Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủy phi cơ Việt Nam đưa thợ lặn tinh nhuệ ra biển

Tính đến 12h00 ngày 10/3, Việt Nam sử dụng 8 máy bay, 8 tàu các loại để tìm kiếm cứu nạn máy bay của Malaysia bị mất tích. Công tác tìm kiếm mở rộng phạm vi về hướng Tây Bắc.

  • Rạng sáng 10/3, máy bay hải quân tiếp tục tìm kiếm và xác minh vật thể lạ, đưa thêm tàu hải quân HQ 888, mang theo đội thợ lặn đến khu vực nghi máy bay mất tích.

  • Đêm 9/3, các cán bộ trực ban văn phòng chỉ huy tìm kiếm cứu nạn quốc gia làm việc suốt đêm để nắm thông tin chiếc máy bay của Malaysia mất tích. Ảnh: Lê Hiếu.

  • Sáng 10/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu và đại diện Bộ Quốc phòng vào Phú Quốc để chuẩn bị việc lập sở chỉ huy tiền phương.

  • Trước đó, đêm 9/3, mọi chú ý của dư luận cũng như các mũi tìm kiếm tập trung vào một vật thể nghi là miếng ốp cửa máy bay mất tích.
  • Tuy nhiên, Cục trưởng Cục hàng không Malaysia xác nhận, vật thể lạ nghi là cửa thoát hiểm máy bay, nổi cách đảo Thổ Chu 100km không phải của Boeing 777-200 mất tích, theo Malaysian Insider.

  •  

    5 giờ 30 sáng 10/3, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 khẳng định chưa tìm được vật gì  trên biển.  Ông Phạm Hiển, Giám đốc Trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 cho biết 2 tàu của Trung tâm đã tới khu vực được cảnh báo và nỗ lực tìm kiếm suốt đêm nhưng đến thời điểm này cũng chưa phát hiện được gì nghi vấn. Thông tin từ các tàu khác báo về cũng vậy. Hiện các tàu vẫn chia nhau các khu vực tiếp tục tìm kiếm. Theo Báo Giao Thông.

     

  • 6 giờ sáng nay, 10/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu và Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng đã bay chuyến bay sớm nhất từ Hà Nội vào Phú Quốc để lập sở chỉ huy trực tiếp cuộc tìm kiếm ngay tại hòn đảo này.

  • Lực lượng đặc nhiệm an ninh hàng không được tăng cường tại cổng vào quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Tuổi Trẻ.

     

  • Cũng trong sáng sớm nay, Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho biết: “Sáng nay (10/3), sẽ cho thủy phi cơ DHC6 bay ra khu vực nghi có cửa thoát hiểm máy bay, đồng thời chuẩn bị các phương án triển khai sở chỉ huy ở đảo Phú Quốc để tạo thuận lợi cho công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn chiếc máy bay mất tích. Phía Việt Nam cũng đang xem xét cấp phép cho 2 tàu của Trung Quốc và 1 tàu của Mỹ tham gia công tác tìm kiếm. Căn cứ vào các dấu hiệu của vật thể lạ và hướng gió, các lực lượng sẽ mở rộng khu vực tìm kiếm về phía Tây đảo Thổ Chu”. Thông báo qua điện thoại của phóng viên Lê Tú.

  • Trong sáng hôm nay, các lực lượng tăng cường sẽ rà soát kỹ hơn nữa vùng biển được khoanh vùng. Các tàu biển được điều động sẽ cố gắng tìm kiếm và vớt được các vật trôi nổi trên biển tối qua đã được trực thăng quân đội chụp ảnh.

  • Tính đến 23h ngày 9/3, Việt Nam đã sử dụng 7 máy bay (3 AN 26, 2 Mi 171, 1 DHC6, 1 CASA 212), bay 16 lần chuyến; điều 8 tàu các loại (SAR 413, SAR 272, CSB 2001, CSB 2003, HQ 954, HQ 637, KN 774, HQ 888) tham gia tìm kiếm tại hiện trường. Phóng viên Mạnh Thắng thông tin.

