Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Văn học tạo sóng tại Hội sách Frankfurt

Joseph Caspar Witsch cho rằng văn học là một tượng đài sống về sức mạnh của nhân loại - một tiếng nói phản kháng vĩnh cửu và hiệu quả, chạm đến mọi khía cạnh của đời sống chúng ta.

lich su hoi sach frankfurt anh 1

Hình ảnh tại Hội sách Frankfurt. Ảnh: ME Printer.

Vào cuối những năm 1950, cũng có một xu hướng đáng chú ý là viết tự truyện và tiểu sử của những nhân vật được coi là “vĩ nhân”. Trong thể loại này, các lựa chọn được yêu thích là tiểu sử của Konrad Adenaueri do Paul Weymar chấp bút và cuốn Kein Platz fur wilde tiere (Không có chỗ cho sinh vật hoang dã) của nhà tự nhiên học Bernhard Grzimek.

Tuy nhiên, trong những năm 1960, các cây viết trẻ của Tây Đức không còn cảm thấy bắt buộc phải tập trung vào Thế chiến II và hậu quả của cuộc chiến này. Thay vào đó, họ hướng tới các đề tài liên quan đến hiện tại và thử nghiệm các hình thức thể hiện mới.

Martin Walser trong tiểu thuyết Halbzeit đã chỉ trích không thương tiếc “xã hội tiện nghi”, và Peter Weiss, một người có một nửa dòng máu là Do Thái di cư đến Thụy Điển vào năm 1934, lần đầu tiên đến thăm Hội sách Frankfurt để giới thiệu “vi tiểu thuyết” của mình có nhan đề là Der. Schatten des Körpers des Kutschers (Cái bóng của cơ thể người đánh xe). Arno Schmidt là một tác giả khác có tác phẩm thu hút được một lượng chú ý nhất định trong bối cảnh phức tạp của hội sách năm 1960.

Một chủ đề thảo luận nổi bật tại Hội sách Frankfurt lần thứ 12 vào năm 1960 là cái chết bi thảm Albert Camus, một nhà văn kiêm triết gia nổi tiếng người Pháp gốc Algérie. Dưới cơn mưa lớn, khi Michel Gallimard, chủ xuất bản người Paris, đang lái xe với tốc độ cao trên đường cao tốc miền Nam nước Pháp, chiếc xe đã lao ra khỏi đường và tông vào một cái cây khiến cả Gallimard lẫn hành khách của ông đều thiệt mạng.

Một tác giả nổi bật khác vào năm 1960 là triết gia Ernst Bloch khi tập cuối cùng trong tác phẩm có tầm ảnh hưởng lớn của ông là The Principle of Hope (Nguyên lý hy vọng) đã được Aufbau, một nhà xuất bản ở Đông Berlin, ấn hành. Cuốn sách đã bị chỉ trích gay gắt trên các tạp chí và bị coi là một ví dụ về lối tư duy tư sản, dựa trên tiền đề cho rằng Con người, mặc dù không hoàn hảo, vẫn đang trên đường đi tới một xã hội không tưởng chưa xác định nhưng có thể đạt được.

Công chúng yêu văn chương lại có một chủ đề khác để thảo luận từ cái chết của chủ nhân giải Nobel Vladimir Pasternak ở tuổi 70. Nơi an nghỉ của ông tại quê nhà Peredelkino gần Moscow đã trở thành nơi diễn ra một cuộc biểu tình gây ấn tượng sâu sắc, thu hút hơn 3.000 người tham gia đòi quyền tự do về nghệ thuật.

Năm 1961, một tác giả gần như vô danh đã trở thành tâm điểm của công chúng khi Ivo Andrić được trao giải Nobel Văn học. Trong tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, Cây cầu trên sông Drina, Andrić kể về lịch sử của quê hương Nam Tư.

Cùng năm đó, các cuốn tiểu thuyết của tác giả người Mỹ gây tranh cãi Henry Miller đã trở thành tâm điểm chú ý tại Hội chợ Frankfurt. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng đầu tiên của Miller, The Tropic of Cancer (Chí tuyến bắc), được xuất bản ở Paris năm 1934; tuy nhiên, tại Mỹ, nơi mà các quan điểm đạo đức đã trở thành quy tắc, sách của ông bị coi là khiêu dâm và bị cấm xuất bản.

