Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Trung Quốc, Ấn Độ quản lý thị trường vàng thế nào?

Tại Trung Quốc, Ấn Độ và các thị trường vàng châu Á khác như Thái Lan, Singapore và Malaysia... đều đã có những quy định rõ ràng về giá giao dịch và thuế suất với vàng.

gia vang anh 1

Thị trường vàng Trung Quốc được coi là chuyên nghiệp nhất thế giới khi đã mở cửa cho các ngân hàng, doanh nghiệp vốn Nhà nước tới tư nhân được phép mua vàng nguyên liệu của thế giới về sản xuất thành sản phẩm mang thương hiệu riêng.

Quy hoạch tập trung trên sàn vàng Thượng Hải

Chênh lệch giữa giá vàng Trung Quốc và giá vàng thế giới là có. Nhưng ngân hàng trung ương nước này có quy định biên độ chênh lệch rõ ràng.

Cụ thể, sàn vàng Thượng Hải hiện là trung tâm giao dịch vàng lớn nhất của Trung Quốc. Đây là sàn vàng vật chất giao ngay và là pháp nhân độc lập do Nhà nước đầu tư 100% vốn. HĐQT của sàn vàng này sẽ do ngân hàng trung ương Trung Quốc tiến cử và các vị trí chủ chốt cũng sẽ do cơ quan này bổ nhiệm.

Sản phẩm được phép giao dịch trên sàn vàng Thượng Hải là vàng miếng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thông qua cơ chế khớp lệnh tập trung, giá cả sẽ do cung cầu thị trường quyết định.

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Trung Quốc sẽ được định giá bán vàng trên cơ sở giá sàn vàng Thượng Hải công bố mỗi ngày cộng thêm biên độ tối đa 15%. Thực tế, để tranh giành thị phần, các doanh nghiệp bán vàng tại Trung Quốc thường cố gắng đưa ra giá bán hấp dẫn, thấp hơn nhiều so với mức trần cộng thêm 15%.

Sàn vàng Thượng Hải ra đời cũng đánh dấu việc chính phủ Trung Quốc chấm dứt cơ chế độc quyền đối với thị trường vàng.

gia vang anh 2

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Trung Quốc sẽ được định giá bán trên cơ sở giá sàn vàng Thượng Hải công bố mỗi ngày cộng thêm tối đa 15%. Ảnh: SCMP.

Hiện ngoài nhà đầu tư chuyên nghiệp là các quỹ thì các cá nhân cũng được giao dịch trên sàn vàng này. Nhưng quy định, nhà đầu tư cá nhân chỉ được phép giao dịch trong giới hạn số dư tài khoản tiền hoặc vàng của họ. Tức là ngân hàng không được phép cho nhà đầu tư vay để đầu tư vượt quá số tiền hoặc vàng họ đang nắm giữ.

Đổi chính sách liên tục, rốt ráo thanh tra thị trường

Với Ấn Độ, chính phủ nước này đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến vàng nhằm duy trì thị trường ổn định. Ấn Độ đã trải qua 2 xu hướng chính sách. Trước năm 1990, nhà quản lý kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng và sau năm 1990 thì nới lỏng.

Trước năm 1990, Ấn Độ đã thu hồi tất cả khoản vay bằng vàng, cấm giao dịch bằng vàng, quy định các cá nhân chỉ được giữ vàng trang sức và ngân hàng trung ương Ấn Độ giữ thế độc quyền trong việc xuất, nhập khẩu vàng…

Song chính sách này bộc lộ nhiều hạn chế. Để khắc phục bất cập, vào năm 1990, Ấn Độ đã coi vàng như một loại ngoại tệ và áp dụng các giải pháp huy động vàng trong dân.

Ngân hàng trung ương nước này phát hành trái phiếu vàng và cứ đến hạn thanh toán người mua sẽ được hoàn trả bằng vàng thỏi cộng thêm với một khoản tiền lãi. Loại trái phiếu này giúp Ấn Độ hút được 41 tấn vàng trong dân chúng.

Tiếp sau, cơ chế huy động tiền gửi bằng vàng được quốc gia này áp dụng. Mục tiêu nhằm giảm lượng vàng nhập khẩu, đưa vàng nắm giữ tư nhân vào sử dụng và tạo cơ hội cho dân chúng có thu nhập từ lượng vàng đang nắm giữ.

Các ngân hàng được trao quyền sẽ thực hiện cơ chế huy động tiền nhưng phải dựa trên khung pháp lý của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI). Tuy nhiên, hiệu quả của giải pháp này không cao.

gia vang anh 3

Chính phủ Ấn Độ đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến vàng nhằm duy trì thị trường giao dịch ổn định. Ảnh: Financial Times.

