-
11h24 ngày 10/3, trong vùng tìm kiếm, có 2 máy bay trực thăng cùng tham gia với lực lượng của Việt Nam (1 chiếc của Singapore, 1 chiếc của Malaysia). Trong tầm quan sát, Việt Nam vẫn chưa phát hiện được tàu nước ngoài nào vào khu vực này.
-
Tính đến 12h00 ngày 10/3, Việt Nam sử dụng 8 máy bay (AN 26: 3; Mi 171: 3, CASA: 2; DHC6: 1); 8 tàu các loại (SAR 413, SAR 272, CSB 2001, CSB 2003, HQ 954, HQ 637, KN 774, HQ 888) để tìm kiếm cứu nạn máy bay MH 370 của Malaysia bị mất tích. Công tác tìm kiếm mở rộng phạm vi về hướng Tây Bắc so với khu vực hôm qua 9/3. Các lực lượng tập trung xác minh các thông tin vật thể chưa xác định do máy bay phát hiện.
-
Vật thể lạ màu vàng nghi là phao cứu hộ vừa được phát hiện.
-
Ngay khi phát hiện, tổ bay đã điều khiển máy bay quay lại nhưng không thể tìm thấy. Theo Chuẩn đô đốc Lê Minh Thành, Phó tư lệnh Hải quân, trưởng đoàn công tác, không giống như tìm kiếm trên bộ, tìm kiếm trên biển rất khó khăn, đặc biệt khi vật thể đó quá nhỏ và trôi khá nhanh.
-
Cơ trưởng chuyến bay, ông Steve Strackhouse, chia sẻ: Thoạt đầu nhìn vật thể giống với phao cứu sinh nhưng nhìn kỹ có thể không phải. Thật khó xác định nó là cái gì khi ở độ cao như vậy. Ngoài vật thể lạ màu vàng trên, đoàn công tác còn phát hiện nhiều vật thể khác như những túi nilong nhưng vì quá nhỏ nên không xác định chính xác được.
-
Trong chuyến bay sáng nay, đoàn công tác cũng phát hiện nhiều vết nghi là dầu loang trên biển. Tuy nhiên, cơ trưởng Steve cho biết: Khó có thể là dầu của máy bay bởi diện tích quá lớn, đây có thể một dạng sinh vật nào đó trên biển quy tụ với nhau.
-
Vật thể có hình chữ nhật, ước tính dài 2m, rộng 1,5m, màu vàng, trôi khá nhanh ở gần khu vực nghi có vết dầu loang tại tọa độ: 07 độ 46’ 50’’ E – 102 độ 57’ 18’’ N. Theo: Quân Đội Nhân Dân.
-
Chiếc thủy phi cơ DHC-6, số hiệu VNT-777 của Quân chủng Hải quân Việt Nam tìm kiếm tung tích máy bay Malaysia mất tích. Ảnh: Quân Đội Nhân Dân.
-
-
Trước đó, chiếc thủy phi cơ DHC-6, số hiệu VNT-777 cất cánh từ sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) vào 8h25 tới khu vực có vật thể giống cửa thoát hiểm của máy bay Malaysia mất tích được phát hiện hôm qua. Sau gần một giờ đồng hồ bay xung quanh khu vực nghi vấn, đoàn công tác không tìm thấy.
-
Theo PV Trường Nguyên, hiện nhiều PV các báo đài đang có mặt tại Sở chỉ huy tiền phương tại trạm kiểm soát không lưu sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) chờ họp báo để biết những thông tin mới nhất về công tác cứu hộ máy bay của Malaysia mất tích. Ảnh: Trực thăng MI-171 và thủy phi cơ DHC6 tại sân bay quốc tế Phú Quốc.
-
PV Nguyễn Vũ cho biết: "Máy bay của Singapore thông báo cho Trung tâm quản lý bay đường dài TP.HCM (ACC HCM) về việc Malaysia đề nghị phía Việt Nam cử các phương tiện gần nhất tới khu vực ở tọa độ 08 độ 16'05''N - 102 độ 51'11'' E" vì nghi có vật thể nhìn giống xuồng cứu sinh.
-
PV Đình Đình gọi điện từ Cà Mau: 13h27 chiều 10/3, Đại tá Doãn Bảo Quyết, Chính uỷ Cảnh sát biển Vùng 4 cho biết tàu mang số hiệu 2003 và 2004 vẫn đang tích cực tìm kiếm cách đảo Thổ chu khoảng 30 hải lý về phía Nam và khu vực vùng biển giáp giữa Việt Nam và Malaysia nhưng chưa có phát hiện gì mới. Sau 5h tích cực tìm kiếm, trưa 10/3, thủy phi cơ DHC6 mang số hiệu VNT-777 của Quân chủng Hải quân đã trở về sân bay Phú Quốc.
