Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dương Tường dịch 'Truyện Kiều' để tri ân tiếng Việt

Là tên tuổi dịch thuật nổi tiếng, chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn chương thế giới, tới khi gần 90 tuổi, Dương Tường dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Anh để tri ân tiếng mẹ đẻ.

Những người yêu văn chương nghệ thuật đã không quản thời tiết nắng gắt, đến dự buổi gặp gỡ với dịch giả Dương Tường diễn ra chiều 18/7 tại Hà Nội.

Không gian Cà phê chiều thứ bảy do nhạc sĩ Dương Thụ chủ trì chật cứng người tới giao lưu, trò chuyện về cuốn Truyện Kiều mà Dương Tường dịch sang tiếng Anh.

Cuốn sách có tên Kiều in Dương Tuong’s version, do Nhã Nam và NXB Thế giới phát hành.

Duong Tuong dich Kieu anh 1

Dịch giả Dương Tường. Ảnh: Nguyễn Hồng.

Vài chục lần tiêm vào mắt vẫn dịch Kiều

Dương Tường là dịch giả gạo cội của văn học Việt. Cần mẫn, miệt mài chuyển ngữ những tác phẩm hay, khó của văn chương thế giới sang tiếng Việt, ông được mệnh danh là “con ngựa thồ văn hóa”, “cây cầu nối” văn học.

Nhiều cuốn sách do ông chuyển ngữ, được bạn đọc yêu thích như: Cuốn theo chiều gió, Đồi gió hú, Anna Karenina, Cái trống thiếc, Kafka bên bờ biển, Lolita, Đi tìm thời gian đã mất, Alexis Zorba, Người dưng, Phố những cửa hiệu u tối

Ông Nhật Anh - Giám đốc Công ty sách Nhã Nam, đơn vị xuất bản nhiều tác phẩm dịch của Dương Tường - nhận định ông được xếp vào đội ngũ những dịch giả gạo cội, tài năng nhất mà lịch sử Việt Nam từng chứng kiến như: Nguyễn Văn Vĩnh, Hoàng Thiếu Sơn, Đỗ Đức Hiểu, Phạm Mạnh Hùng, Cao Xuân Hạo...

Năm 2019, một chương trình được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp với ý nghĩa Dương Tường chia tay dịch thuật. Chương trình ra mắt dịch phẩm Chết chịu hôm ấy được xem là buổi dịch giả 88 tuổi “rửa tay gác kiếm”.

Tuy đã tuyên bố nghỉ, ông vẫn chưa “chết chịu” trước ngôn ngữ, với văn chương. Mới đây, ông công bố bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh.

Duong Tuong dich Kieu anh 2

Một số tác phẩm do Dương Tường dịch.

Nguyên do là hơn hai năm trước, sau hơn nửa thế kỷ dịch thuật, đưa nhiều kiệt tác văn học thế giới về Việt Nam, Dương Tường cảm thấy cuộc đời mình đã được tiếng Việt nuôi dưỡng, được làm nghề, sống với nghề. Ông nghĩ mình phải trả ơn tiếng Việt.

Làngười luôn muốn thử sức ở những tác phẩm khó, Dương Tường bảo ông không muốn “ăn gian” với đời một giây phút nào; sống là còn muốn dịch thuật, cống hiến. Vì vậy, “ông cụ” ngoài 80 tuổi, mắt đã gần lòa, tay run, tai đôi phần nghễnh ngãng, vẫn bắt tay vào thử thách mới: Dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh.

Dương Tường bảo ông ra được bản dịch này là “sự báo hiếu với tiếng mẹ đẻ của chúng ta”.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên kể Dương Tường làm việc cẩn trọng. Dịch xong một đoạn, ông lại gửi cho bạn bè xem. Gửi đi rồi, thấy những từ đúng và trúng hơn, ông tiếp tục sửa.

Với chiếc máy tính nối với màn hình cỡ lớn, Dương Tường chuyển tác phẩm tinh hoa của dân tộc sang tiếng Anh. Trong hai năm ấy, đến vài chục lần, ông phải tiêm trợ thị lực.

“Có những lúc, tôi phải mò mẫm, tưởng phải bỏ cuộc rồi. Có những buổi sáng, tôi dậy mở máy mà không nhận ra nét chữ. Tôi nhắm mắt, định thần lại rồi tự trấn an mình ‘chưa đến lúc tận thế đâu’. Và rồi, tôi mở mắt ra, thật kỳ diệu, lại có thể nhìn được nét chữ”, Dương Tường kể.

"Dịch giả là đồng tác giả"

Khi dịch Kiều, Dương Tường vẫn giữ quan điểm với một bản dịch, dịch giả là đồng tác giả. “Tôi coi một bản dịch lý tưởng là 100% công sức của tác giả và 100% công sức của dịch giả”, Dương Tường nói.

