Tàu sân bay USS Harry S. Truman (CVN 75) của Mỹ phóng tên lửa trong một cuộc tập trận trên biển. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Báo Washington Post đưa tin, Hội đồng Bảo tồn Hawaii kiện Hải quân Mỹ vì cho rằng họ vi phạm các điều khoản trong luật bảo vệ động vật biển có vú (MMPA). Phía nguyên đơn hy vọng họ sẽ buộc Hải quân Mỹ ngừng các cuộc tập trận tiếp theo để bảo vệ cá heo, cá voi và các loài động vật có vú trong vùng biển này, RT đưa tin.
Các chuyên gia bảo vệ động vật cho biết, thiết bị dò sonar cực mạnh từ tàu chiến của Hải quân Mỹ có thể làm hỏng thính giác hoặc tổn hại tới phổi của hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn, cá thể động vật có vú sống dưới biển. Trong khi những vụ nổ từ các cuộc tập trận bắn đạn thật có thể đoạt mạng nhiều loài sinh vật biển -bao gồm cá heo, hải cẩu hay cá voi xanh, loài sinh vật to nhất trên trái đất.
Những người đấu tranh đòi quyền lợi cho các loài sinh vật biển dẫn báo cáo từ Hải quân Mỹ cho biết, trong năm 2013, Hải quân Mỹ dự đoán 155 sinh vật biển có vú chết vì các cuộc tập trận của họ từ năm 2014 tới 2019. Ngoài ra, hàng ngàn cá thể khác sẽ hứng chịu tổn thương vĩnh viễn, 10 triệu cá thể sẽ mất thính giác tạm thời vì các cuộc diễn tập.
Hải quân Mỹ cáo buộc các nhà bảo vệ động vật cố tình phóng đại các con số. Kenneth Hess, người phát ngôn Hải quân Mỹ, cho biết, con số thiệt hại họ đưa ra dựa theo các kịch bản xấu nhất.
“Dù hải quân Mỹ thực hiện các hoạt động tương tự trong nhiều thập kỷ qua nhưng người ta chưa có bằng chứng cho thấy chúng gây ảnh hưởng xấu tới sự tồn tại của các loài sinh vật biển. Nó gây tác động không đáng kể tới các quần thể động vật biển có vú”, Hess khẳng định.