Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Xanh SM có gì sau hơn 1 năm cạnh tranh với Grab?

"Chân ướt chân ráo" bước vào thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam, Xanh SM nhanh chóng thâu tóm thị phần của nhiều đối thủ chỉ sau hơn 1 năm hoạt động.

Tháng 3/2023, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng thành lập CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM). Chỉ 1 tháng sau, doanh nghiệp này ra mắt Xanh SM, thương hiệu taxi điện đầu tiên trên thị trường Việt Nam.

Thời điểm đó, màn chào sân chóng vánh của Xanh SM khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí tạo ra không ít quan điểm trái chiều về tính khả thi lẫn khả năng cạnh tranh của tân binh này.

Tuy nhiên, mấy ai dự đoán được rằng sau hơn 1 năm, Xanh SM đã trở thành một trong những đối thủ có khả năng đe dọa trực tiếp thị phần của Grab tại Việt Nam.

Chi gần 25.000 tỷ đồng sắm phương tiện

GSM được tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập với vốn ban đầu 3.000 tỷ đồng. Trong đó, ông Vượng góp 95% vốn thông qua việc chuyển quyền sở hữu hơn 50,7 triệu cổ phiếu VIC thuộc tài sản cá nhân, bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) góp 3% còn CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam góp 2%.

Sau nhiều đợt nâng vốn, tính tới ngày 24/1, vốn điều lệ của GSM đã tăng gấp 3 lần, lên 9.666 tỷ đồng.

Bên cạnh lĩnh vực gọi xe điện, GSM còn cung cấp dịch vụ cho thuê ôtô, xe máy điện phục vụ khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp. Với việc sử dụng 100% phương tiện của VinFast, GSM đã và đang trở thành đầu ra lớn nhất cho nhà sản xuất xe điện Việt Nam.

goi xe xanh sm,  ung dung goi xe,  thi truong goi xe,  xanh sm cua ai anh 1

GSM đã chi gần 25.000 tỷ đồng để mua xe điện VinFast. Ảnh: Bối Hạ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét năm 2023 của Vingroup, GSM đã chi gần 19.000 tỷ đồng để mua phương tiện xe điện từ VinFast, đóng góp gần 70% vào doanh thu mảng sản xuất của tập đoàn.

Báo cáo tài chính của VinFast cũng cho thấy 72% doanh số ôtô điện và 46% doanh số xe máy điện trong năm 2023 của công ty đều đến từ các bên liên quan, chủ yếu là GSM.

Mới đây, báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2024 của Vingroup cũng ghi nhận 5.746 tỷ đồng doanh thu thu bán hàng cho GSM, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, kể từ khi thành lập, GSM đã trả cho Vingroup hơn 24.700 tỷ đồng để mua sắm xe điện.

Tính đến cuối tháng 6, đội xe của Xanh SM lên tới 30.000 chiếc taxi cùng hàng chục nghìn xe máy điện. Nếu tính cả số lượng chủ xe VinFast hợp tác với ứng dụng qua nền tảng kinh doanh chia sẻ, quy mô của Xanh SM thậm chí còn lớn hơn nhiều.

So với những đối thủ như Grab (200.000 tài xế), Be (300.000 tài xế) hay hãng xe sắp rời Việt Nam là Gojek (200.000 tài xế), tương quan lực lượng của Xanh SM vẫn còn hạn chế.

Tuy nhiên, quy mô hãng xe lại áp đảo hoàn toàn so với các thương hiệu taxi truyền thống dẫn đầu thị trường hiện nay như Vinasun (3.140 xe) hay Mai Linh (11.000 xe).

Từ thị trường đầu tiên là Hà Nội, hãng đã đặt chân tới 45 tỉnh, thành phố cùng mạng lưới hơn 35 doanh nghiệp đối tác.

Ngoài Việt Nam, Xanh SM còn có mặt tại Lào vào cuối năm 2023 và rục rịch tiến sang thị trường Indonesia và Philippines trong thời gian tới. Theo kế hoạch, công ty cũng tham vọng mở rộng quy mô ra toàn cầu với 9 thị trường mục tiêu đến năm 2025.

Tác nhân đánh bật Gojek khỏi Việt Nam?

Mảng gọi xe công nghệ vốn là "sân chơi" của các ứng dụng như Grab, Be hay Gojek suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, Xanh SM bất ngờ đứng thứ 2 về thị phần doanh thu trong quý IV/2023, tức chỉ sau 2 quý hoạt động, với hơn 18%.

Trước sự bứt phá này, công ty nghiên cứu Mordor Intelligence đã ví Xanh SM như hiện tượng “TikTok Shop trong lĩnh vực gọi xe”.

Với việc liên tục bành trướng quy mô, thị phần doanh thu xe 4 bánh của Xanh SM chỉ xếp sau Grab (58,68%) và sớm áp đảo các đối thủ cùng ngành như Be (9,21%), Gojek (5,87%), Mai Linh (2,66%) hay Vinasun (2,15%).

