Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

‘Quả bom hẹn giờ’ ở châu Âu

Đại dịch Covid-19 đã phơi bày nhiều điểm yếu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, các nước không còn nhiều thời gian để khắc phục những lỗ hổng này.

phuc loi o chau au anh 1

Gần đây nhất, vào năm 2000, Pháp, Italy và Tây Ban Nha được xếp hạng có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, hơn hai thập kỷ trôi qua và đại dịch toàn cầu xuất hiện, bức tranh đó đã thay đổi, theo Bloomberg.

Nguồn tài trợ đình trệ cùng với chi phí chăm sóc dân số già ngày càng tăng đồng nghĩa châu Âu đang vật lộn nhằm thực hiện cam kết chăm sóc “từ lúc ra đời tới lúc xuống mồ” một cách công bằng và bình đẳng.

Không chỉ vậy, năm 2022, Tổ chức Y tế Thế giới công bố báo cáo mô tả sự già hóa trong nhóm chuyên gia chăm sóc sức khỏe ở châu Âu như “quả bom hẹn giờ”.

Ở Pháp, gần một nửa số bác sĩ trên 55 tuổi. Tại Italy, hiệp hội y tế dự đoán khoảng 100.000 bác sĩ công sẽ từ chức hoặc nghỉ hưu trong vòng 4 năm tới do tuổi tác.

GDP tăng, nhưng chi tiêu y tế thì không

Cuối năm 2022, số ca bệnh cúm, Covid-19 và virus hợp bào hô hấp ngập các phòng cấp cứu. Các chuyên gia y tế từ Rome đến Berlin rời đi trong bối cảnh lo ngại thiếu nhân viên và tiền lương. Khi nhu cầu tăng cao, hầu hết nước EU đều trong tình trạng thiếu thuốc kháng sinh.

Tình hình trở nên tồi tệ hơn do các vấn đề mang tính cấu trúc. Bên ngoài các thành phố lớn, ngày càng khó tìm được bác sĩ chăm sóc chính hoặc phòng cấp cứu với các thiết bị chuyên dụng. Nhiều người ở những quốc gia kém giàu tại châu Âu đang chú ý tới những thị trường giàu có hơn. Theo WHO, các y tá đang kiệt sức.

Nâng cấp tính linh hoạt của hệ thống y tế trong nhóm OECD sẽ tiêu tốn trung bình khoảng 1,4% GDP, trên mức các quốc gia chi tiêu trước đại dịch. Tác giả báo cáo khuyến cáo nên dùng hơn một nửa số chi tiêu bổ sung đó cho các nhân viên tuyến đầu, gồm y tế và người chăm sóc.

Trong một ca làm việc buổi sáng tại bệnh viện công ở ngoại ô Madrid, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Isabel Soler thường tiếp khoảng 40 bệnh nhân với hàng loạt bệnh mạn tính: Viêm khớp, đau khớp và bệnh thoái hóa. Với nhiều người, đây không phải lần đầu tiên họ tới, và có rất ít thời gian để bác sĩ đánh giá hoặc tư vấn chuyên sâu.

“Họ có thể mắc căn bệnh nan y, nhưng không thể nói về bệnh này trong 3 phút”, vị bác sĩ 37 tuổi nói. “Vậy nên tôi bảo họ hãy quay lại sau 6 tháng”.

phuc loi o chau au anh 2

Đại dịch Covid-19 phơi bày tính cấp thiết của việc cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe. Ảnh: NBC News.

Trên khắp châu Âu, chi tiêu y tế không thay đổi theo tỷ lệ % GDP trong hơn một thập kỷ, ngay cả khi chi phí thuốc, chẩn đoán và điều trị tăng lên, dẫn đến tiền lương trì trệ và ngân sách bệnh viện eo hẹp. Dù chi tiêu tăng vọt trong đại dịch Covid-19, phần lớn trong số đó thuộc về dịch vụ một lần và khẩn cấp như giường phụ và vaccine.

Dù châu Âu có mức trung bình số lượng bác sĩ và y tá trên đầu người khả quan hơn so với nhiều khu vực khác, nhiều chuyên gia chăm sóc sức khỏe tập trung ở các thành phố, trong khi tỷ lệ bác sĩ đa khoa giảm xuống.

Điều này tạo nên cuộc chạy đua khi đại dịch khiến các thủ tục y tế bị tồn đọng, trong khi những buổi hẹn khám bị tác động bởi làn sóng dịch bệnh theo mùa hậu phong tỏa.

Tại Thụy Điển, Pháp, Thụy Sĩ và Hà Lan, cứ 5 người lớn tuổi mắc bệnh mạn tính thì có hơn một người báo cáo họ đã bỏ lỡ hoặc trì hoãn việc chăm sóc sức khỏe vào thời gian cao điểm đại dịch.

Cơ hội thay đổi đang đóng dần?

Với các nhà phân tích trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đại dịch Covid-19 phơi bày tính cấp thiết của việc cải cách hệ thống.