Mãi cho đến năm 1961, ấn bản đầu tiên do nhà xuất bản Mỹ Grove Press phát hành với 40.000 bản in đã ngay lập tức trở thành sách bán chạy. Grove sau đó đã tiếp tục thành công trong việc thách thức luật kiểm duyệt của Mỹ và dẫn đến lần đầu tiên “buộc phải chấp nhận những cuốn sách bị cấm ở Mỹ”.

Một lượng lớn sách bìa mềm đổ về Hội sách Frankfurt lần thứ 14/1962. Hơn 1.000 đầu sách bìa mềm được xuất bản trong năm đó. Bìa cứng không còn thịnh hành khi độc giả bị thu hút bởi các lựa chọn thay thế, có thể mang đi hầu hết ở mọi nơi - trên xe điện, trên các chuyến tàu hỏa, trong công viên.

Và bên cạnh đó, một cuốn sách bìa mềm dễ đọc hơn trên giường. Belles lettres chỉ chiếm 34,5% số lượng sách được in ra, trong khi bản dịch các tác phẩm nước ngoài - chủ yếu từ tiếng Anh và tiếng Pháp - đã đạt được thành công và chiếm khoảng một phần sáu lượng sách văn học của Tây Đức.

Ngay trước khi khai mạc Hội sách Frankfurt năm 1962, tạp chí châm biếm xuất bản hàng tháng, Pardon, đã ra số đầu tiên. Trong số đội ngũ cộng tác viên có một số nhà văn có ảnh hưởng lớn, bao gồm Günter Grass, còn Erich Kästner, tác giả và nhà văn châm biếm nổi tiếng viết cho thiếu nhi, là thành viên của ban biên tập. Trong phiên bản xem trước của tạp chí, Pardon đã công bố giải nhất cho một cuộc thi viết là kỳ nghỉ một tuần ở Đông Đức; còn giải ba là kỳ nghỉ ba tuần ở Đông Đức!

Cuốn tiểu thuyết dài 684 trang Những năm chó má của Günter Grass đã gây chấn động tại Hội sách năm 1963. Theo lời của một nhà phê bình nổi tiếng, tác động của cuốn sách giống như “một trận mưa đá của các thủ pháp nghệ thuật và nội dung khiêu khích”. Giống như tác phẩm Cái trống thiếc, cuốn tiểu thuyết này lấy bối cảnh ở Danzig (Gdansk thuộc Ba Lan ngày nay) và tập trung vào những năm tháng dưới thời Đức Quốc xã, đồng thời khám phá vận mệnh và lương tâm của nước Đức. Cuộc tranh cãi sau đó về cuốn sách và tác giả của nó đã được châm ngòi khi Grass đưa vào nhiều nhân vật đương đại ở Tây Đức như triết gia Martin Heidegger, nhà xuất bản Gert Bucerius và Axel Springer, ông trùm tư bản Josef Neckermann và hai chủ ngân hàng nổi tiếng.

Cuốn tiểu thuyết khác trong năm là Anh hề của Heinrich Böll, trong đó ông chỉ trích gay gắt sự khác biệt ngày càng sâu sắc giữa các nhóm quyền lực kinh tế, văn hóa và giáo hội dưới thời Thủ tướng Adenauer của Tây Đức.

Từ bên kia biên giới Đông Tây, cuốn sách Der geteilte Himmel (Thiên đàng chia đôi) của tiểu thuyết gia Christa Wolf cũng thu hút sự quan tâm lớn của khách tham quan Hội sách Frankfurt 1963.

Đồng thời, truyền hình ngày càng cung cấp cho người xem một giải pháp thay thế hấp dẫn hơn cho sách và việc đọc. Kênh thứ hai của truyền hình quốc gia, Das Zweite Deutsche Fernsehen, bắt đầu phát sóng vào năm 1963. Trong một cuộc khảo sát năm 1953, 43% những người được hỏi cho biết đã đọc một cuốn sách trong hai tuần trước đó.

