Nguyễn Đình Tư là tác giả của nhiều đầu sách về lịch sử. Ông từng đạt Giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất.
Nhân dịp tái bản bộ sách Loạn 12 sứ quân (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM), nhà nghiên cứu 99 tuổi có buổi giao lưu với bạn đọc tại Đường sách TP.HCM.
Tại buổi giao lưu, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư không chỉ chia sẻ những thông tin về bộ tiểu thuyết lịch sử Loạn 12 sứ quân mà còn nói về bí quyết tự học cùng sách và tình yêu của ông dành cho sử Việt.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Ảnh: QM. |
Nhà nghiên cứu cho biết Loạn 12 sứ quân - tiểu thuyết lịch sử duy nhất trong cuộc đời sáng tác của ông - được viết trong thời điểm ông phải mưu sinh chật vật.
Giữa năm 1978, do điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư phải ra ngoài sửa xe đạp để mưu sinh. Và trong những lúc không có khách sửa xe, ông lại nghĩ đến dự định viết bộ tiểu thuyết Loạn 12 sứ quân mà ông từng ấp ủ nhiều năm trước.
Ông kể lại “Thời buổi khó khăn phải lo mưu sinh nên tôi không còn thời gian đi trung tâm lưu trữ hay thư viện nữa. Hầu hết sách cũ thì cũng đã bán đi lấy tiền mua gạo sống qua ngày. Tôi chỉ còn cách ngồi viết ra và hệ thống lại những tư liệu trong suốt bao nhiêu năm thu thập còn lưu trong trí nhớ”.
Ông cũng cho hay: “Loạn 12 sứ quân là một giai đoạn lịch sử xảy ra cách nay trên một nghìn năm, lại vào thời gian khuyết sử, cho nên khi viết, tôi đã phải cố gắng hết sức để lựa chọn những từ, những chữ thật mộc mạc cho hợp với ngôn ngữ đương thời”.
Chia sẻ về bản thân, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết khi còn nhỏ ông là một cậu học trò hiếu học, dù nhiều lần gián đoạn, nhưng vẫn ý chí, theo đuổi việc học đến cùng. Tự mày mò học hỏi cùng sách là niềm yêu thích cả đời ông.
Ông cũng cho biết mình đam mê sử Việt từ bé. Niềm đam mê ấy xuất phát từ lòng tự hào dân tộc: “Đất nước Việt là một dân tộc tuy ít người, đất hẹp nhưng ý chí quật cường có thể xem là số một”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tại buổi giao lưu và ra mắt sách. Ảnh: QM. |
Cũng tại buổi giao lưu, độc giả đã có dịp tương tác với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư và chia sẻ ý kiến của mình về tiểu thuyết lịch sử ở nước ta, về giải pháp làm sao người trẻ yêu lịch sử dân tộc nhiều hơn…
Bạn Đỗ Xuân Giang, sinh viên khoa Sử, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM đã chia sẻ có một thực tế là từ học sinh bậc phổ thông cho đến sinh viên đại học đều sợ môn Sử.
Lý do sợ là môn Sử chưa hấp dẫn đối với người học. Việc tiếp cận kiến thức chủ yếu qua sách giáo khoa. Người học rất bị động trong việc tiếp cận kiến thức bên ngoài. Một điểm yếu nữa là do chúng ta còn thiếu những bộ tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn…
Độc giả Đỗ Xuân Giang cũng cho rằng bộ tiểu thuyết Loạn 12 sứ quân của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư không kém cạnh gì các bộ tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc.
Nước ta cũng có rất nhiều tiểu thuyết lịch sử hay như: Hưng Đạo Vương của Phan Kế Bính, Đêm hội Long Trì của Nguyễn Huy Tưởng… Những người trẻ nên đọc các tác phẩm này để hun đúc tình yêu với lịch sử dân tộc.
Nhà nghiên cứu, tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã thì đánh giá cao sức làm việc của nhà nhiên cứu Nguyễn Đình Tư trong việc tạo nên tiểu thuyết lịch sử Loạn 12 sứ quân.
Ông Nhã cho rằng tác giả Loạn 12 sứ quân đã khôn khéo trong việc chọn đề tài, xây dựng các tuyến nhân vật và viết có cơ sở. “Tiểu thuyết thì phải hư cấu, nhưng nó có dựa vào những cơ sở mà tôi thấy đáng tin cậy”, ông Nhã nói.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết tiểu thuyết Loạn 12 sứ quân cũng tôn trọng sự thật khách quan của lịch sử. Tuy nhiên, để cho câu chuyện trở nên gần gũi, ông đã văn nghệ hóa lịch sử.
Nghĩa là “khi viết tác phẩm phải xây dựng cái sườn chính là lịch sử. Còn áo và quần mặc cho cái sườn đó có thay đổi, làm như vậy người đọc sẽ không chán”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nói.