-
"Trước đề nghị của phía Malaysia, Uỷ ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia Việt Nam đã đồng ý tiếp cận và trực tiếp cử tàu gần nhất xuất phát", PV Nguyễn Vũ thông tin.
-
Đại tá Doãn Bảo Quyết, Chính uỷ Cảnh sát biển Vùng 4, vừa cho biết đã điều tàu Cảnh sát biển 2002 ra tiếp dầu và thay thế tàu 2001 đang làm nhiệm vụ tại khu vực vùng biển giáp ranh giữa Malaysia và Việt Nam. Theo PV Đình Đình.
-
Theo PV Nguyễn Vũ, tàu Việt Nam gần nhất sẽ mất 2 giờ để đến được vị trí có vật thể màu vàng nghi là phao cứu hộ. Vị trí này cách đảo Thổ Chu 140km về hướng Tây Nam. Dự kiến tàu hải quân sẽ tiếp cận được khu vực trên vào 16h30 chiều nay.
-
Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết vì khu vực bạn báo tìm thấy vật nghi là xuồng thuộc lãnh hải Việt Nam nên ta sẽ chủ động tìm kiếm nhanh và sớm nhất có thể. Đang rất cần xác minh trên xuồng có người không. Đại tá Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng trung đoàn 917, sư đoàn 370, quân chủng phòng không không quân đã có mặt nhận lệnh. Theo Giao thông vận tải.
-
PV Đình Đình có mặt trên chuyến bay do Đại tá Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng trung đoàn 917 (Sư đoàn 370) làm cơ trưởng ra vùng biển vừa phát hiện vật nghi là xuồng.
-
Theo thông tin của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, hai tàu của Trung Quốc được cấp phép vào thực hiện công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trong vùng biển Việt Nam bao gồm tàu mang số hiệu 999 và tàu số hiệu 528.
Tàu đổ bộ tỉnh Cương Sơn (999) dài 210m, khởi hành từ thành phố Zhanjian Quảng Đông vào rạng sáng 9/3 với 120 thủy thủ đoàn, tàu mang theo 2 trực thăng, 10 thợ lặn, 52 lính thủy đánh bộ và các nhân viên y tế.
Tàu Miên Dương (528) thuộc lớp tàu hộ vệ Type 053H3 có lượng giãn nước 2.393 tấn, dài 112m, thủy thủ đoàn 168 người, trang bị hệ thống vũ khí tương đối hiện đại.
-
Tại trung tâm hiệp đồng điều hành bay quốc gia, máy điện thoại liên tục đổ chuông. Ảnh: Hoàng Anh.
-
Máy bay Boeing của Malaysia mất tích có trang bị 8 xuồng phao cứu sinh. Theo Tuổi Trẻ.
-
PV Khánh Trung thông tin: Lúc 14h48 ngày 10/3, máy bay AN26-261 đưa tổ bay cùng nhiều PV xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất ra vùng biển phát hiện vật thể lạ.
-
Tàu của Cơ quan thực thi luật hàng hải Malaysia (MMEA) trưa nay (10/3) rời căn cứ ở Tok Bali để tham gia hoạt động tìm kiếm máy bay mất tích. Ảnh: Malaysian Insider.
-
Theo Cục Hàng không Việt Nam, vào 13h26, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Malaysia thông báo tàu bay R65 của Singapore phát hiện vật thể trông giống máng cứu sinh (life raft) màu vàng tại tọa độ 08độ16’05’ N – 102 độ 51’11’S (vị trí này cách đảo Thổ Chu, Kiên Giang 140 km về phía Tây Nam) và yêu cầu Việt Nam hỗ trợ phương tiện đến xác minh. Hiện Việt Nam đang điều động trực thăng từ Phú Quốc và tàu cứu nạn hàng hải ở khu vực gần nhất tiếp cận khu vực trên theo yêu cầu của Malaysia.
-
Máng cứu sinh (life raft) được trang bị trong máy bay Boeing 777.
-
Từ Phú Quốc, PV Trường Nguyên thông tin: 15h chiều ngày 10/3, thủy phi cơ cùng trực thăng Mi 717 - 02 từ Phú Quốc cất cánh hướng về nơi phát hiện vật thể nghi là máng cứu sinh để kiểm tra.
-
Kyodo dẫn lời người đứng đầu cơ quan tình báo vùng lãnh thổ Đài Loan ngày 10/3 cho hay, khoảng 16h ngày 4/3, cơ quan của ông đã nhận được một cuộc điện thoại từ China Airlines, hãng hàng không lớn nhất Đài Loan, thông báo về khả năng xảy ra tấn công khủng bố nhằm vào sân bay và hệ thống tàu điện ngầm ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông này không chắc chắn liệu có mối liên hệ nào giữa việc này với vụ máy bay Malaysia Airlines mất tích hay không.