Mười năm sau, số liệu thống kê chỉ ra rằng số lượng độc giả đang giảm sút ở mức báo động. Lời đáp của ngành xuất bản là cố gắng chống lại xu hướng bằng cách mở rộng danh mục sách bìa mềm của họ.

Vào năm 1963, đã có 3.000 đầu sách bìa mềm và phần lớn trong số này có thể mua được với giá phải chăng. Trong suốt năm tiếp theo, khoảng 100 đầu sách khác đã được thêm vào mỗi tháng như một phần của chiến lược thu hút mọi người rời khỏi ti vi và quay lại đọc sách.

Đến năm 1964, rõ ràng là một số tác giả ngày càng thẳng thắn hơn về mặt chính trị. Tác phẩm của những người nổi tiếng như Heinrich Böll, Günter Grass, Peter Weiss, Rolf Hochhut và Alexander Kluge nằm trong số những cuốn sách đi đầu. Vào thời kỳ đỉnh cao trong các phong trào phản đối của sinh viên cấp tiến những năm 1960 và 1970, các tác giả này đã sử dụng tài năng văn chương của mình để chỉ trích sự bận tâm thái quá của nhà nước đối với vấn đề tăng trưởng kinh tế cũng như với giai cấp thống trị giàu có tự mãn và hãnh tiến. Đồng thời, các nhà văn này đã bác bỏ xu hướng phổ biến cho rằng Đệ tam Đế chế chỉ là một tai nạn tập thể. Nhắm mắt làm ngơ là một kiểu phủ nhận không thể chấp nhận được.

Đột nhiên, sự hư cấu trở thành đối tượng của sự nghi ngờ. Các tác giả tham gia chính trị đã chống lại điều này bằng cách viết tác phẩm của mình dựa trên tư liệu. Một nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp này và thu được kết quả tốt:

Alexander Kluge trong tác phẩm Schlachtbeschreibung - der Untergang der 6 (Mô tả cuộc chiến - Đánh bại Quân đoàn số 6), tường thuật chi tiết về Trận Stalingrad năm 1942-1943; vở kịch Der Stellvertreter (Người đại diện) của Rolf Hochhut, kể về thái độ của Vatican trước số phận của những người Do Thái trong tay Đức Quốc xã; vở kịch dựa trên sự kiện có thật In der Sache J. Robert Oppenheimer (Về vấn đề của J. Robert Oppenheimer) của Heinar Kipphardt; và vở kịch Marat/Sade của Peter Weiss. Cảnh ngộ của người lao động bình thường cũng được chú ý khi Max von der Grün xuất bản cuốn tiểu thuyết Irrlicht und Feuer (Ma trơi và ngọn lửa).

Tác phẩm nước ngoài thành công nhất tại Hội sách 1964 lại thuộc thể loại hoàn toàn khác. Bản quyền tiếng nước ngoài cho tiểu thuyết The Group (Nhóm bạn) của Mary McCarthy đã nhanh chóng được giành giật, còn bản quyền làm phim đã sớm được Hollywood mua lại.

Về văn học Đức, cuộc xung đột Đông-Tây đã trở nên tồi tệ hơn vào năm 1965. Bốn năm sau khi Bức tường Berlin được dựng lên, ngày càng có nhiều tác giả Đông Đức viết về chủ đề này.

Các ấn phẩm của họ bao gồm cuốn sách đầu tiên của Hermann Kant, Die Aula; Provokationen für mich (Sự khiêu khích đối với tôi) của Volker Braun, 26 tuổi; các sáng tác thơ của Rainer và Sarah Kirsch; cùng các bản ballad, thơ và bài hát của Wolf Biermann về chiến tranh, tình yêu và những xung đột hàng ngày ở Đông nước Đức.

The Spy Who Came in from the Cold (Điệp viên từ vùng đất lạnh) của John le Carré, một tác giả 34 tuổi, cựu sĩ quan Bộ Ngoại giao Anh, đứng đầu danh sách bán chạy nhất tại Hội sách năm 1965. Lấy bối cảnh một Berlin bị chia cắt, đây là một tác phẩm trinh thám chính trị hấp dẫn và cuối cùng, bán được gần năm triệu bản trên toàn thế giới.

