Ảnh chụp thành phố Frankfurt. Ảnh: Prologis. |
Mặc dù Hội chợ Frankfurt đầu tiên chủ yếu phát triển ở lĩnh vực bán hàng trực tiếp từ nhà in tới các khách hàng cá nhân, từ năm 1500 trở đi, các giao dịch trao đổi ngày càng chiếm thế thượng phong.
Từ “nhà xuất bản” trong tiếng Đức (Verlag) bắt nguồn từ gốc có nghĩa là “người xuất vốn”, tức là người bỏ ra số tiền cần thiết để in ấn.
Rõ ràng, một thị trường sách đã được tạo ra và đã phát triển các cấu trúc thương mại thô sơ của nó. Đời sống xã hội của thời đại này, mang đậm dấu ấn của Giáo hội, đã hình thành trung tâm tại các tu viện và thành phố thuộc Nam Âu và tập trung kinh doanh ở Frankfurt.
Nơi này có vị trí thuận lợi, cả về mặt chiến lược lẫn địa lý. Hơn nữa, nó được coi là nơi đăng quang của các hoàng đế Công giáo Đức.
Thành phố nằm ở ngã tư của hai tuyến đường thương mại quan trọng nhất - tuyến đường dẫn từ phía Nam qua Basel và Strasbourg vào phía Bắc đến Cologne, rồi tới Bỉ và Hà Lan; tuyến còn lại từ phía Tây rời khỏi Paris rồi đổ về phía Đông, tới Magdeburg và Leipzig - nơi sở hữu truyền thống hội chợ lâu đời nhất ở Đức.
Đồng thời, việc vận chuyển hàng hóa có thể được tiến hành nhanh chóng và tiết kiệm bằng các con tàu dọc sông Rhine hoặc Main.
Không có gì phải bàn cãi rằng chính vị trí gần Mainz, nơi sinh ra máy in, đồng thời là cái nôi của việc in chữ rời, đã giúp Frankfurt có được sự phát triển vượt bậc hơn bất kỳ một thành phố nào khác trong vai trò là một trung tâm thương mại - bao gồm cả việc bán sách. Nếu Mainz có truyền thống tương tự Frankfurt, thì chắc chắn nó sẽ trở thành trung tâm buôn bán sách.
Nhưng Gutenberg, Fust và Schöffer đã chọn đến Frankfurt để chào hàng. Nhiều nhà in đi theo tấm gương này ban đầu vốn giao dịch ở Mainz. Như vậy, hai lần một năm, họ dọc theo sông Main đến Frankfurt, tham dự Hội chợ Mùa chay, được tổ chức trước Lễ Phục sinh hai tuần, và Hội chợ Mùa thu, sẵn sàng tiếp thị các ấn bản mới nhất của mình.
Vận chuyển sách đến và đi từ Hội sách Frankfurt là một công việc khó khăn và tốn kém đối với người chào hàng. Tư liệu của tòa án về tranh chấp chi phí vận chuyển sách giữa Lyons và Frankfurt cho biết: “hai thùng sách bao gồm 10 centner [500 kg]; người đánh xe nhận được 1,5 florin cho mỗi centner với một chuyến đi dài khoảng 700 km, tổng cộng kiếm được 15 florin”. Ở hiện tại, số tiền này tương đương khoảng 200-300 euro cước vận chuyển.
Việc đóng hàng sơ sài chắc chắn dẫn tới những lời phàn nàn về việc nước mưa đã thấm vào các thùng vận chuyển hoặc thùng tô-nô và làm ướt sách. “Vào thế kỷ XVI, hầu hết sách được vận chuyển chỉ được đóng tạm. Việc đóng sách ở điểm bán còn rẻ hơn cước vận chuyển tính theo trọng lượng với sách đã được hoàn thiện. Cần phải lưu ý rằng bìa của các cuốn sách dày, có giá trị thường được làm từ loại gỗ chắc và nặng”.
Cũng có những nguy cơ tốn kém khác cần phải cân nhắc khi kinh doanh sách. Ngay cả lời đảm bảo an toàn của hoàng gia không phải lúc nào cũng đem tới sự bảo vệ cần thiết. Như bức thư ngày 20/12/1504 của Koberger có đề cập: “... một số thùng hàng của tôi đã bị chặt thành từng mảnh dưới sự bảo hộ của quý tộc địa phương, chỉ cách thành phố này hơn 3 km, khi tôi nghĩ rằng chúng đã khá an toàn”.