Ví dụ, có tới 3 bản dịch Chinh phụ ngâm khác nhau, bản được biết tới nhiều hơn cả là dịch phẩm của Đoàn Thị Điểm. Làm nên thành công của bản dịch ấy là 100% công sức của Đặng Trần Côn và 100% công sức Đoàn Thị Điểm.

Bản thân Truyện Kiều cũng có nhiều phiên bản, bản dịch khác nhau. Dương Tường kể hồi nhỏ, ông hay được người cô ru ngủ bằng Kiều, nhờ đó mà ông thuộc lòng tác phẩm từ khi tiểu học.

Khi dịch Truyện Kiều, thị lực của Dương Tường không còn tốt, ông chuyển ngữ không theo văn bản nào, mà nương vào trí nhớ của mình, rồi dịch sang tiếng Anh.

Bản ấy do Dương Tường chọn chữ nghĩa để thể hiện, là cách hiểu của ông về Truyện Kiều, cách thể hiện sang tiếng Anh của ông. Do đó, ông lấy tên dịch phẩm là Kiều in Duong Tuong’s version.

Bản dịch cũng thể hiện quan điểm, cách hiểu của người dịch về Truyện Kiều. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, có hơn 100 bản dịch Kiều, hầu hết đều hiểu câu đầu tiên: “Trăm năm trong cõi người ta / Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” ở cặp phạm trù “tài” và “mệnh” tương khắc nhau.

Nhưng, Dương Tường dịch: “Destiny implacably sets upon Talent”, hàm ý tài sắc luôn là nạn nhân của định mệnh. Dương Tường bảo rõ ràng, tác phẩm cho thấy tài sắc luôn chịu sự chi phối của định mệnh. Nếu có gì thay đổi được “mệnh”, đó chính là “đức”, sống có đức để “đức năng thắng số” mà thôi.

Duong Tuong dich Kieu anh 3

Sách Kiều in Duong Tuong's version.

Là người chuyển ngữ Truyện Kiều sang tiếng Nga, dịch giả Vũ Thế Khôi nói dù dịch phẩm của ông được 5 giáo sư Nga khen ngợi, về độ hiểu Kiều, ông tự thấy mình chưa sâu sắc được như Dương Tường.

“Bậc đàn anh có những suy nghĩ, kiến giải về tác phẩm sâu hơn tôi nhiều”, dịch giả Thế Khôi nói.

GS Huệ Chi cho biết không phải Dương Tường mới dịch Kiều trong khoảng 2 năm nay. Trước đây, khi có cuộc tranh luận với một giáo sư Trung Quốc về Truyện Kiều, ông đã viết hai bài để phản bác quan điểm Truyện Kiều chưa thật xuất sắc của vị giáo sư kia.

Dương Tường là người đã giúp ông chuyển ngữ hai tiểu luận ấy sang tiếng Anh, nhằm đưa những nghiên cứu học thuật về Kiều ra thế giới.

Nhà báo Nguyễn Công Khuyến gọi công việc dịch Kiều của Dương Tường và hoàn thiện dịch phẩm ở tuổi 88 là “thách thức với số phận”. Đó không chỉ là thử thách trước tuổi tác, sức khỏe, số mệnh, mà còn là thử thách với chính sự nghiệp dịch của Dương Tường.

Đường thuận chiều của Dương Tường hơn nửa thế kỷ qua là dịch tiếng Anh sang tiếng Việt. Còn ở đây, với bản dịch Kiều, ông chọn từ tiếng Việt dịch sang tiếng Anh. Dương Tường, sau bao năm lãng du, đã trở về nguồn, trở về tiếng mẹ đẻ, từ đó đưa tác phẩm tinh hoa của dân tộc giới thiệu tới bạn bè quốc tế.

"Dương Tường - người lãng du trở về nguồn"

Trong không gian Cà phê chiều thứ bảy, Hà Nội đang trưng bày các bức ảnh chụp Dương Tường của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán với chủ đề Dương Tường - người lãng du trở về nguồn. Ở đó, người xem được thấy những khoảnh khắc Dương Tường bên bạn bè, người thân.

Nhiều văn nghệ sĩ xuất hiện trong các bức ảnh như nhà thơ Trần Dần, nhà giáo Phạm Toàn, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, họa sĩ Bùi Xuân Phái, họa sĩ Lưu Công Nhân...

Gần 90 tuổi vẫn dịch Kiều, người dịch trẻ đang ở đâu?

Ở tuổi 86, Dương Tường toan "rửa tay gác kiếm", nhưng ông tiếp tục thử thách bản thân mình khi dịch kiệt tác văn học nước nhà sang tiếng Anh.

Tần Tần

Bạn có thể quan tâm