     

  • Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo: Tổ chức tìm kiếm cứu nạn 24/24 giờ. Mở rộng phạm vi tìm kiếm. Cho phép lực lượng, phương tiện nước ngoài vào tham gia tìm kiếm.

  • Nghệ sĩ Ấn Độ Sudersan Pattnaik vừa hoàn thành bức điêu khắc trên cát ở bãi biển Puri nhằm nguyện cầu cho 239 người trên máy bay mất tích của Malaysia Airlines. Ảnh: AFP.

  • 7h40, theo thông tin tại Sở chỉ huy tại Trung tâm hiệp đồng cứu trợ (Cục hàng không Việt Nam), đã có 5 tàu cứu nạn của Việt Nam tiếp cận vị trí phát hiện vật thể nghi là cửa sổ và thanh ngang đuôi máy bay mất tích. Tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin về việc tìm thấy những vật thể khả nghi, phóng viên Lê Tú cho biết.

  •  

    Sáng nay (10/3), Đại tá Trần Văn Quang - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 917, Sư đoàn 370 - Không quân Việt Nam, cho biết trực thăng Mi171 số hiệu 04 sẽ đi tìm kiếm tại vị trí xác định có vật thể lạ nghi là cửa máy bay mất tích. Riêng Mi171 mang số hiệu 02 sẽ bay hướng tìm kiếm ở đảo Phú Quốc và khu vực đảoThổ Chu. PV Đình Đình đang có mặt trên chiếc Mi171-04 cùng lực lượng cứu hộ đi vào vùng biển nghi vấn.

     

  • Tổng hợp phương tiện tìm kiếm cứu nạn dự kiến ngày 10/3. PV: Mạnh Thắng.

     

  • Trao đổi qua điện thoại với PV Đình Đình, Chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát, Chính uỷ Hải quân Vùng 5, thông tin: "Vẫn đang tích cực tìm kiếm nhưng chưa có thông tin gì mới. Sáng 10/3 chiếc thuỷ phi cơ của Quân chủng Không quân tiếp tục bay ra biển. Riêng 2 tàu của Hải quân Vùng 5 vẫn đang ở khu vực nghi phát hiện vết dầu loang để lấy mẫu xác định. Hôm nay, các máy bay vẫn tiếp tục tìm kiếm tại khu vực phát hiện vật thể màu vàng và khu vực nghi có vết dầu loang". Ảnh: Đình Đình

  • Sơ lược hiệu quả tìm kiếm ngày 9/3:

    - 8h50:  máy bay AN 26 số hiệu 286 đã phát hiện vết dầu loang kích thước 10 x 80 km theo hướng Bắc Nam tại tọa độ 07o27'41" N - 102o58'58" E, cách vị trí ban đầu khoảng 80 km về hướng Tây Nam. Nhận định phù hợp với hướng gió trôi dạt.

    - 14h43: tại tọa độ 08o21’36”N - 103o13’30”E (cách Nam Tây Nam Thổ Chu khoảng 58 hải lý), máy bay C130 của Singapore phát hiện vật thể lạ. Tàu CSB 2003 ở vị trí gần đó đã cơ động đến xác minh.

    - 18h15: thủy phi cơ DHC6 đã phát hiện vật thể màu trắng hình chữ nhật, có lỗ tròn ở giữa tại 08o47'32"N - 103o22'26"E (cách Nam đảo thổ Chu/Kiên Giang khoảng 30 hải lý). Tàu KN 774 đến vị trí để xác minh.

    - Ngoài ra tàu HQ 888 (tàu nghiên cứu biển có trang bị máy quét đa tia và đo đa tia không gian 3 chiều) về Cam Ranh bổ sung nhiên liệu, và đón đội thợ lặn đi thực hiện nhiệm vụ.

  • PV Đình Đình thông tin: "Đại tá Lê Văn Minh, Chỉ huy trưởng Cảnh sát biển Vùng 4, cho biết từ tối qua (9/3) lực lượng vẫn tiếp tục tìm kiếm nhưng vẫn chưa phát hiện được gì. Sáng nay (10/3) sẽ tăng cường thêm một tàu của cảnh sát biển di chuyển đến khu vực phát hiện vật thể lạ và mở rộng khu vực tìm kiếm. Sẽ tìm bằng được mới thôi".

  • 8h sáng 10/3, Văn phòng Uỷ Ban quốc gia tìm kiếm họp chiến lược bàn phương án và mở rộng tìm kiếm, đồng thời bàn bạc về việc phân quyền cho tàu cứu hộ các nước bạn. Ảnh: Lê Tú.

     

  • Trong khi đó, tại Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không (Gia Lâm, Hà Nội), suốt đêm các nhân viên vẫn túc trực thông tin từ nhiều nguồn. Ảnh: Lê Hiếu.

  • Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu Trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm việc và chỉ đạo tại Trung tâm điều hành tìm kiếm cứu nạn vào sáng sớm nay 10/3. Ảnh: Mạnh Thắng.

  • Tiến hành dự kiến phân khu vực tìm kiếm tại Việt Nam và các nước bạn, trong đó tập trung tìm kiếm tại khu vực phía Nam đảo Thổ Chu (Kiên Giang). Ảnh: Lê Tú.

  • PV Lê Tú cho biết: Tại cuộc họp Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho biết Việt Nam là nước chủ nhà trong việc tìm kiếm máy bay bị mất tích nên phải giữ vai trò chủ đạo trong công tác tìm kiếm. Trong khu vực lãnh hải của Việt Nam cần tăng cường lực lượng tìm kiếm 24/24h.

  • "Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu Trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, quyết định máy bay của Việt Nam tham gia tìm kiếm sẽ bay từ độ cao 1.500m đổ xuống, còn máy bay của các nước tham gia tìm kiếm sẽ bay từ độ 1.500m trở lên", PV Mạnh Thắng cho biết. Ảnh: Mạnh Thắng.

     

  • Uỷ ban Quốc Gia tìm kiếm cứu nạn đã thông báo khẩn về vụ việc cho các tàu cá và ngư dân trong khu vực nghi có máy bay mất tích và đề nghị khi phát hiện máy bay rơi hoặc dấu hiệu bất thường, khả nghi cần báo cáo ngay về các đơn vị chức.

  • Hình ảnh các tàu cá hoạt động quanh khu vực nghi máy bay của Malaysia mất tích. Ảnh: Lê Tú.

  • Dự kiến ít phút nữa máy bay của Singapore sẽ tới khu vực tìm kiếm trong khu vực kiểm soát bay (FIR) của Việt Nam. Phía Việt Nam, máy bay Mi-171 đã cất cánh từ Cà Mau ra Phú Quốc, sau đó sẽ từ đây ra vị trí tìm kiếm. Lúc 8h19, thủy phi cơ HDC 6 đã rời Phú Quốc và đang trên đường tới khu vực tìm kiếm. Theo: Tiền Phong.

  • 8h30 sáng nay (10/3), Australia điều thêm một máy bay tuần tra biển đến hỗ trợ công tác tìm kiếm. Đêm qua, máy bay AP-3C Orion của Australia cũng đã tham gia công tác truy dấu phi cơ Boeing 777 mất tích, theo AP. Ảnh minh họa: Wikipedia.

     

  • 0h đêm qua (9/3), tàu của Việt Nam đã tiếp cận khu vực được trực thăng báo nhìn thấy miếng composit và thanh bằng ngang được cho là của máy bay lâm nạn. Tuy nhiên, thuỷ thủ đoàn chưa tìm thấy vật gì tương tự. Cũng trong đêm qua, kênh CNN của Mỹ nhận định vật được chụp ảnh không phải các mảnh vỡ từ máy bay. Theo: Giao Thông Vận Tải.

  • UBND tỉnh Kiên Giang sẽ họp với sở chỉ huy tiền phương công tác cứu hộ chiếc máy bay bị mất tích và các cơ quan liên quan trong chiều 10/3. Vào 6h sáng nay, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu và Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng đã bay chuyến sớm nhất từ Hà Nội vào Phú Quốc. PV Trường Nguyên đang có mặt tại Phú Quốc để cập nhật những thông tin và hình ảnh mới nhất.

  • Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, thời tiết ở vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang trong ngày và đêm 10/3 không mưa, tầm nhìn xa trên 10km, gió đông cấp 3 - 4.


  • Hình ảnh máy bay tại khu vực nghi chiếc Boeing 777-200 của Malaysia mất tích được Flight radar 24 ghi lại vào sáng 9h sáng nay 10/3. Ứng dụng ghi nhận vị trí các phương tiện bay theo thời gian thực.

  • Vào 7h10 ngày 10/3, chiếc trực thăng Mi 171 mang số hiệu 02, do cơ trưởng, đại tá Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 917 (Sư 370 Không quân Việt Nam), đã cất cánh từ Sân bay Cà Mau đến Sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) làm nhiệm vụ truy tìm máy bay mất tích.

    Lúc 9h, chiếc máy bay Mi 171 mang số hiệu 04 đang sẵn sàng cất cánh làm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ. Lãnh đạo Sư 370 Không quân Việt Nam đang duy trì trực chiến tại Sân bay Cà Mau để cơ động đến khu vực vùng biển giáp ranh Việt Nam - Malaysia nghi chiếc máy bay Malaysia mất tích vào rạng sáng ngày 8/3. Theo: Tiền Phong.

  • Trong đêm qua, 7 tàu cứu hộ của Việt Nam hoạt động nhưng vẫn chưa phát hiện được dấu hiệu gì và cũng chưa tiếp cận được vật thể trôi nổi nghi là cửa máy bay mất tích. Ảnh: Nguyễn Vũ.

  • PV Mạnh Thắng cho biết: Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng  đồng ý và quyết định tàu cứu hộ SAR 413 trở thành Trung tâm chỉ huy, bốt chỉ huy và chốt thường trực tại khu vực nghi vấn; đồng thời yêu cầu tàu này được đảm bảo cung cấp nhiên liệu và nhu yếu phẩm để hoạt động liên tục 24/24 cho đến khi kết thúc nhiệm vụ.


  • Từ Cà Mau, PV Đình Đình gọi điện: "Chuẩn đô đốc Doãn Văn Sở - Tư lệnh Vùng 5 Hải quân - thông tin Hải quân vùng 5 đã chuẩn bị 6 tàu được trang bị đầy đủ thiết bị, phương tiện máy móc, lương thực thực phẩm để hoạt động dài ngày trên biển và tất cả đều sẵn sàng xuất phát để phối hợp và mở rộng phạm vi tìm kiếm máy bay bị mất tích".

  • "Đến nay, các tàu vẫn chưa thể tiếp cận vật thể lạ nghi cửa ốp máy bay được phát hiện vào chiều qua (9/3). Từ 6h sáng 10/3, các lực lượng tìm kiếm đã tăng cường rà soát kỹ vùng biển được khoanh vùng. Các tàu biển được điều động sẽ cố gắng tìm kiếm và vớt vật trôi nổi trên biển tối qua đã được trực thăng phát hiện và ghi lại hình ảnh là một tấm hình chữ nhật có lỗ ô vuông ở giữa nghi là cửa thoát hiểm của tàu bay" PV Nguyễn Vũ cho biết.
  • Theo Trung tâm Hiệp đồng điều hành bay (Công ty TNHH kỹ thuật quản lý bay, Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam), vào 0h đêm 10/3, tàu của Việt Nam đã tiếp cận được khu vực mà trực thăng báo nhìn thấy miếng composite và thanh bằng ngang được cho là của máy bay Boing777-200 của Malaysia mất tích. Nhưng do trời tối nên thuỷ thủ đoàn chưa tìm thấy vật gì tương tự.

  • PV Nguyễn Vũ cho hay: Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không (Hà Nội) cho biết, 7h sáng nay (10/3), có 4 chiếc máy bay cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất và Phú Quốc ra vị trí nghi là mảnh vỡ của máy bay Malaysia chở 239 người mất tích.

    Việt Nam chuẩn bị 6 máy bay sẵn sàng cho việc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích. Trong 6 máy bay có 4 máy bay cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất và Phú Quốc ra vị trí nghi là mảnh vỡ của máy bay Malaysia, 2 máy bay còn lại để dự phòng. Trong 4 máy bay tham gia tìm kiếm có 2 máy bay AN26, 1 trực thăng, 1 thủy phi cơ. 2 máy bay dự phòng sẽ triển khai khi có lệnh gồm 1 máy bay Mi, 1 Supre. Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không dự kiến sau 30 phút cất cánh máy bay sẽ đến được tọa độ 08 độ 47''32' N - 103 độ 22''26' - nơi có vật thể lạ nghi là xác của máy bay Malaysia mất tích khi chở 239 người.

  • "9h30 sáng nay, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho biết. "Đến thời điểm hiện tại phía Việt Nam huy động 10 máy bay các loại cùng 7 tàu hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư. Thời gian tới sẽ điều thêm tàu mang chức năng khác nhau như rađa, thủy âm đế để tham gia cứu hộ", PV Thái An điện về. Ảnh: Lê Hiếu.


     

  • Cựu đại tá Không quân Nhân dân Việt Nam Nguyễn Thành Trung – từng là cơ trưởng và giáo viên của loại máy bay Boeing 777 nhận định về vụ máy bay mất tích: “Cho đến thời điểm này, có thể thấy chiếc máy bay Boeing 777 của Hãng hàng không Malaysia đã bị tai nạn, chứ không thể có chuyện hạ cánh ở đâu đó. Tôi dự đoán, chắc chắn phải có sự cố gì đó hết sức nguy hiểm và xảy ra đột ngột, khiến phi công không nói được tiếng nào, không có thông báo nào về các trung tâm cả. Bản thân tôi không loại trừ khả năng là máy bay bị nổ trên không trung. Nếu bị nổ, hy vọng sẽ để lại dấu tích giúp quá trình tìm kiếm dễ hơn, vì có các đồ vật, hành lý nổi trên mặt nước”. Theo: Lao Động.

  • "Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho hay: “Việt Nam không phải là chủ nhân máy bay mất tích, nhưng nếu Pháp muốn vào hỗ trợ tìm kiếm và liên quan đến khu vực trách nhiệm của Việt Nam thì ta sẵn sàng tạo điều kiện cho bạn vào tham gia”, PV Mạnh Thắng điện thoại về.

  • PV Mạnh Thắng đang có mặt tại Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia điện về: "Thượng Tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh, chúng ta phải xác định quyết tâm, công tác tổ chức tìm kiếm cứu nạn phải đảm bảo chặt chẽ giữa các đơn vị, các lực lượng và an toàn. Tuyệt đối không để tình trạng đi cứu nạn mà để xảy ra tai nạn. Ví dụ như máy bay và tầu thì phải tính toán kỹ đừng để một chiếc hoạt động thường xuyên từ đầu đến cuối, phải thay nhau liên tục. Đây vừa là nhiệm vụ cấp bách cho việc tìm kiếm cứu nạn máy bay, vừa là cơ hội cho các lực lượng cả cảnh sát biên phòng, cảnh sát biển,hải quân cũng như không quân phối hợp thực hiện đồng bộ trên biển".

  • Theo tin từ Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn Quốc gia, hiện trong số 7 tàu đang hoạt động tìm kiếm trên biển đã có 5 chiếc rà soát quanh khu vực nghi vấn, 2 tàu còn lại đang tiếp tục hải trình hướng tới khu vực này. Ngoài ra, 3 chiếc tàu khác của Mỹ và 2 tàu Trung Quốc cũng đang trên đường tiến vào khu vực tìm kiếm và có khả năng sẽ vào hải phận Việt Nam. Theo: TTXVN.

  • Sáng 10/3, thủy phi cơ DHC6 mang theo một đội thợ lặn tinh nhuệ đã tiếp tục cất cánh ra biển tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích. Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam yêu cầu phải cố gắng lấy được vật thể nghi là mảnh ô cửa máy bay. Theo: Người Lao Động.

  • Ronald Schleede - cựu điều tra viên của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Mỹ - nhận định, lịch sử các vụ tai nạn hàng không kể từ năm 1970 đến nay cho thấy những máy bay mất tích không dấu vết trên biển như chuyến bay MH370 có thể được tìm thấy nhờ các tàu ngầm công nghệ cao.
  • Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, là cơ trưởng trên chuyến bay MH370 của Malaysia mất tích. Ước mơ cả đời của ông là trở thành phi công và Zaharie làm việc cho Malaysia Airlines (MAS) từ năm 1981.

  • "Theo Trung tâm cứu hộ cứu nạn Quốc gia, phương án tìm kiếm dự kiến sẽ mở rộng lên hướng Đông Bắc so với vị trí tìm kiếm ngày 8/3, (hướng mũi Cà Mau). Nếu phương án này được thông qua thì ngay trong chiều nay, máy bay và các phương tiện sẽ được điều động, phối hợp tìm kiếm mở rộng", PV Nguyễn Vũ cập nhật tình hình tìm kiếm máy bay Boeing 777 của Malaysia mất tích.

  • PV Đình Đình thông tin: Lúc 10h30 sáng 10/3, Trung tá Nguyễn Đức Tải - dẫn đường, kiêm phi công chiếc trực thăng mang số hiệu 04 cho biết Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu đã lên trực thăng Mi 171-02 từ sân bay Phú Quốc ra thị sát vùng biển nghi máy bay Malaysia bị mất tích. Trực thăng Mi171 sẽ tìm kiếm tại vùng biển hơn 1 giờ, sau đó đáp xuống sân bay Cà Mau.

    Khi tới Cà Mau, Thứ trưởng Bộ GTVT sẽ thị sát tình hình công tác cứu hộ, tìm kiếm tại đây. Ngoài chiếc Mi 171 số hiệu 02 đang tìm kiếm trên biển, còn có 2 máy bay AN26 mang số hiệu 261 và 286 và máy bay 287 đảm nhận thông tin liên lạc hàng không để bảo đảm an toàn cho các máy bay hoạt động trong vùng tìm kiếm.Ảnh: Đình Đình

     

  • PV Lê Hiếu cho biết: "9h45 sáng 10/3, máy bay CASA số hiệu 212 đã cất cánh từ Gia Lâm (Hà Nội) đi Đà Nẵng. CASA sẽ bay vào Tân Sân Nhất (TP.HCM) để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh". CASA 212 là loại máy bay quân sự do hãng Airbus thiết kế và sản xuất tại nhà máy Airbus ở Tây Ban Nha. Đây là loại máy bay vận tải hạng trung và có thể trang bị vũ khí nhằm tuần tra biên giới, bờ biển.

  • Sina dẫn nguồn tin của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho hay, tàu chiến Mianyang đến khu vực khả nghi lúc 7h30 sáng nay (10/3). Ảnh: China Daily.

  • Trung tướng Vũ Văn Tuấn đề nghị đài truyền hình Trung Quốc chú ý nắm thông tin ở những cơ quan phát ngôn chính thức của Bộ Quốc phòng và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn để truyền tải cho thân nhân những người gặp nạn đúng và không bị nhiễu loạn thông tin.

  • Trả lời đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) sáng nay (10/3), Trung tướng Vũ Văn Tuấn cho biết: “Sáng 10/3, các phi cơ Việt Nam tiếp tục mở rộng khu vực tìm kiếm. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan, hai tàu hải quân Trung Quốc, 1 tàu hải quân Hoa Kỳ, đồng thời ưu tiên tất cả phóng viên báo chí các hãng thông tấn báo chí trong nước, quốc tế (nhất là các phóng viên của Malaysia và Trung Quốc) được lên các phương tiện quân đội tiếp cận hiện trường”. Phóng viên Nguyễn Hoàn thông tin từ trung tâm cứu nạn.

  • “Hiện tàu HQ 627 ở Phú Quốc (Kiên Giang) đang sẵn sàng chở nhiên liệu cho tàu SAR 413, đưa các nhà báo trong nước và quốc tế ra hiện trường khu vực tìm kiếm có vật thể chưa xác định. Tại khu vực tìm kiếm có 3 máy bay AN26, một máy bay trực thăng Mi171, một thủy phi cơ DHC6 cùng 7 tàu đang tìm kiếm thực hiện trên biển”, PV Nguyễn Vũ cho hay.

  • Bom nổ, phi công định hướng sai, thân máy bay nứt có thể là những giả thuyết AP đưa ra để giải thích cho sự mất tích của chiếc Boeing 777-200 của hãng Malaysia Airlines hôm 8/3.

    Những nguyên nhân có thể khiến máy bay Malaysia mất tích

    Bom nổ, phi công định hướng sai, thân máy bay nứt có thể là những nguyên nhân khiến chiếc Boeing 777-200 của hãng Malaysia Airlines mất tích hôm 8/3.

  • Ngày 8/3, trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về thông tin máy bay mang số hiệu MH370 của hãng Hàng không Malaysia đang trên đường từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh bị mất tích, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Chúng tôi quan tâm sâu sắc và chia sẻ nỗi lo của các gia đình và người thân của những hành khách trên chuyến bay. Ngay sau khi nhận được thông tin chuyến bay MH370 của hãng Hàng không Malaysia bị mất tín hiệu, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bên liên quan xác minh thông tin và triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn” , theo thông tin từ website Bộ Ngoại giao.

  • Nhà vua Malaysia hôm nay (10/3) gửi lời chia buồn sâu sắc đến thân nhân những người có mặt trên phi cơ mất tích.
  • Máy bay hải quân Mỹ hạ cánh xuống tàu khu trục USS Pinckney sau chuyến bay tìm kiếm phi cơ mất tích của Malaysia Airlines. Ảnh: AP.

     

  • Khu vực tìm kiếm chiếc Boeing 777 của Malaysia mất tích ở Bãi Đá (Cà Mau) trong sáng 10/3. Ảnh: Mạnh Thắng.
  • 11h45 sáng 10/3, nhân viên Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không (Gia Lâm, Hà Nội) vẫn túc trực chờ tin. Ảnh: Nguyễn Vũ.

     

  • "Theo thông tin từ Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng không vào lúc 11h hôm nay (10/3), đơn vị đang xây dựng phương án mở rộng khu vực tìm kiếm sang hướng Đông Bắc (so với vị trí tìm kiếm ngày 9/3). Dự kiến khu vực tìm kiếm sẽ rộng khoảng 10.000km2, sát hơn về phía mũi Cà Mau. Nếu phương án này được lựa chọn, ngay trong chiều này, các phương tiện máy bay, tàu thủy sẽ được huy động để mở rộng tìm kiếm sang khu vực này. Việc lựa chọn mở rộng tìm kiếm vì tìm kiếm ở khu vực cũ chưa mang lại hiệu quả khả quan. Cũng có thông tin cho biết, có thể sẽ điều thêm máy bay từ phía Bắc vào để tham gia tìm kiếm", theo Công an nhân dân.

  • Cư dân mạng Malaysia chia sẻ hình ảnh các bé mầm non cùng nguyện cầu cho phép màu sẽ đến với 239 người trên phi cơ mất tích. Ảnh: Twitter.

     

  • Từ sở chỉ huy Phú Quốc (Kiên Giang), PV Trường Nguyên điện báo: Hiện nay nhiều PV trong nước và quốc tế đã đổ về Phú Quốc để thông tin về công tác tìm kiếm chiếc máy bay của Malaysia chở 239 hành khách và phi hành đoàn mất tích. Tại Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân, có khoảng 40 PV chờ tháp tùng các tàu cứu hộ ra địa điểm nghi vấn. Lúc 12h ngày 10/3, Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân cho biết hiện chưa có thông tin gì mới về việc tìm kiếm chiếc máy bay, đang chờ thông tin mới nhất từ các tàu cứu hộ chuyển về.

  • 13h chiều nay, 10/3, trực thăng Mi171 sẽ đưa thứ trưởng Phạm Quý Tiêu ra hiện trường tìm kiếm máy bay mất tích.
  • Theo AFP, Malaysia dự kiến chiều 10/3 sẽ hoàn tất phân tích mẫu xét nghiệm về khả năng vệt dầu loang trên biển là từ chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines, chở 239 người từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, bị mất tích sáng 8/3.

    Theo ông Amdan Kurish, Tổng Giám đốc Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia (MMEA), mẫu xét nghiệm được lấy từ vệt dầu loang dài 2km, cách bang Kelantan ở bờ biển phía Đông Malaysia khoảng 185km về phía Bắc. Theo TTXVN.

  • Malaysia Insider dẫn lời Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Malaysia Airlines, Datuk Azharuddin Abdul Rahman, cho hay vẫn chưa thể xác nhận mảnh vỡ được nhìn thấy tại vùng biển Việt Nam là của chiếc máy bay mang số hiệu MH370 mất tích hôm 8/3.
  • "Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam - cho biết hiện đã cho phép 2 tàu Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam tìm kiếm cứu nạn. Đây là 2 tàu quân sự, trên tàu có rất nhiều tàu nhỏ và giàn đỗ trực thăng. Như vậy, 2 tàu này vào hoạt động sẽ có thêm rất nhiều tàu nhỏ và 2 chiếc trực thăng đi kèm", theo Giao thông vận tải.

     

  • Video những hoạt động khẩn trương của Việt Nam trong công tác cứu hộ sáng 10/3. Theo VTV.

     
  • Trao đổi qua điện thoại, ông Phạm Hiển - Giám đốc trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 - cho biết tàu 413 hiện đang ở vị trí toạ độ mà chiều tối 9/3 máy bay phát hiện vật thể nghi là của máy bay Malaysia. Tuy nhiên, ông Hiển nói rằng, từ sáng sớm 10/3 đến 12h trưa khi tiếp cận hiện trường và tìm kiếm khu vực xung quanh đó nhiều hải lý nhưng không phát hiện được vật thể lạ nào nghi vấn từ máy bay Malaysia. Theo Vietnamnet.

     

  • Theo PV Trường Nguyên, hiện nhiều PV các báo đài đang có mặt tại Sở chỉ huy tiền phương tại trạm kiểm soát không lưu sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) chờ họp báo để biết những thông tin mới nhất về công tác cứu hộ máy bay của Malaysia mất tích. Ảnh: Trực thăng MI-171 và thủy phi cơ DHC6 tại sân bay quốc tế Phú Quốc.

     

  • Theo phóng viên TTXVN tại Anh, trong quá trình rà soát toàn bộ giấy tờ được sử dụng trên chuyến bay mất tích MH 370 của hãng hàng không quốc gia Malaysia, Tổ chức cảnh sát quốc tế (Interpol) đã phát hiện một số "hộ chiếu khả nghi" nữa và Interpol tiếp tục kiểm tra.

  • Bức vẽ Ước mơ đầy ý nghĩa của một trẻ em Malaysia trong bối cảnh cả thế giới nín thở chờ tin từ các nước tham gia hoạt động tìm kiếm.

  • 10h20 ngày 10/3, máy bay DHC6 phát hiện tại tọa độ 07 độ 47'30N - 102 độ 57'12E, cách phía Tây Tây Nam đảo Thổ Chu (Kiên Giang) khoảng 96 hải lý) một vật thể hình vuông, màu da cam, nghi là phao, hiện chưa vớt được. PV Lê Hiếu vừa điện về.

  • Đại tá Tô Văn Toản, cán bộ Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn xác định lại toạ độ và chờ tin tức từ các tàu, máy bay đang tìm kiếm Boeing 777. Ảnh: Lê Hiếu.

     

  • "Nhìn từ máy bay tuần thám, vật thể lạ có màu da cam và không có lỗ tròn như vật thể lạ từng phát hiện trong chiều ngày 9/3 mà đã từng bị nghi là cửa sổ máy bay. Đội tìm kiếm trên máy bay tuần thám biển của Cảnh sát biển Việt Nam hiện chưa thể xác định chính xác kích thước của vật thể mới được phát hiện này và đang tìm cách tiếp cận", PV Nguyễn Vũ cập nhật.

  • Theo BBC, hiện 40 tàu và 34 máy bay của 9 quốc gia tham gia hoạt động truy dấu máy bay mất tích của Malaysia Airlines. BBC dẫn lời William Marks, chỉ huy Hạm đội 7, hải quân Mỹ, cho hay công cuộc tìm kiếm đang rất khó khăn bởi phạm vi quá rộng, trải dài hàng trăm km.

  • Vật thể lạ màu vàng nghi là phao cứu hộ vừa được phát hiện.

Nhóm PV

Bạn có thể quan tâm