XANH SM CHỈ XẾP SAU GRAB VỀ THỊ PHẦN DOANH THU GỌI XE 4 BÁNH
Thị phần doanh thu của các hãng gọi xe trong quý IV/2023. Nguồn: Mordor Intelligence.
NhãnGrabXanh SMBeGojekMai LinhVinasunKhác
Thị phần doanh thu % 58.6818.179.215.872.662.153.26

Modor Intelligence ước tính đội xe 4 bánh của Xanh SM phục vụ bình quân 160.000 chuyến đi/ngày trong năm 2023, bỏ xa số lượng đặt xe của Be (56.000 chuyến/ngày) và Gojek (35.000 chuyến/ngày). Dẫu vậy, con số này mới bằng 40% công suất của Grab.

Hiện nay, Xanh SM hoạt động trong 2 lĩnh vực chính là vận chuyển (xe 2 bánh và 4 bánh) và giao hàng. Ở cả 2 lĩnh vực trên, hãng đều nắm trong tay tệp khách hàng ổn định.

Một báo cáo của Q&Me đưa ra đầu năm 2024 cho thấy dù là tân binh chưa đầy 2 năm tuổi, Xanh SM đã chiếm 19% thị phần người dùng trung thành, cao gấp đôi đối thủ có 6 năm kinh nghiệm tại Việt Nam là Gojek (7%) và chỉ đứng sau Be (32%), Grab (42%).

Những xáo trộn mà Xanh SM tạo ra khiến thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam càng thêm khắc nghiệt. Trước tình trạng liên tục bị đối thủ đánh chiếm thị phần, “kỳ lân công nghệ” Indonesia Gojek gần đây đã phải tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam.

Dẫn đầu cuộc đua vận tải xanh

Các chuyên gia nhận định sự ra đời của Xanh SM không chỉ mang lại nguồn thu đáng kể cho VinFast mà còn giúp giới thiệu sản phẩm của nhà sản xuất này, qua đó thúc đẩy doanh số bán hàng suốt thời gian vừa qua.

Thực tế, công ty vận hành Xanh SM đã đem về một loạt hợp đồng cung cấp phương tiện cho các hãng taxi, hãng gọi xe công nghệ trong nước.

Gần nhất là vào cuối tháng 8, Taxi Xanh Điện Biên (thuộc Công ty TNHH Phan Hải 89) cũng đã ký kết mua và thuê 300 xe điện từ GSM trong 2 năm 2024-2025 để triển khai tại thị trường Tây Bắc.

Ngoài ra, xu hướng ứng dụng phương tiện xanh do Xanh SM khởi xướng cũng buộc các doanh nghiệp taxi truyền thống đẩy mạnh quá trình thay thế phương tiện cũ nhằm bắt kịp thị hiếu khách hàng.

goi xe xanh sm,  ung dung goi xe,  thi truong goi xe,  xanh sm cua ai anh 2

Vinasun giới thiệu dịch vụ taxi hybrid tại Việt Nam vào tháng 6 sau khi nhận hàng trăm xe mới từ đối tác Toyota. Ảnh: Vinasun.

Ngay tại cuộc họp cổ đông tổ chức đầu năm nay, cả Mai Linh và Vinasun đều công bố kế hoạch chuyển đổi các dòng xe cũ sang phương tiện thân thiện hơn với môi trường. Đây vốn là những kế hoạch được tính đến từ lâu, song chỉ được triển khai mạnh trong 2 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, thay vì chọn xe thuần điện, 2 ông lớn này thể hiện sự thận trọng khi lựa chọn giải pháp xe hybrid.

Tháng 6 vừa qua, Vinasun đã nhận bàn giao 806 xe hybrid từ Toyota. Bên cạnh đó, hãng taxi phía Nam cũng ký kết dự án hợp tác chiến lược cho kế hoạch đầu tư 2.000 xe Toyota hybrid trong năm 2025.

Trong khi đó, Mai Linh đặt mục tiêu năm nay đầu tư 2.224 xe mới trong dự án 9.999 xe, trong đó đầu tư mới 1.000 xe hybrid cho các thị trường lớn như TP.HCM và Hà Nội.

Gojek rời Việt Nam, Grab còn đối thủ nào?

Sau đợt xáo trộn này, chỉ còn các ứng dụng nội địa như Xanh SM, Be và các hãng taxi truyền thống trên cuộc đua với Grab.

Vì đâu Gojek bị đánh bật khỏi Việt Nam?

Sau khi Uber bị thâu tóm, Gojek được kỳ vọng là đối thủ của Grab. Song, trong khi Grab kỷ niệm 10 năm hoạt động tại Việt Nam, Gojek lại phải nói lời tạm biệt thị trường.

Vì sao các hãng taxi truyền thống thờ ơ với xe điện?

Trước làn sóng phát triển taxi điện, các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun vẫn duy trì sự thận trọng khi đứng ngoài cuộc chơi và chuyển hướng sang đầu tư xe hybrid.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm