Bộ tiểu thuyết lịch sử Loạn 12 sứ quân của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư dựa trên một số sự kiện lịch sử đầu thế kỷ X, khi Ngô Quyền xưng vương, lập nền tự chủ đầu tiên cho nước nhà.
Bộ tiểu thuyết lịch sử Loạn 12 sứ quân mới được NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM tái bản. Ảnh: Quỳnh My. |
Phản ánh giai đoạn lịch sử từ 1.000 năm trước
Loạn 12 sứ quân bắt đầu xảy ra khi Ngô Quyền băng hà (năm 944), Dương Tam Kha cướp ngôi vua của cháu gọi bằng cậu ruột là Ngô Xương Ngập. Triều đình nổi loạn, các thế lực khắp nơi nổi dậy cát cứ.
Nhiều biến loạn, xung đột, tranh chấp xảy ra làm cho chính quyền suy yếu. Sau đó, Ngô Xương Văn, con thứ của Ngô Quyền, lật đổ Dương Tam Kha, đón anh ruột về cùng trị quốc.
Khi anh qua đời, ông ở ngôi đến năm 965 thì mất. Triều đình đại loạn, nhà Ngô suy yếu, con là Xương Xí tự thấy không thể đứng đầu một nước, nên lui về Bình Kiều tự lập làm sứ quân.
Lợi dụng tình trạng đó, các thế lực phong kiến nổi dậy, mỗi người hùng cứ một phương, tranh chấp đánh phá nhau quyết liệt, nhất là từ năm 965 khi chính quyền trung ương tan rã. Đó là loạn 12 sứ quân.
Lãnh địa của mỗi sứ quân bằng khoảng một vài huyện ngày nay. Các sứ quân xây thành đắp lũy, thôn tính lẫn nhau, gây ra biết bao đau khổ cho nhân dân. Việc này đi ngược lại nguyện vọng hòa bình, thống nhất của dân tộc. Nền độc lập vừa giành được đứng trước nguy cơ hiểm nghèo.
Do đó, yêu cầu sống còn của cả dân tộc là phải giữ vững khối đoàn kết toàn dân, đòi hỏi chấm dứt cuộc nổi loạn của12 sứ quân, khôi phục quốc gia thống nhất. Người anh hùng dân tộc giương cao ngọn cờ thống nhất và hoàn thành sứ mệnh lịch sử là Đinh Bộ Lĩnh.
Đinh Bộ Lĩnh người làng Hoa Lư, thông minh, cương nghị, có chí lớn. Lúc đầu, ông liên kết và đứng dưới cờ của sứ quân Trần Lãm. Trần Lãm chết, ông trở thành người cầm đầu lực lượng vũ trang hùng mạnh, lần lượt đánh bại cái sứ quân khác.
Đến năm 967, loạn 12 sứ quân được dập tắt, đất nước thống nhất. Đây là thắng lợi của xu hướng thống nhất quốc gia, thắng lợi của tinh thần dân tộc và ý chí độc lập mạnh mẽ của nhân dân.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. |
Bộ tiểu thuyết viết trên hộc đồ nghề xe đạp
Chia sẻ về quá trình viết bộ tiểu thuyết này, nhà niên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết từ lâu, ông có dự định sẽ viết một số truyện trường thiên lịch sử tiểu thuyết, đề tài rút từ các giai đoạn lịch sử nước nhà.
Ông đam mê sử Việt bởi lý do: “Đất nước Việt là một dân tộc tuy nhỏ, ít người, đất hẹp, ý chí quật cường có thể xem là số một”.
Tuy nhiên, dự định đang ấp ủ, ông đành gác lại, vì thời cuộc và bận viết bộ sách địa phương chí dưới nhan đề Giang sơn Việt Nam.
Giữa năm 1978, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư ra ngoài sửa xe đạp mưu sinh ở tuổi 60. Với nghề mới này, ông có nhiều thời gian thực hiện dự định trước kia của mình. Đề tài ông chọn là Loạn 12 sứ quân.
Không bao giờ là quá trễ để bắt đầu. Ông lại lặn ngụp trong những tài liệu chính sử và lần theo những sách từng đọc, còn ghi chép đơn sơ. Công việc này không dễ giữa lúc khó khăn mưu sinh, không còn thời gian đi thư viện. Hầu hết sách, tư liệu cũ, ông đã bán lấy tiền mua gạo.
Một trong những điểm khó khăn khi tái hiện những gì đã đọc chính là lối dùng ngôn ngữ đúng ngữ cảnh thời xưa nhưng phải dễ hiểu và thuyết phục người đọc thời nay. Sách lịch sử thường khô khan nên thanh niên ít đọc. Ông nghĩ có thể viết thêm phần chi tiết nhiều hơn, thêm phần văn nghệ hóa để sách thu hút bạn đọc.
Loạn 12 sứ quân đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình tư viết trên hộc đồ nghề sửa xe đạp vào thời điểm đó. Ông cho biết tác phẩm phản ánh một giai đoạn lịch sử xảy ra cách nay trên 1.000 năm, lại vào thời gian khuyết sử. Vì thế, ông phải cố gắng hết sức để lựa chọn từ, chữ thật mộc mạc cho hợp ngôn ngữ đương thời.
Với thiện chí góp một viên gạch vào tòa nhà văn hóa dân tộc, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư ước vọng bộ truyện này sẽ có chỗ đứng trên kệ sách của nhiều gia đình.
Loạn 12 sứ quân xuất bản lần đầu năm 1992, do NXB Đồng Nai thực hiện với 6 tập riêng lẻ. Trong lần tái bản này, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM đã tổ chức lại thành 3 quyển, gồm: Tập 1 và 2: Mộng bá tranh hùng - Vọng nguyệt đài; tập 3 và 4: Hoa Lư anh hùng tụ nghĩa - Khói lửa kinh kỳ; tập 5 và 6: Mưu chước thiền sư - Vạn Thắng Vương.