Nhà văn Vũ Hạnh vẫn tự lái xe máy đi giải quyết các công việc. |
Sáng 26/9, chương trình giao lưu cùng nhà văn Vũ Hạnh - “Ngòi bút tỏa sáng tinh thần văn hóa dân tộc” - diễn ra tại Đường sách TP.HCM.
Nhân sự kiện này, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM đã giới thiệu tác phẩm mới nhất của Vũ Hạnh là Người nhà trời và hai tác phẩm vừa được tái bản là Đọc lại truyện Kiều và Bút máu.
Nhà văn Vũ Hạnh được sinh ra trong một gia đình Nho học ở Quảng Nam. Ông tốt nghiệp tú tài năm 19 tuổi, sau đó tham gia hoạt động cách mạng.
Từ năm 1954 đến 1975, trải qua 5 lần bị địch bắt, chịu những đòn tra tấn dã man, nhà văn vẫn bền bỉ đấu tranh bằng ngòi bút trên mặt trận tư tưởng văn hóa.
Năm nay, bước sang tuổi 94, tinh thần của người chiến sĩ cách mạng năm xưa vẫn thường trực trong ông. Nhà văn Vũ Hạnh tự lái xe máy đi giải quyết các công việc và duy trì thói quen sáng tác, cống hiến cho văn học nghệ thuật.
Nhà văn Vũ Hạnh tại buổi giao lưu tổ chức sáng 26/9. Ảnh Q.M. |
Theo chia sẻ của nhà văn Vũ Hạnh, tác phẩm mới nhất Người nhà trời được ông sáng tác trong vòng 3 năm trở lại đây. Tác phẩm đưa độc giả trở về thời Pháp thuộc, có những giang hồ hành động nghĩa hiệp - những người mang danh “Người nhà trời”, “thế thiên hành đạo”, gây khiếp sợ cho các thế lực xấu.
Cách đây hơn 50 năm, nhà văn Vũ Hạnh được nhà văn Mặc Khải (người Vĩnh Long) kể lại cuộc đời của nhiều giang hồ nghĩa hiệp đã ghi dấu ấn ở xã hội miền Nam, dưới thời thuộc Pháp.
Những giang hồ này sinh ra ở vùng đất mới được tổ tiên khai thác trên vài trăm năm, nhưng sớm phải tiếp nhận chế độ trực trị của thực dân Pháp.
Vũ Hạnh đặc biệt chú ý đến một nông dân ở vùng sông nước Cần Thơ. Đây là nguyên mẫu để ông xây dựng nhân vật Tư Bạch, giang hồ nghĩa hiệp, chuyên trừng trị kẻ xấu và có triết lý sống nhân nghĩa.
Lý giải việc chọn hình tượng giang hồ nghĩa hiệp mang danh “Người nhà trời” trong tác phẩm mới nhất, nhà văn Vũ Hạnh cho biết: Bất kỳ ở đâu có sự áp bức, bất công và suy đồi về luật pháp, sẽ nảy sinh những người tự nhận “thế thiên hành đạo” để xử lý.
Về 2 tác phẩm nổi bật của nhà văn Vũ Hạnh vừa được tái bản, tác phẩm Bút máu vẫn giữ nguyên những giá trị đạo đức và thời sự sau hơn 60 năm ra đời.
Nhà văn Triệu Xuân nhận định: “Đây là tập truyện ngắn đặc sắc trong cuộc đời cầm bút của Vũ Hạnh, như tuyên ngôn của tác giả về văn chương nghệ thuật. 12 truyện ngắn toát lên ý chí, nghị lực, lòng nhân ái của một nhà văn dấn thân nhưng luôn tươi rói niềm tin vào cuộc sống, tình người và không bao giờ lẫn lộn, thỏa hiệp giữa chính và tà, nhân nghĩa và phi nhân...”.
Còn với Đọc lại Truyện Kiều, tác giả Vũ Hạnh cùng độc giả “ngẫm” Truyện Kiều, về thế thái nhân tình qua đoạn trường suốt 15 năm lưu lạc của Kiều. Bằng cảm nhận và bút pháp lạ, tác giả đã khéo léo dẫn dắt người đọc đến với câu chuyện của người xưa mà vẫn thấy luôn tươi mới.
Nhà văn Vũ Hạnh cho biết ông đang viết hồi ký Cũng một kiếp người. Tác phẩm này chiêm nghiệm và xâu chuỗi những giai đoạn đáng nhớ và viết về thăng trầm trong cuộc đời mà ông đã trải qua.
Nhà văn Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh ngày 15/7/1926, quê quán xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Sau 30/4/1975, ông là Tổng thư ký Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP.HCM. Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Các tác phẩm đã xuất bản: Tuyển tập Bút máu, Chất Ngọc, Vượt thác, Người chồng thời đại.
Truyện dài: Lửa rừng, cô gái Xà - Niêng, Tính sổ cuộc đời, Con chó hào hùng, Ngôi trường đi xuống.
Tiểu luận, phê bình: Đọc lại truyện Kiều, Tìm hiểu văn nghệ, Cha mẹ bơ vơ, Tuổi trẻ nổi loạn, Người Việt cao quý.