Năm 1966, Viện Goethe ở New York đã mời 80 tác giả được Quỹ Ford tài trợ tham gia một cuộc họp của Gruppe 47 tại Đại học Princeton. Kể từ khi bước vào thời hậu chiến, nhóm đã gặp nhau thường xuyên hai lần một năm và theo thời gian, một số thành viên của nhóm đã trở thành nhà văn nổi tiếng.

Chỉ những người được mời mới có thể tham dự các cuộc họp của nhóm ở Đức và Ban tổ chức sẽ gửi bưu thiếp ghi ngày và địa điểm cho một danh sách đã lựa chọn từ trước. Các tác giả tham dự sẽ đọc các bản thảo chưa xuất bản của mình để cùng thảo luận, phê bình, và cuối mỗi cuộc họp, giải thưởng sẽ được trao cho những tác phẩm được yêu thích nhất.

Tuy nhiên, có thể dự đoán được, sự kiện Princeton không phải không có những khoảnh khắc đấu đá nội bộ và sự khác biệt về quan điểm.

Ví dụ, một nhà văn trẻ người Áo, Peter Handke, người vừa nổi danh nhờ cuốn tiểu thuyết đầu tay, The Hornets (Ong bắp cày), đã công khai chỉ trích các tác phẩm được gọi là phe cánh tả bằng cách đưa ra vở kịch của ông có nhan đề là Publikumsbeschimpfung (Xúc phạm khán giả).

Dù thế nào, tầm ảnh hưởng của các thành viên bắt đầu bị lu mờ vào cuối những năm 1960 và vào năm 1977, Gruppe 47 chính thức giải tán.

Năm 1967, số thứ mười của tờ Kursbuch, một tạp chí ra theo quý do Suhrkamp xuất bản, tuyên bố rằng văn học và mỹ học đã trở nên thừa thãi và không hiệu quả trong bối cảnh chính trị xã hội. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều tác giả say mê viết về tình hình chính trị ở Tây Đức, chiến tranh, các vấn đề ở “Thế giới thứ ba” và phân biệt chủng tộc ở Mỹ.

Tuy nhiên, những sự lạc đề này trong văn chương không tác động được tới phần lớn công chúng. Dấu hiệu cho điều đó là trong danh sách bán chạy, được đánh giá cao nhất là cuốn truyện ấm áp về gia đình, Mornings at Seven (Những buổi sáng lúc bảy giờ) của tiểu thuyết gia nổi tiếng người Anh Eric Malpass.

Lần đầu tiên, ngày càng có nhiều tác giả người Mỹ bắt đầu thu hút người đọc bằng sự thuyết phục mang tính trí tuệ hơn. Đó là các nhà văn đã tận dụng mọi cơ hội để đấu tranh cho những người bị áp bức - các tác giả như Eldridge Cleaver, người có tác phẩm Soul on Ice (Linh hồn trên băng) có ảnh hưởng lớn đến Phong trào Quyền lực Da đen ở Mỹ, và James Baldwin, người khám phá sự mất mát bản sắc của người da đen khi họ bị tách khỏi những truyền thống của mình.

Allen Ginsberg đối đầu với nạn tham nhũng trong xã hội Mỹ, chủ nghĩa hòa bình và nhân loại, tình dục và các tôn giáo phương Đông, trong tập thơ mang tên Paranoia (Chứng hoang tưởng).

Tuy nhiên, trên tất cả, chính văn học đã mang lại cho Hội sách Frankfurt dấu ấn nổi bật, khiến nó trở nên khác biệt so với các hội chợ khác.

Mặt khác, Hội sách Frankfurt trước hết vẫn là một hội chợ thương mại. Ngay từ năm 1958, nhà xuất bản Joseph Caspar Witsch ở Cologne đã tóm tắt tính chất kép của Hội sách.

Theo ông, văn học không phải là một lý tưởng thuần túy, độc lập với thương mại. Trên thực tế, ông cho rằng thương mại hóa văn học là điều kiện cần thiết của tự do. Witsch cũng kiên định với niềm tin rằng văn học là một tượng đài sống về sức mạnh của nhân loại - một tiếng nói phản kháng vĩnh cửu và hiệu quả, chạm đến mọi khía cạnh của đời sống chúng ta.

Peter Weidhaas/NXB Thế giới & Omega+

SÁCH HAY