-
New Strait Times dẫn lời một thương nhân người Malaysia cho biết, anh đã nhìn thấy một vệt sáng trắng trên bầu trời giống máy bay đang hạ thấp độ cao và bay về phía Biển Đông vào 1h45 ngày 8/3. “Nó di chuyển về phía khu vực Bachok. Thông thường những máy bay qua khu vực này không bay theo hướng đó”, thương nhân này nói.
-
"Theo Cục Hàng không Việt Nam, vào 15h20, Trực ban Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 thông báo tàu HQ 637 báo về đã vớt được vật thể theo thông báo và yêu cầu của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Malaysia ở vị trí cách đảo Thổ Chu 130 km về phía Tây Nam. Vật thể được xác định là nắp cuộn cáp đã đóng rêu. Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn yêu cầu tàu HQ 637 giữ vật thể tìm được, chụp ảnh gửi về Sở chỉ huy. Các phương tiện tàu bay, tàu biển tiếp tục tìm kiếm tại các khu vực theo kế hoạch hôm nay 10/3", PV Nguyễn Vũ cung cấp.
-
PV Đình Đình thông tin: Chiếc máy bay Mi 171-02 đang bay ra khu vực nghi có máng cứu sinh thì được lệnh quay về Cần Thơ chờ lệnh, còn chiếc thủy phi cơ thuỷ phi cơ DHC-6 tiếp tục đưa tổ bay cùng Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu ra vùng biển để khảo sát. Vào 15h30 chiều ngày 10/3, Sư đoàn 370 điều thêm chiếc Mi 171 - 8431 về Cà Mau trực chiến chờ lệnh. Như vậy, hiện tại Cà Mau có 3 tổ bay phục vụ công tác cứu hộ.
-
Tiếp nhận thông tin xác minh vật thể lạ ở trung tâm hiệp đồng điều hành bay quốc gia. Ảnh: Hoàng Anh.
-
Máy bay CASA mang số hiệu 8982 của Cảnh sát biển Việt Nam từ Đà Nẵng tăng cường vào TP.HCM để tham gia công tác cứu hộ. Đây là loại máy bay hiện đại, có khả năng bay liên tục trên biển 5 giờ, có hệ thống chụp ảnh, ghi nhận tín hiệu hiện đại. Ảnh: Khánh Trung
-
Đại tá Doãn Bảo Quyết, Chính uỷ Cảnh sát biển Vùng 4, vừa cho biết đã điều tàu Cảnh sát biển mang số hiệu 2002 ra tiếp dầu và thay thế tàu 2001 đang làm nhiệm vụ tại khu vực vùng biển giáp ranh giữa Malaysia và Việt Nam. PV Đình Đình cập nhật từ Cà Mau.
-
Lúc 15h40 chiều 10/3, trực thăng Mi 171-8431 thuộc Trung đoàn 917 (Sư đoàn 370) được tăng cường từ sân bay Cần Thơ đã đáp xuống sân bay Cà Mau trực chiến, chờ lệnh cất cánh ra biển. Đại tá Trần Lâm Văn Lâm - Phó Sư đoàn Trưởng Sư 370 - cho biết đến thời điểm này, đã có 3 chiếc trực thăng Mi 171 tại sân bay Cà Mau. Lúc 15h cùng ngày tại sân bay Phú Quốc, trực thăng Mi 171 cũng đã cất cánh lên đường làm nhiệm vụ.
Cùng lúc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu đã đi trên chiếc thủy phi cơ DHC6 khảo sát khu vực có vật thể lạ nghi của máy bay Malaysia Arilines rơi. Đồng thời, chiếc trực thăng Mi 171-02 (thuộc Trung đoàn 917 - Sư đoàn 370) cũng khởi hành cùng đoàn. Hai phương tiện khảo sát tại khu vực cách đảo Thổ Chu 170 km (cách Phú Quốc 224 km). Theo Cảnh sát biển Vùng 4, vào lúc 12h20, tàu CSB 2002 xuất phát từ cảng An Thới (Phú Quốc) ra vùng biển tìm kiếm thay cho tàu CSB 2001 vào bờ tiếp nhiên liệu.
PV Đình Đình thông tin. -
Hiện chưa có thêm thông tin nào chính thức từ Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia. Trung Tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Võ Văn Tuấn trực tiếp điều hành công tác cứu hộ từ trung tâm tại Hà Nội. Ảnh: Tuấn Mark.