“Đôi khi tôi khóc vì cảm thấy tội lỗi”, Emeline Albert - y tá 26 tuổi ở Aix-en-Provence, miền Nam nước Pháp - nói. Albert dành cả ngày chạy giữa các giường bệnh, truyền dịch và tiêm thuốc mà không có nhiều thời gian trò chuyện với bệnh nhân.

Tại Vương quốc Anh, mức độ hài lòng chung với Dịch vụ Y tế Quốc gia giảm xuống chỉ còn 29% trong cuộc khảo sát hàng năm công bố vào tháng 3. Đây là mức thấp nhất ghi nhận trong suốt 40 năm qua.

Thời gian chờ đợi tại các khoa cấp cứu tăng, còn các cuộc hẹn với bác sĩ gia đình bị trì hoãn trong những năm gần đây. Nhằm đáp ứng xu hướng nhân khẩu học và công nghệ, NHS có thể cần thêm hàng tỷ USD/năm nhằm duy trì hoạt động.

Nhiều nước khác tại châu Âu cũng đối mặt với áp lực và thách thức tài chính tương tự. Những quốc gia có thu nhập thấp trong EU đang mất nhân lực vào tay các nước láng giềng giàu có hơn.

Tomas Zapata - cố vấn khu vực về lực lượng lao động y tế cho WHO châu Âu - dẫn ví dụ về Romania, quốc gia có số lượng sinh viên tốt nghiệp trường y nhiều nhất trên đầu người ở EU với hơn 25/100.000, nhưng có mật độ nhân viên y tế dưới mức trung bình.

Nhóm Romania thường di chuyển tới Đức, với mức lương trung bình nhiều hơn gấp 3 lần. Nhưng sự dịch chuyển này không dừng lại ở đó, khi các bác sĩ Đức lại để mắt tới Thụy Sĩ, nơi mức lương trung bình cao hơn khoảng 20%.

Vấn đề còn nằm ở trong nội bộ mỗi nước. Các bác sĩ đổ xô tới thành phố để có triển vọng việc làm và cơ sở hạ tầng chất lượng hơn. Điều này khiến những vùng nông thôn và nghèo khó rất khó hoặc không thể tìm được bác sĩ.

phuc loi o chau au anh 3

Các y tá ở London tuần hành đòi trả lương công bằng hơn. Ảnh: SOPA Images/Sipa.

Việc thiếu hụt dịch vụ chăm sóc ban đầu đáng tin cậy tác động nhỏ giọt, khi bệnh nhân tìm đến bệnh viện lớn vì các vấn đề đáng lẽ có thể giải quyết từ phòng khám bác sĩ. Điều này dẫn những bệnh viện có nguồn lực hạn chế gặp khó trong việc cấp cứu cho người mắc bệnh nghiêm trọng.

Akil Awad - 37 tuổi, bác sĩ gây mê và chuyên gia chăm sóc đặc biệt ở Stockholm - cho biết tình trạng liên tục thiếu giường tạo ra tâm lý “một vào một ra”, đồng nghĩa bệnh nhân được chăm sóc tùy vào thời gian và may mắn.

Anh Awad cho biết mặc dù đại dịch Covid-19 thu hút sự chú ý tới các lỗ hổng, khoảng thời gian này vẫn không dẫn đến những thay đổi thực chất.

Mặc dù châu Âu đang chứng kiến các vấn đề nghiêm trọng, ông Zapata cho rằng vẫn có giải pháp cho những thách thức này. Các quốc gia có thể sử dụng mô hình dự đoán nhu cầu bác sĩ trong 15-20 năm tới và bắt đầu tìm cách đáp ứng nhu cầu đó.

Chính phủ có thể tìm biện pháp khuyến khích cải thiện tuyển dụng, duy trì và phân phối nhân viên y tế ở vùng nông thôn. Cuối cùng, lĩnh vực này có thể trở nên hấp dẫn hơn bằng cách cải thiện tính linh hoạt và cân bằng giữa công việc - cuộc sống, cũng như chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người lao động.

“Covid-19 đã cho chúng ta cơ hội thay đổi và cam kết chính trị”, ông Zapata nói, nhưng nhấn mạnh “cơ hội đó đang dần đóng lại”.

Bản sắc Liên minh châu Âu

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Bản sắc cộng đồng của liên minh Châu Âu những vấn đề lý luận và thực tiễn". Cuốn sách tập trung nghiên cứu bản sắc châu Âu trong tiến trình hình thành và phát triển của EU nhằm làm rõ khái niệm bản sắc cộng đồng mới, bản sắc khu vực và đánh giá thực tế vai trò của một bản sắc chung trong tiến trình hội nhập khu vực ở châu Âu.

Bà von der Leyen kêu gọi châu Âu đánh giá lại quan hệ với Trung Quốc

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen kêu gọi các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) đánh giá lại quan hệ ngoại giao và kinh tế với Trung Quốc, theo Guardian.

Tăng tuổi nghỉ hưu, người Pháp vẫn lao động ít hơn nhiều nước khác

Dù người Pháp đang giận dữ trước dự luật hưu trí mới, tuổi nghỉ hưu mới của nước này vẫn thấp hơn mức tiêu chuẩn của châu Âu và nhiều nền kinh tế phát triển khác.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm