Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Ai đủ sức chen chân giữa Grab và ShopeeFood ở mảng giao đồ ăn?

Thị trường giao đồ ăn vừa chứng kiến sự rời đi của Gojek hay trước đó là Baemin. Hiện không còn nhiều ứng dụng Việt có thể cạnh tranh với Grab hay ShopeeFood trên chính sân nhà.

Theo báo cáo của iPOS, quy mô thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam năm 2023 vào khoảng 52.400 tỷ đồng, tăng 20% so với năm liền trước.

Nhờ sự tiện lợi, thói quen đặt đồ ăn online của người Việt ngày càng phổ biến. Với hơn 13 triệu khách hàng, thị trường ghi nhận gần 30% người Việt đặt đồ ăn online từ 1-2 lần/tuần và 20% đặt 3-4 lần/tuần.

Trong khi hầu hết thị trường giao đồ ăn ở Đông Nam Á đều chững lại trước xu hướng thắt chặt chi phí của các ứng dụng, hãng nghiên cứu Momentum Works lại ghi nhận tổng giá trị giao dịch (GMV) tại thị trường Việt Nam bứt phá 30% lên 1,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, với dân số hơn 100 triệu người cùng mức độ tiếp cận công nghệ cao, quy mô GMV của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan (3,7 tỷ USD), Malaysia (2,4 tỷ USD), Philippines (2,5 tỷ USD) hay Indonesia (4,6 tỷ USD).

Cơ hội cho những tay chơi mới nổi

Tại Việt Nam, thị trường giao nhận đồ ăn tương đối cô đặc khi chỉ tập trung ở một vài ứng dụng. Tính đến hết năm 2023, miếng bánh này được chia đều cho 2 ứng dụng nước ngoài là Grab và ShopeeFood, lần lượt chiếm 47% và 45%.

Cả GrabFood và ShopeeFood đều có nhiều năm hoạt động trong mảng này tại thị trường Việt Nam. Trong khi GrabFood chính thức ra mắt từ giữa năm 2018 thì ShopeeFood (tiền thân là Delivery Now của Foody được Sea Limited mua lại) đã “làm mưa làm gió” từ những năm 2016.

Bên cạnh 2 ứng dụng trên, thị phần ít ỏi còn lại nằm trong tay Baemin (5%) và Gojek (3%).

GRAB VÀ SHOPEEFOOD NẮM 92% THỊ PHẦN GIAO ĐỒ ĂN NĂM 2023
Nguồn: Momentum Works.
NhãnGrabShopeeFoodBaeminGojek
Thị phần GMV % 474553

Tuy nhiên, thị trường giao đồ ăn nói riêng và gọi xe công nghệ nói chung tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn thanh lọc mạnh mẽ.

Tháng 12 năm ngoái, ứng dụng đến từ Hàn Quốc - Baemin - đã phải rút lui khỏi thị trường Việt Nam. Chưa đầy 1 năm sau, Gojek cũng phải ngậm ngùi rời cuộc chơi.

Ngược lại, thị trường này lại đang chứng kiến sự nổi lên của nhiều ứng dụng thuần Việt như Be và Xanh SM. Thực tế cho thấy vài năm trở lại đây, thị phần của các ứng dụng ngoại liên tục bị nhóm “cây nhà lá vườn” đánh chiếm.

Theo báo cáo "The Connected Consumer quý I/2024" của Decision Lab, đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam, Grab vẫn dẫn đầu lượng người dùng tại Việt Nam với 64%. Song, tỷ lệ này đã thu hẹp 8% so với năm 2023.

Gojek trước khi rời đi cũng ghi nhận lượng người dùng trung thành sụt giảm đáng kể từ 26 % năm 2023 xuống còn 22%. Trong khi đó, Be và Xanh SM nhanh chóng chớp lấy cơ hội này để vươn lên với lần lượt 24% và 32%.

thi truong giao do an,  dat do an befood,  goi do an anh 1

Be là ứng dụng Việt hiếm hoi có thể cạnh tranh sòng phẳng ở mảng giao đồ ăn với Grab và ShopeeFood. Ảnh: Be.

Hiện nay, Be là ứng dụng Việt Nam hiếm hoi có thể đe dọa vị thế của Grab hay ShopeeFood ở mảng giao đồ ăn. Không chỉ tập trung về câu chuyện gọi xe, Be còn đang có xu hướng phát triển thành một siêu ứng dụng thuần Việt. Ngoài beBike, beCar, ứng dụng này còn tập trung phát triển đặt đồ ăn trực tuyến beFood, và đặt vé di chuyển, bảo hiểm, viễn thông…

Trong khi đó, hãng xe điện Xanh SM vẫn chưa thể hiện bất kỳ sự quan tâm nào đến dịch vụ này và vẫn trung thành với dịch vụ đặt xe di chuyển, giao hàng.

