Trạng nguyên Nguyễn Trực (1417-1474) người xã Bối Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội, nổi tiếng là người mê đọc sách. Lúc bé, ông được người đời khen ngợi là thông minh, đọc nhiều sách.
Năm 12 tuổi, Nguyễn Trực đã giỏi làm văn, 18 tuổi đỗ đầu thi Hương ở Sơn Tây. Đến năm 26 tuổi, ông đỗ đầu khoa thi năm 1442, trở thành trạng nguyên khai khoa của nhà Lê.
Sách Nhân vật chí trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú viết: Khi đi sứ Trung Quốc, gặp khoa thi, ông là bồi thần cũng xin thi, nhà Minh cho đỗ trạng, nên đời bấy giờ gọi là “lưỡng quốc trạng nguyên”.
Tuy nhiên, về chuyện này, Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục nói rằng đó chỉ là giai thoại, do vua Lê Thánh Tông yêu quý Nguyễn Trực mà đặt ra thôi.
Nguyễn Trực làm quan đến chức thừa chỉ viện Hàn lâm, kiêm Tế tửu Quốc tử giám, nhưng coi rẻ công danh, nhiều lần xin về mà nhà vua không cho.
Đại học sĩ Thân Nhân Trung khen ông rằng: “Lấy văn chương được các triều tri ngộ mà khiêm tốn kính cẩn giữ vẹn sau trước”.
Lê Quý Đôn (1726-1784), quê ở làng Diên Hà, huyện Diên Hà (nay là Hưng Hà, Thái Bình) cũng được ca tụng là người cả đời mê đọc sách.
Sách Nhân vật chí viết: “Ông tư chất khác đời, thông minh hơn người mà giữ tính nết thuần hậu, lại chăm học không biết mỏi. Tuy đỗ đạt vinh hiển, tay vẫn không rời quyển sách”.
Lê Quý Đôn là người "tuy đỗ đạt vinh hiển, tay vẫn không rời quyển sách”. |
Phan Huy Chú còn cho biết mới lên hai tuổi, Lê Quý Đôn đã biết phân biệt hai chữ “chi, vô”, thử hàng trăm lần không sai. Năm lên 5 tuổi, ông đã học Kinh Thi, đọc được 10 dòng một lúc.
Năm 12 tuổi, Lê Quý Đôn học khắp kinh, truyện, các sử, sách của bách gia chư tử, không sách nào là không thông suốt. Năm 16 tuổi, ông thi một lần đỗ giải nguyên; năm 29 tuổi đỗ nhất giáp tiến sĩ (năm ấy không có trạng nguyên nên ông tuy là bảng nhãn mà thành ra đứng đầu). Như vậy, từ thi Hương đến thi Đình, ông đều đứng đầu.
“Bình sinh làm sách rất nhiều. Bàn về kinh sử thì sâu sắc, rộng rãi, mà nói về điển cố thì đầy đủ rõ ràng. Cái sở trường của ông vượt hơn cả, nổi tiếng ở trên đời. Văn thơ ông làm ra gọi là Quế Đường tập có mấy quyển”, Phan Huy Chú tổng kết về tài năng của Lê Quý Đôn.
Nhân vật chí cũng cho biết một danh sĩ cuối triều Lê mạt rất mê đọc sách là Nguyễn Huy Cẩn (1729-1790). Ông người làng Phú Thụy, Gia Lâm, Hà Nội.
Từ lúc còn trẻ, ông đã nổi tiếng là người ham sách, học vấn sâu rộng, từng thi đỗ khoa Hoành từ. Năm 1760, ông 32 tuổi, thi đỗ Hội nguyên. Khi vào thi Đình, bài văn của ông đáng được vào tam khôi, nhưng vì “thất cách”, nên cho đỗ đồng tiến sĩ.
Sau khi thi đỗ, Nguyễn Huy Cẩn không thích làm quan mà cố xin về quê, một mình một nhà đọc sách kinh sử làm vui, ít giao thiệp với đời. Lúc thường, ông lặng yên đọc sách, khi thấy ý hay thì đứng dậy đi quanh thềm ngâm nga, như có điều đắc ý.
Cha ông là học sĩ Nguyễn Huy Dận. Sau khi về hưu, mỗi khi ông đến thăm, hai cha con cùng nhau giảng bàn, xướng họa.
Đời bấy giờ tôn trọng danh tiết của Nguyễn Huy Cẩn. Chúa Trịnh nhiều lần có chỉ triệu, ông đều không đến.