-
Theo thông tin của, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết: "Dự kiến ngày mai (11/3) sẽ mở rộng khu vực tìm kiếm lên phía Tây đảo Côn Sơn và phía Đông nơi chúng ta đang tìm kiếm trên biển hiện nay ở Vĩ độ 08 độ 10’N - 08 độ 40’N, từ Kinh độ 102 độ 46’E - 103 độ 34’E".
-
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục hàng không, khẳng định, không có chuyện tàu HQ 637 vớt được xuồng phao cứu sinh tại vị trí cách đảo Thổ Chu 130 km về phía Tây Nam, PV Nguyễn Vũ cho biết.
-
"Chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm đến khi nào thấy thì thôi. Chúng ta hy vọng con tàu sẽ không gặp nạn và còn người sống sót", Trung tướng Võ Văn Tuấn khẳng định.
-
PV Trà Nguyễn điện về: "Trước đó, tàu HQ 637 đang ở gần khu vực có vật thể lạ nghi xuồng phao cứu sinh mà phía Malaysia yêu cầu Việt Nam tiếp cận. Tàu này đã tiếp cận vật thể và xác định là vỏ hộp cáp đã đóng rêu (không liên quan đến máy bay rơi).
Do không vớt vật thể này nên tàu quay về. Tuy nhiên, do có nhiều thông tin không rõ ràng nên phía Việt Nam yêu cầu HQ 637 quay lại trục vớt tránh những tàu khác lại hiểu nhầm về vật thể mới".
-
"Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không (Bộ Giao thông vận tải), cơ quan không lưu Hong Kong phát hiện rất nhiều mảnh vỡ, trên khu vực biển cách Vũng Tàu 60km về phía Đông Nam. Hệ thống các trung tâm II hàng hải đang phối hợp", PV Phương Vũ cho hay.
-
Thông tin ông Thanh nhận được khoảng 16h30 chiều nay, khu vực này có rất nhiều hoạt động của người dân nên đang triển khai thông báo cho toàn bộ tàu ngư dân hoạt động tại đó để xác định.
-
Theo thông tin từ phóng viên Lê Hiếu, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng QĐ nhân dân Việt Nam, cho biết: "Dự kiến ngày mai, chúng ta sẽ mở rộng ra phía tây đảo Côn Sơn và phía đông nơi chúng ta đang tìm kiếm".
-
"Hiện tại 2 tàu Trung Quốc chưa vào lãnh hải Việt Nam để tìm kiếm, khi 2 con tàu này vào sẽ cùng tàu Việt Nam tìm kiếm, tàu bạn sẽ được chúng ta hướng dẫn", phóng viên Lê Hiếu dẫn lời trung tướng Võ Văn Tuấn. Ảnh: Tuấn Mark.
-
Khu vực được dự kiến mở rộng tìm kiếm máy bay mất tích trong ngày mai 11/3 (khu vực mực màu đỏ). Ảnh: Mạnh Thắng.
-
Quan chức Malaysia tuyên bố sẽ công khai hình ảnh của hai hành khách sử dụng hộ chiếu đánh cắp.
-
Độc giả Dat Huynh gửi thư điện tử về tòa soạn: "Khắp nơi trên thế giới hiện tại đang nín thở chờ tin tức liên tục được cập nhật từ các quốc gia tham gia cứu hộ. Tôi cũng chung tâm trạng đó, từ khi nghe thông tin chuyến bay MH370 gặp nạn, tôi theo dõi liên tục từng phút trên website để nắm được những thông tin mới nhất từ đội cứu hộ. Cầu nguyện cho tất cả hành khách trên chuyến bay cùng với phi hành đoàn được tai qua nạn khỏi, một phép nhiệm màu sẽ đến để mọi người trên chuyến bay định mệnh trở về bình an với người thân và xã hội!".
-
Theo thông cáo mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, lúc 17h8, theo thông báo của Cơ quan Kiểm soát không lưu Hong Kong, một tàu bay trên đường hàng không L642 đã báo cáo với Trung tâm Kiểm soát đường dài Hong Kong nhìn thấy một số mảnh kim loại lớn trên mặt biển xung quanh tọa độ 09 độ 54p 30s N-107độ 25p 00s E (cách Vũng Tàu 60km). Hiện tại, Việt Nam đã điều phương tiện ở gần khu vực nêu trên tiếp cận để xác minh thông tin.
-
Một ngư dân Malaysia có tên Azid Ibrahim, sống gần khu vực máy bay di chuyển qua, cho hay anh đã nhìn thấy một phi cơ bay trên đầu vào sớm ngày 8/3.