Dù xuất phát muộn, beFood được kỳ vọng gây ra nhiều xáo trộn trên sân nhà, đặc biệt trong bối cảnh các đối thủ đã qua thời đốt tiền và dần siết chặt chiết khấu để bù đắp cho ngân sách đầu tư ban đầu.

Theo công bố, beFood chứng kiến tăng trưởng đơn hàng lên tới 390%, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ cũng tăng 250% so với 2 năm trước. Bên cạnh đó, số lượng cửa hàng, quán ăn hợp tác với beFood đã tăng gấp 7 lần kể từ năm 2022 lên 75.000 đơn vị, qua đó nâng tần suất khách hàng đặt món hàng tháng trên beFood lên tới 160%.

Vì sao mảng giao đồ ăn hấp dẫn?

Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận trên 304.000 cửa hàng ăn uống, qua đó tạo ra gần 404.000 tỷ đồng doanh thu, tương đương 68% doanh thu của cả năm 2023.

Kinh doanh online, đặc biệt qua các ứng dụng giao đồ ăn, không những giúp các cửa hàng F&B có thêm dòng tiền mà còn thu hút nhiều khách hàng mới.

Trong khảo sát các doanh nghiệp F&B sử dụng ứng dụng giao đồ ăn của iPOS, gần 48% doanh nghiệp ghi nhận tỷ lệ doanh thu trực tuyến chiếm 25-50% tổng doanh thu và gần 10% doanh nghiệp có doanh thu online đóng góp trên 50%. Thực tế, thị trường F&B Việt Nam còn có hàng nghìn gian hàng khác dựa hoàn toàn vào kênh bán hàng online.

Thị trường giao đồ ăn vẫn còn nhiều dư địa khi mới chỉ có hơn 50% doanh nghiệp F&B tham gia cuộc chơi.

Đối với các ứng dụng giao đồ ăn, thị trường Việt Nam được xem như “mỏ vàng” trong cuộc chiến mở rộng thị phần. Việc chiếm lấy nguồn tài nguyên này cũng giúp các ứng dụng đem về doanh thu không nhỏ thông qua hệ thống phí, hoa hồng với đối tác.

thi truong giao do an,  dat do an befood,  goi do an anh 2

Nhiều ứng dụng gọi xe, giao đồ ăn đã phải bỏ cuộc ở thị trường Việt Nam. Ảnh: Phương Thảo.

Khác với các dịch vụ gọi xe và giao hàng, dịch vụ gọi đồ ăn được hình thành dựa trên mối quan hệ 4 bên gồm khách hàng - tài xế - ứng dụng - nhà hàng.

Như vậy, ngoài nguồn thu từ phí sử dụng nền tảng của khách hàng và chiết khấu từ tài xế, ứng dụng còn nhận về 15-25% chiết khấu trên mỗi đơn hàng từ các nhà bán hàng.

Bên cạnh đó, các ứng dụng giao đồ ăn còn có thêm nguồn thu từ việc cung cấp dịch vụ quảng cáo dành cho nhà hàng trên nền tảng.

Dẫu vậy, mảng giao đồ ăn vốn không phải “miếng bánh dễ xơi” khi tâm lý tiêu dùng của người Việt vẫn bị chi phối bởi chính sách khuyến mãi.

Năm 2022, ông Jinwoo Song, Tổng giám đốc Baemin Việt Nam, từng chia sẻ việc đầu tư vào mã khuyến mãi giúp các ứng dụng nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, đón lượng người sử dụng đông đảo và nâng cao số lượng đơn hàng. Tuy nhiên, điểm bất cập là tạo ra một hướng đi chiếm lĩnh thị trường không bền vững và gây nên sự mất cân bằng cho thị trường mục tiêu.

“Ứng dụng nào có nhiều ưu đãi sẽ giữ chân được người dùng. Tuy nhiên nếu người dùng gắn với ứng dụng nào chỉ vì có khuyến mãi tốt, thì họ sẽ quay lưng khi khuyến mãi không còn”, ông Song nhận định.

Tài xế Gojek chuyển app

Sau khi Gojek chính thức rời thị trường Việt Nam, nhiều tài xế Gojek đã bắt đầu chuẩn bị hồ sơ để chuyển sang các ứng dụng mới.

Gojek rời Việt Nam, Grab còn đối thủ nào?

Sau đợt xáo trộn này, chỉ còn các ứng dụng nội địa như Xanh SM, Be và các hãng taxi truyền thống trên cuộc đua với Grab.

Xanh SM có gì sau hơn 1 năm cạnh tranh với Grab?

"Chân ướt chân ráo" bước vào thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam, Xanh SM nhanh chóng thâu tóm thị phần của nhiều đối thủ chỉ sau hơn 1 năm hoạt động.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm