Năm nay, giải Văn xuôi Giải thưởng văn học Hội Nhà văn 2020 được trao cho hồi ký Gánh gánh... gồng gồng... của đạo diễn Xuân Phượng.
“Đó là một cuốn sách ấn tượng, [...] câu chuyện của một con người đã nói lên lịch sử của cả đất nước từ sau khi chúng ta giành được độc lập”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói trên VOV.
Đạo diễn Xuân Phượng. Ảnh: Q.M. |
Theo cách mạng khi mới 16 tuổi
Đạo diễn Xuân Phượng tên thật Nguyễn Thị Xuân Phượng, sinh năm 1929 tại Huế trong một gia đình hoàng tộc. Hồi nhỏ, bà sống cùng gia đình ở Đà Lạt. Cha bà là Thanh tra Học chính kiêm hiệu trưởng trường tiểu học duy nhất tại Đà Lạt khi đó.
Tháng 6/1945, bà quyết định đi theo kháng chiến khi mới 16 tuổi.
Trong thời gian ở chiến khu Việt Bắc cho đến khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, bà đã trải qua nhiều nghề, trước khi chuyển qua học và làm phim tài liệu chiến trường.
Hồi ký Gánh gánh... gồng gồng... được đạo diễn Xuân Phượng viết lại từ cuốn hồi ký Áo dài (viết bằng tiếng Pháp) của bà. Năm 2001, tác phẩm này được nhà xuất bản Plon in ấn và phát hành tại Paris. Sau đó, nó được dịch ra tiếng Anh, tiếng Ba Lan.
Sau 19 năm, đạo diễn Xuân Phượng viết lại tập hồi ký bằng tiếng Việt và xem đó như một món quà tinh thần gửi đến những người thân mến quanh bà.
Cuốn hồi ký được Nhà xuất bản Văn Hóa - Văn Nghệ TP.HCM ấn hành vào tháng 9 và tái bản lần 1 vào đầu tháng 11 với tên gọi Gánh gánh... gồng gồng...
Trong lời mở đầu cuốn sách, đạo diễn Xuân Phượng đã kể lại khoảnh khắc bà rời xa gia đình thân yêu của mình đi theo cách mạng khi mới 16 tuổi và khoảnh khắc gặp lại mẹ mình vào tháng 7/1989 tại sân bay Charles de Gaulle Paris sau 43 năm xa cách. Những cảm xúc của buổi gặp này đã làm cho bà nảy sinh ý định kể lại cuộc đời mình.
Với hơn 300 trang sách, Gánh gánh... gồng gồng... dẫn dắt người đọc vào những cuộc đời của đạo diễn Xuân Phượng qua từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử của đất nước.
Bắt đầu từ một cô bé học tại trường Couvent Des Oiseaux (Nữ tu viện của những loài chim) - ngôi trường do Nam Phương Hoàng hậu tài trợ, đến rời bỏ gia đình thân yêu của mình, bà đi theo cách mạng khi mới 16 tuổi.
Khi từ Huế ra chiến khu Việt Bắc, đạo diễn Xuân Phượng kết hôn với chàng bộ đội pháo binh Tôn Thất Hoàng. Họ có với nhau ba người con trai.
Cũng trong thời gian này, bà hoạt động và kinh qua nhiều nhiệm vụ từ Quân y vụ liên khu 4 đến chế tạo thuốc nổ Nha Nghiên cứu Kỹ thuật Yên Sơn chi nhánh Liên khu 4 thuộc Nha Nghiên cứu Kỹ thuật Bộ Quốc phòng Việt Bắc và làm việc ở tòa soạn báo Công tác thóc gạo.
Năm 1961, bà tốt nghiệp tại trường Y tế Giảng Võ và được cử về làm trưởng phòng khám Nhi khu Y tế Ba Đình, thuộc Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài. Bà làm công tác này cho đến khi làm phiên dịch cho đạo diễn Joris Ivens, sau đó học nghề và trở thành nữ đạo diễn phim tài liệu duy nhất của Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
Từ khi về hưu (năm 1989), đạo diễn Xuân Phượng trở thành một nhà sưu tập tranh tầm cỡ. Bà là chủ sở hữu phòng tranh Lotus (Phòng tranh tư nhân do bà lập ra năm 1991).
Sách Gánh gánh... gồng gồng... Ảnh: Q.M. |
Bước ngoặt trở thành đạo diễn phim tài liệu
Trong cuộc đời mình, đạo diễn Xuân Phượng được chứng kiến rất nhiều sự kiện mang tính bước ngoặt của lịch Việt Nam trong thế kỷ 20.
Bà đã chứng kiến vua Bảo Đại trao ấn kiếm cho đại diện chính quyền cách mạng tại cửa Ngọ Môn vào tháng 9/1945. Bà cũng chứng kiến giới chóp bu chính quyền Việt Nam cộng hòa lầm lũi rời khỏi Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.
Trong Gánh gánh... gồng gồng... đạo diễn Xuân Phượng cũng nhắc lại những kỷ niệm của người phụ nữ bình thường nhưng có những trải nghiệm đáng nhớ như việc bà đã đỡ đẻ, đón đứa trẻ chào đời trong địa đạo Vĩnh Linh năm 1967.
Ca đỡ đẻ này đã trở thành kỷ niệm đáng nhớ nhất của nữ phiên dịch Xuân Phượng khi bà theo phụ việc cho đạo diễn Hà Lan- Joris Ivens.
Trong tác phẩm của mình, nữ đạo diễn còn kể về buổi gặp với đạo diễn người Hà Lan đã mở đầu cho hành trình làm bộ phim Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân, và cũng mở đầu cho bước ngoặt trở thành đạo diễn phim tài liệu của đạo diễn Xuân Phượng.
Chia sẻ về cuốn sách này, NSND, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết: “Bằng giọng kể đơn giản, chân thực, ở bất cứ đoạn nào của cuộc đời chị cũng có sự độ lượng, không oán trách, than vãn mà luôn thể hiện tấm lòng nhân ái, sự trân trọng những con người, những tình cảm đẹp đẽ trong các mối quan hệ với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè mình”.
Còn NSND, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn thì cho rằng; “Có một cảm giác đặc biệt khi đọc Gánh gánh... gồng gồng... là thấy trước mắt không phải là những dòng chữ, mà là lời nói, là hơi thở, là máu và nước mắt của chị đang chảy".