Gần 2/3 trong số 239 hành khách trên chuyến bay MH370 mang quốc tịch Trung Quốc. Vì vậy, nếu toàn bộ người trên máy bay mất tích thiệt mạng, đó sẽ là thảm họa hàng không tồi tệ thứ hai của Trung Quốc trong lịch sử.
“Malaysia không thể trốn tránh trách nhiệm của họ. Phản ứng ban đầu của giới chức Malaysia diễn ra không kịp thời”, tờ Global Times tỏ thái độ gay gắt trong một bài xã luận.
Theo tờ báo, nếu vụ mất tích do lỗi máy móc hoặc sai lầm của phi công, Malaysia Airlines sẽ phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp sự cố xảy ra do tấn công khủng bố, chắc chắn nhiều vấn đề đang tồn tại trong hoạt động kiểm tra an ninh tại sân bay Kuala Lumpur và trên chuyến bay.
China Daily đăng một bài viết có tựa đề “không thể loại trừ khủng bố”. Bài viết cho rằng giới chức Malaysia và quốc tế vẫn chưa thể giải thích bằng cách nào ít nhất hai hành khách có thể lên máy bay với hai hộ chiếu của người khác.
“Họ là ai và tại sao họ dùng hộ chiếu giả? Việc một số hành khách du lịch bằng hộ chiếu giả đã khiến thế giới lưu ý rằng, an ninh tại các sân bay chưa đủ chặt chẽ và chủ nghĩa khủng bố vẫn đang cố gắng làm hại người dân vô tội”, bài báo lập luận.
Hàng chục phóng viên bao vây một phát ngôn viên của Malaysia Airlines trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 9/3. Ảnh: Reuters |
Theo Tân Hoa Xã, Bắc Kinh cử một nhóm công tác đến Malaysia - bao gồm nhiều quan chức của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Giao thông - hôm 10/3. Họ sẽ điều tra vụ tai nạn và giúp người thân của các hành khách ở Malaysia.
Global Times lưu ý rằng Trung Quốc có số lượng hành khách xuất ngoại lớn nhất thế giới và Malaysia là một điểm đến phổ biến. Tổng cộng khoảng 100 triệu du khách du lịch nước ngoài năm ngoái, tăng 14 triệu người so với năm 2012.
“Chúng tôi đặc biệt chú ý đến tình hình an ninh của những nước mà người Trung Quốc thích tham quan”, tờ Global Times viết.