"Tôi đã nghe thấy tiếng động cơ máy bay hôm 8/3. Bạn tôi, Pak Da, đã hỏi tôi về hướng của chiếc phi cơ khi đó và tôi đã báo thông tin này với cơ quan chức năng. Hy vọng thông tin của tôi sẽ giúp cho việc tìm kiếm", Azid Ibrahim kể.
-
Khu vực nghi vấn mới trên bản đồ tại Vũng Tàu, ảnh phóng viên Tuấn Mark chụp từ bản đồ Trung tâm điều hành cứu nạn.
-
Theo tin từ văn phòng Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, hiện nay Sở chỉ huy UB QG tìm kiếm cứu nạn đề xuất và báo cáo với bộ Quốc phòng cử tàu Hải quân vùng 2 hoặc biên phòng Bà Rịa Vũng Tàu để tiếp cận xác minh thông tin, phóng viên Lê Hiếu thông báo.
-
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho hay: “Ban đêm, chúng ta sẽ sử dụng tàu để tìm kiếm, máy bay sẽ không bay trong đêm”.
-
PV Trường Nguyên thông tin: Lúc 17h30, ông Lê Văn Chiến - Giám đốc Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu - cho biết khi nhận được thông tin cơ quan không lưu hàng không Hồng Kông phát hiện nhiều mảnh vỡ trôi dạt trên biển cách bờ biển Vũng Tàu 60km về hướng Đông Nam, Cảng vụ đã khẩn trương chỉ đạo các lực lượng của tỉnh triển khai các phương tiện nhanh chóng tiến đến khu vực được thông báo để điều tra, làm rõ. Hiện lực lượng huy động tại chỗ tối ưu nhất sẽ là bộ đội biên phòng tỉnh, tàu cá ngư dân cũng như các phương tiện hàng hải đang hoạt động trên biển gần nơi phát hiện các mảnh vỡ để phối hợp tìm kiếm, điều tra.
-
Theo phóng viên Nguyễn Vũ, ông Đoàn Hữu Gia, quan chức Tổng công ty Quản lý bay, khẳng định: "Tất cả các thông tin nghi ngờ đều được cho đi xác minh. Trước thông tin Hong Kong nhìn thấy mảnh vỡ, tôi đã thông qua lực lượng hải quân làm rõ xem là mảnh vỡ gì".
-
Video trực thăng MH-60 R xuất phát từ tàu khu trục USS Pinckney đi truy dấu máy bay mất tích.
-
Chiều 10/3, Đại tướng Phạm Văn Trà, Nguyên Bộ trưởng Bộ quốc phòng, đã làm việc với tổ cứu hộ máy bay gặp nạn của Malaysia tại Cà Mau. Đại tá Trần Văn Lâm, Sư đoàn phó Sư đoàn không quân 370 - đã báo cáo tình hình hoạt động, phương tiện và lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ máy bay Malaysia mất tích.
Đại tướng Phạm Văn Trà thăm hỏi, động viên các lực lượng tham gia cứu nạn cứu hộ máy bay Malaysia bị mất tích trong những ngày qua. Dự kiến, ngày mai (11/3) Đại tướng Phạm Văn Trà tham gia trên chiếc trực thăng Mi 171-04 xuất phát từ Sân bay Cà Mau ra tọa độ chỉ huy giao nhiệm vụ. PV Đình Đình cho biết.
-
Hiện tại mảnh vỡ kim loại được xác định ở cách mũi Ô Cấp của Bà Rịa-Vũng Tàu 32 hải lý về phía Đông Nam, phóng viên Lê Hiếu thông tin.
-
Tăng cường an ninh hàng không lên cấp độ 1. Chiều 10/3, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ vừa tổ chức cuộc họp khẩn nhằm triển khai các giải pháp thắt chặt an ninh hàng không tại sân bay này. Theo đó, an ninh tại sân bay Cần Thơ đã được nâng lên cấp độ I. Cụ thể, sân bay sẽ tăng cường số lượng nhân viên an ninh; không cho người vào khu vực hạn chế; tăng cường công tác kiểm tra những hành khách và hành lý của họ nhằm đảm bảo an ninh tốt nhất cho các chuyến bay. PV Đình Đình thông tin.
-
Đến 18h ngày 10/3, vẫn rất đông phóng viên trong nước và quốc tế làm việc tại phòng báo chí tại Văn phòng Uỷ ban Quốc gia TKCN. Ảnh: Mạnh Thắng.
-
Lúc 18h ngày 10/3, ông Lê Văn Chiến - Giám đốc Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu - cho biết đã huy động nhiều phương tiện, trong đó có cả tàu thuyền của ngư dân ra vùng biển máy bay của Hồng Kông phát hiện nhiều mảnh vỡ cách Vũng Tàu khoảng 60km về phía Đông Nam để tìm kiếm, xác minh từ 16h chiều cùng ngày nhưng chưa thấy gì. PV Lê Quân thông tin.
-
Giám đốc cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia khu vực phía đông (MMEA) cho biết: “Kết quả hóa nghiệm cho thấy vệt dầu loang trên biển không phải nhiên liệu từ chuyến bay số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines”.
-
Đến 18h, trực thăng Mi 171-20 đã trở về sân bay Phú Quốc, kết thúc một ngày tìm kiếm vật thể nghi là máng cứu sinh của máy bay bị mất tích. Ảnh: Trường Nguyên
-
Tổng kết hoạt động ngày thứ 3 tìm kiếm chiếc máy bay mất tích, ông Đoàn Hữu Gia – Phó Tổng GĐ Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, cho biết ngày hôm nay, Việt Nam đã huy động 6 máy bay, Singapore có 1 máy bay, Malaysia có 2 máy bay “quần thảo trên biển”. Việt Nam cũng điều 7 tàu biển gồm tàu của Cảnh sát biển, Hải quân và tàu tìm kiếm cứu nạn tham gia, PV Nguyễn Vũ thông báo.
-
"Các bước tìm kiếm cứu nạn đến thời điểm này ghi nhận phía Việt Nam đã rất tích cực, chủ động, nhưng vẫn chưa đạt được kết quả rõ rệt. ACC TPHCM đã điều hành rất tốt hoạt động bay tìm kiếm, đảm bảo an toàn cho phương tiện", ông Gia nói.
-
Trong ngày 10/3, Việt Nam sử dụng 6 máy bay gồm 3 AN 26, 2 Mi 171, 1 DHC6, bay 12 lần chuyến, 7 tàu các loại gồm SAR 413, SAR 272, CSB 2001, CSB 2003, HQ 954, HQ 637, KN 774. Tàu HQ 888 trên đường cơ động đến hiện trường, CSB 2002 xuất phát ra hiện trường thay thế cho tàu CSB 2001 về bổ sung nhiên liệu, HQ 627 bổ sung dầu, nước cho tàu SAR 413, phóng viên Lê Hiếu đưa tin từ UB tìm kiếm cứu nạn.
-
Phía lực lượng nước ngoài: Tổng số 4 máy bay, 11 tàu gồm: Malaysia 2 máy máy bay, 7 tàu; Singapore 2 máy bay, 2 tàu; Trung Quốc 2 tàu cùng tham gia tìm kiếm (thông tin đến 18h40 phút chiều 10/3).
-
"Trên cơ sở các thông tin hiện có, Việt Nam điều chỉnh lại khu vực trọng tâm cần tập trung lực lượng tìm kiếm mở rộng về khu vực vị trí mất liên lạc ban đầu của máy bay và khu vực Nam Côn Đảo. Sử dụng phương tiện một cách hợp lý và hiệu quả đề phòng phương án phải tìm kiếm dài ngày", thông báo từ Văn phòng UB Quốc gia tìm kiếm cứu nạn 18h30 chiều nay.
-
Tới 19h ngày 10/3, ông Lê Văn Chiến, giám đốc Cảng vụ Vũng Tàu, cho biết: "Ngay khi nhận được tin báo về các mảnh vỡ, một tàu container của Thái Lan trong hành trình Nam - Bắc đã được yêu cầu hỗ trợ tìm kiếm từ 17h30 đến 18h, nhưng không thấy mảnh vỡ. Theo nghi ngờ của Cảng vụ Vũng Tàu, đó có thể là mảnh xốp hoặc nylon do ngư dân đánh bắt tại vùng biển này để lại. Vị trí được cho là phát hiện mảnh vỡ cách đảo Thổ Chu 250 hải lý, cách vùng biển nghi là mất tích hơn 500km về phía Tây Nam". Phóng viên Nguyễn Hoàn cho biết thêm, ông Chiến khẳng định không tìm thấy mảnh kim loại nào ở khu vực này.
-
Các máy bay Việt Nam đã dừng công tác cứu hộ vì trời tối. Đêm 10/3, sẽ chỉ còn các tàu biển tham gia tìm kiếm. Ảnh: Thủy phi cơ Việt Nam dừng tại đảo Phú Quốc sau 1 ngày quần thảo (Trường Nguyên).
-
Ông Đoàn Hữu Gia, Phó Tổng GĐ Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết: "7h ngày mai (11/3), 4 máy bay tiếp tục mở rộng 20.000km2 về hướng Đông và Đông Bắc của biển Đông Việt Nam. Trong đó, 2 máy bay AN26 xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất tới vị trí cách mũi Cà Mau 50km, mở rộng 5000km2 hướng xuống vị trí ban đầu. Hai máy bay Mi171 và Thủy phi cơ DHC6 xuất phát từ đảo Phú Quốc sẽ mở rộng 15.000km2 hướng Đông, Đông Bắc từ vị trí xác định máy bay rơi". Thông tin từ phóng viên Nguyễn Hoàn.
-
Vị trí mở rộng tìm kiếm hướng Đông và Đông Bắc theo kế hoạch của Công ty Quản lý bay Việt Nam.
-
Từ 18h30, một tàu biên phòng của Bà Rịa-Vũng Tàu đã xuất phát tới địa điểm phía Hong Kong báo nghi có mảnh kim loại vỡ. Dự kiến, 20h30, chiếc tàu mới đến được vị trí nghi vấn.
-
PV Trường Nguyên thông tin từ Phú Quốc: Lúc 19h15, ông Phạm Qúy Tiêu - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - có mặt ở Sở chỉ huy tiền phương (đặt tại trạm kiểm soát không lưu sân bay Phú Quốc, Kiên Giang) thông báo kết quả tìm kiếm chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airline trong ngày 10/3 với PV các báo đài trong nước và quốc tế. Có gần 100 phóng viên các báo đài, hãng tin trong nước và quốc tế tham gia, trong đó có nhiều hãng tin lớn của thế giới như Reuters, AP, AFP,…
Bắt đầu buổi họp báo, Thứ trưởng Phạm Qúy Tiêu rất buồn về kết quả công tác tìm kiếm cứu nạn máy bay mất tích vẫn chưa có dấu hiệu tích cực dù sự phối hợp của các lực lượng hải quân, không quân, cảnh sát biển, hàng hải rất chặt chẽ, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho việc tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Quang cảnh buổi hợp báo (Trường Nguyên)
-
Đại tá Trần Công Hiểu, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: “Sau khi nhận được tin báo máy bay thương mại Hong Kong phát hiện nhiều mảnh vỡ gần vùng biển Vũng Tàu, chúng tôi lập tức điều một tàu cùng 10 cán bộ chiến sĩ ra ngay khu vực này để tìm kiếm". Theo Tuổi Trẻ.
-
Trao đổi với phóng viên vào chiều 10/3, ông Chu Xuân Huy - Trưởng phòng Quản lý và khai thác dữ liệu ảnh vệ tinh thuộc Trung tâm điều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam), cho biết: Sau khi được tin về vụ mất tích máy bay MH-370 của hãng hàng không Malaysia Airline tại khu vực gần đảo Thổ Chu của VN, Viện KHCNVN phối hợp với Cục Viễn thám (Bộ TNMT) - đơn vị được giao khai thác vệ tinh VINASAT-1 phục vụ nghiên cứu khoa học về môi trường, đã yêu cầu Trung tâm chụp ảnh toàn bộ khu vực được nghi máy bay mất tích.
Theo đó, trong khoảng 1 giờ (vào lúc 10h30 - 11h30 ngày 11/3), vệ tinh VINASAT-1 sẽ bay qua khu vực đảo Thổ Chu, Trung tâm điều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ sẽ chụp những bức ảnh từ vệ tinh khu vực này.
Tầm bao quát của ảnh chụp từ vệ tinh có khả năng chụp tới 400km chiều dài, chiều rộng tối đa khoảng 17m, độ phân giải lên tới 2,5m. Hiện khu vực nghi vấn máy bay mất tích khá rộng, trong khi các nguồn tin liên quan đều chưa xác định chính xác vị trí mất tích của máy bay. Ông Huy cho biết, sau khi có kết quả chụp từ vệ tinh, Viện KHCN VN sẽ công bố để các cơ quan tham gia tìm kiếm cứu nạn có thêm dữ liệu làm cơ sở tiếp tục tìm kiếm. Theo Lao Động.
-
Việt Nam sẽ sử dụng vệ tinh tìm kiếm máy bay mất tích. Trong khoảng 1 giờ đồng hồ (vào lúc 10h30 đến 11h30 ngày 11/3), vệ tinh VINASAT-1 sẽ bay qua khu vực đảo Thổ Chu, Trung tâm điều khiển và khai thác vệ tinh nhỏ sẽ chụp những bức ảnh từ vệ tinh khu vực này. Tầm bao quát của ảnh chụp từ vệ tinh có khả năng chụp tới 400km chiều dài, chiều rộng tối đa khoảng 17m, độ phân giải lên tới 2,5m.
-
Trả lời câu hỏi của PV về việc phát hiện nhiều vật nghi vấn trên biển Vũng Tàu, cách bờ khoảng 60km về hướng Đông Nam, Thứ trưởng Tiêu cho rằng: "Đã nghe thông tin trên nhưng không đặt vấn đề quan tâm hàng đầu vì theo đánh giá, chúng tôi cho rằng rất khó có khả năng để máy bay ra đến khu vực biển Vũng Tàu".