Từ đó đến nay, quốc gia này liên tục thực hiện các biện pháp huy động vàng nhàn rỗi trong dân cư thông qua các hình thức gửi vàng lấy lãi, đưa vàng như một sản phẩm hàng hóa vào Sở Giao dịch hàng hóa Ấn Độ, ra mắt Quỹ giao dịch vàng (ETF)...

Tuy vậy, trong bối cảnh giá vàng thế giới biến động mạnh như năm 2023, thị trường vàng của Ấn Độ lại ghi nhận tình trạng lừa đảo gia tăng.

Lực lượng điều tra an ninh mạng của Ấn Độ trong 2 năm qua đã phát hiện nhiều trường hợp lừa đảo người dân đầu tư vào các trang web giao dịch vàng trực tuyến. Trong quá trình điều tra, nhà chức trách đã lần ra dấu vết của tổng số tiền giao dịch tới 375 triệu USD.

Ngoài lừa đảo, buôn lậu vàng cũng đang là vấn đề nhức nhối tại quốc gia này. Thống kê 10 tháng đầu năm 2023, các vụ buôn lậu vàng ở Ấn Độ tăng hơn 20% so với cùng kỳ, với gần 4.800 vụ. Lực lượng thực thi pháp luật nước này đã thu giữ gần 4 tấn vàng nhập lậu.

Minh bạch giá bán, thuế suất với vàng

Ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, nhiều quốc gia châu Á như Thái Lan, Singapore hay Malaysia cũng đang nỗ lực trong công tác quản lý thị trường vàng.

Thái Lan hiện có 12 tập đoàn kinh doanh và xuất nhập khẩu vàng, 60 doanh nghiệp bán buôn và 9.000 cửa hàng bán lẻ. Toàn bộ số này phải đăng ký kinh doanh và chịu sự quản lý của Bộ Thương mại, cơ quan thuế và hải quan Thái Lan.

Giao dịch vàng phi vật chất tại nước này thực hiện dưới hình thức hợp đồng tương lai tại Sở Giao dịch tương lai Thái Lan. Giao dịch xuất nhập khẩu vàng trang sức, vàng miếng tại Thái Lan không phải chịu thuế.

Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Thái Lan quy định các ngân hàng thương mại không được phép kinh doanh, bán vàng mà chỉ được cung cấp dịch vụ thu đổi ngoại tệ cho các công ty kinh doanh, xuất nhập khẩu vàng.

Là điểm trung chuyển cho các giao dịch vàng vật chất trong khu vực ASEAN, Singapore đang có 120 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức và 35 ngân hàng thương mại. Đảo quốc sư tử còn có kho ngoại quan vàng để liên thông với nhà máy luyện vàng tiêu chuẩn phục vụ hoạt động nhập và xuất khẩu.

Hoạt động kinh doanh vàng vật chất tại Singapore sẽ chịu sự quản lý của Bộ Thương mại và Cục Thuế nội địa Singapore. Các giao dịch vàng phi vật chất được quản lý bởi Sàn Giao dịch Chứng khoán Singapore và cơ quan quản lý tiền tệ Singapore.

Tất cả hoạt động kinh doanh vàng vật chất tại Singapore đều chịu thuế 8%, các giao dịch vàng phi vật chất và dịch vụ xuất nhập khẩu được miễn thuế.

Còn tại Malaysia, hoạt động kinh doanh, mua bán vàng vật chất chịu sự quản lý của Bộ Thương mại và Cục thuế trực thuộc Bộ Tài chính.

Hoạt động mua bán vàng phi vật chất được thực hiện dưới hình thức tài khoản đầu tư vàng, tích lũy vàng của các ngân hàng thương mại hàng đầu như Maybank, CMB và Public Bank và vẫn chịu sự kiểm soát của ngân hàng trung ương Malaysia.

Hiện quốc gia này miễn thuế suất, thuế bán hàng và dịch vụ cho khối doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới vô cùng quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.

Tổng giám đốc BIDV: Tham gia bán vàng miếng không vì lợi nhuận

Lãnh đạo BIDV cho biết trước mắt ngân hàng sẽ thiết lập mạng lưới phân phối bán ở các địa bàn chính về kinh doanh vàng, trong đó tập trung triển khai ngay tại TP.HCM và Hà Nội.

Tỷ giá tác động thế nào tới giá vàng, chứng khoán?

Các chuyên gia cho rằng việc tỷ giá tăng mạnh chỉ là vấn đề ngắn hạn và dự kiến tỷ giá sẽ hạ nhiệt từ quý II hoặc quý III năm nay.

Để 4 ngân hàng quốc doanh bán bình ổn, giá vàng miếng SJC sẽ giảm?

Hiện các ngân hàng quốc doanh đang gấp rút lên dự thảo phương án thực hiện việc mua vàng miếng từ NHNN và bán trực tiếp cho người dân hợp lý và hiệu quả nhất. 

Hồng Nhung

Bạn có thể quan tâm