters, Mỹ có khoảng 200 TNW, một nửa trong số đó nằm ở các căn cứ ở châu Âu. Những quả bom hạt nhân B61 dài khoảng 3,7 m, với sức nổ từ 0,3 đến 170 kiloton, đã được triển khai tại 6 căn cứ không quân trên khắp Italy, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ và Hà Lan.
Để so sánh, quả bom nguyên tử do Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945 có sức công phá khoảng 15 kiloton.
Ai quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga?
Theo học thuyết hạt nhân Nga, tổng thống là người ra quyết định cuối cùng liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân, cả chiến lược và phi chiến lược.
Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Nga có khoảng 22.000 TNW trong khi Mỹ sở hữu khoảng 11.500. Hầu hết số vũ khí này đã được tháo dỡ hoặc đang chờ tháo dỡ.
Những vũ khí còn lại được lưu trữ trong ít nhất 30 căn cứ quân sự và hầm chứa dưới sự kiểm soát của Tổng cục 12 của Bộ Quốc phòng Nga.
Để chuẩn bị cho một cuộc tấn công TNW, tổng thống Nga có khả năng sẽ tham khảo ý kiến của các lãnh đạo cấp cao từ Hội đồng An ninh trước khi ra lệnh.
Lúc đó, toàn bộ trạng thái hạt nhân của Nga sẽ thay đổi: Tàu ngầm sẽ ra khơi, lực lượng tên lửa sẽ được đặt trong tình trạng báo động cao nhất và máy bay ném bom chiến lược sẽ xuất hiện tại các căn cứ, sẵn sàng cất cánh ngay lập tức.
Ý nghĩa của việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật
Kể từ đầu những năm 1990, Nga không công bố bất kỳ động thái triển khai vũ khí hạt nhân nào bên ngoài biên giới của mình. Bên cạnh đó, ông Putin hôm 25/3 khẳng định thỏa thuận với Belarus không vi phạm các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân do Liên Xô ký kết quy định không cường quốc hạt nhân nào có thể chuyển vũ khí hạt nhân hoặc công nghệ cho một quốc gia phi hạt nhân.
Tuy nhiên, hiệp ước cho phép một quốc gia triển khai vũ khí bên ngoài biên giới của mình, nhưng dưới kiểm soát của chính quốc gia đó. Điều này giống với việc Mỹ đặt vũ khí hạt nhân ở châu Âu, nhưng nằm dưới sự kiểm soát của Washington.
Phản ứng của Mỹ
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 25/3 khẳng định không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân sau tuyên bố trên.
“Chúng tôi đã xem các báo cáo về thông báo của Nga và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình”, cơ quan báo chí của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.
“Chúng tôi không thấy có lý do gì để điều chỉnh trạng thái hạt nhân chiến lược của mình, cũng như không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi cam kết thực thi chính sách phòng thủ tập thể của NATO”, cơ quan này khẳng định.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.