Theo Thứ trưởng, hiện nay Việt Nam đã cho phép máy bay, tàu của các nước như Mỹ, Malaysia, Singapore, Philippine, Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam tham gia tìm kiếm cứu nạn máy bay mất tích. Tổng số lực lượng tham gia tìm kiếm khoảng 34 máy bay, 40 tàu các loại, chưa kể tàu của các ngư dân được huy động tham gia.
Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho biết sáng mai (11/3) vào lúc 8h, các lực lượng tìm kiếm sẽ họp báo tại Sở chỉ huy tiền phương để thông báo quy trình và lên kế hoạch tìm kiếm. Bên cạnh đó, đang cố gắng sắp xếp để mỗi ngày 2 lần tổ chức họp báo thông tin cho các cơ quan truyền thông công tác tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu trả lời các báo (Trường Nguyên).
-
Tàu thủy hoạt động trên biển được huy động tham gia tìm kiếm máy bay mất tích. Ảnh: TTXVN.
-
Báo Malay Mail đưa tin giới chức Malaysia sẽ mở rộng khu vực tìm kiếm máy bay mất tích tới tận đất liền trong những ngày tới. Phạm vi tìm kiếm sẽ bao gồm cả bờ biển phía tây của bán đảo Malaysia.
-
Đại diện của Sở chỉ huy tác chiến cứu nạn hàng không cho biết: Trong ngày mai (11/3), vùng tìm kiếm tiếp tục được mở rộng thêm 20.000 km2, chia làm 2 khu vực tìm kiếm. 2 tàu bay AN26 sẽ bay từ Tân Sơn Nhất ra phía Đông Nam Cà Mau, cách đất liền khoảng 45km, diện tích tìm kiếm khoảng 15.000 km2; 2 trực thăng Mi-171 và thủy phi cơ DHC6 sẽ tìm kiếm tại khu vực rộng 5.000 km2, cách Phú Quốc 30km. Theo Vietnamnet.
-
Tướng Phạm Tuân: "Nếu máy bay bỗng dưng biến mất khỏi rađa, nghĩa là nó đã bị nổ hoặc rơi xuống dưới vì cháy hay hư hỏng, hết nhiên liệu... Không rõ chiếc máy bay của Malaysia đã gặp sự cố gì và rơi ở đâu? Nhưng chắc chắn không có chuyện nó thay đổi hướng bay đi chỗ khác. Dù bay đi đâu, máy bay vẫn sẽ bị phát hiện". Theo Khám Phá.
-
Tới 21h ngày 10/3, ông Đoàn Hữu Gia, Phó Tổng GĐ Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, cho biết: "Thời điểm ban đêm công tác tìm kiếm trên tàu vẫn có thể tiến hành. Còn cán bộ sở tại đang ghép các mảng thành tấm bản đồ cỡ lớn phục vụ công tác tham mưu vào ngày mai. Đơn vị Công ty Quản lý bay Việt Nam vẫn sẽ cử lực lượng cán bộ túc trực xuyên đêm theo dõi những diễn biến mới nhất". Phóng viên Nguyễn Hoàn tường thuật.
-
Tấm bản đồ lớn đã kín dấu vết vị trí tìm kiếm của lực lượng hải quân, không quân của các nước liên quan. Ảnh: Hoàn Nguyễn.
-
Một số cán bộ của Công ty Quản lý bay Việt Nam đã tiến hành ghép các mảng bản đồ chuẩn bị tham mưu cho ngày mai (11/3). Ảnh: Hoàn Nguyễn.
-
Đại tá Trần Công Hiểu, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, trả lời báo Tuổi Trẻ lúc 22h, cho biết sau thời gian tìm kiếm, tàu của lượng biên phòng vẫn chưa phát hiện được vật thể nào. Theo đại tá Hiểu, có thể do gió to, sóng lớn, các vật thể này đã trôi dạt đi nơi khác.
-
Thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn Bộ Quốc phòng, Chánh Văn phòng Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết 7 tàu của Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm trong đêm nay, gồm 3 cảnh sát biển, 2 tàu SAR413 - 412, 2 tàu hải quân. Phóng viên Anh Tuấn thông báo qua điện thoại.
-
Lúc 21h30, tàu HQ888 hiện đại có hệ thống quét tia radar xuống đáy biển đã đến vị trí mũi Ô Cấp mà phía Hong Kong nghi có mảnh kim loại vỡ, nhưng hiện chưa phát hiện vật thể gì nghi vấn, ông Giang cho biết thêm.