-
5h sáng 9/3, 2 máy bay mang số hiệu AN26 số hiệu 286 và 261 đã xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất để tham gia tìm kiếm máy bay của hãng hàng không Malaysia bị mất tích.
-
Trước đó, tối ngày 8/3, ông Vũ Thế Chiến, Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, cho hay chiếc máy bay AN 26 lúc 17h17 đã phát hiện 2 vết dầu có chiều dài 15 - 20 km, rộng 500m, cách vị trí được cho là máy bay bị mất tín hiệu khoảng 115 km.
-
Tuy nhiên, đây chỉ là một thông tin tham khảo, không cơ sở để khẳng định là vết dầu từ máy bay mất tích. "Không loại trừ đó là một vết dầu của tàu khác gây ra”, ông Chiến nói.
-
Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết đến 7h sáng 9/3 tại khu vực nghi máy bay mất tích có 13 máy bay, 29 tàu của các quốc gia tham gia tìm kiếm. Trong đó, Malaysia 6 máy bay, 6 tàu; Trung Quốc 2 máy bay, 14 tàu; Philippine 1 máy bay, 3 tàu; Singapore 1 máy bay và Việt Nam 3 máy bay, 6 tàu.
-
10h30, Thượng tá Hoàng Văn Phong, cơ trưởng chuyến bay mang số hiệu 286 cất cánh vào khoảng 5h sáng nay, cho biết vết dầu loang được phát hiện hôm qua đã rộng lên 80km, gấp 4 lân, cách bờ biển Cà Mau về hướng tây 150km. Ảnh: Hoàng Hà.
-
Vết dầu loang rộng lên 80km. Ảnh: Hoàng Hà.
-
12h45, chiếc thủy phi cơ DHC-6, số hiệu VNT-777 từ Cam Ranh đã đến Sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó sẽ cất cánh ra vùng biển để tham gia cứu nạn. Trong chiều 9/3, máy bay EC220 của Công ty bay dịch vụ miền Nam cũng sẽ xuất phát ra vùng biển nghi máy bay của Malaysia mất tích để tham gia tìm kiếm, cứu hộ. Phóng viên Hoàng Hà tường thuật từ Tân Sơn Nhất.
-
Chiếc thủy phi cơ mang số hiệu VNT-777 xuất phát từ Cam Ranh ra vùng biển nghi có máy bay của Malaysia mất tích. Ảnh: Hoàng Hà.
-
Bên trong máy bay A26 của Hải quân Việt Nam sáng 9/3. Ảnh: Hoàng Hà.
-
13h10, trực thăng Mi 17102 và Mi 17104 của Không quân Việt Nam (thuộc Trung đoàn 917 - Sư đoàn 370) đã cất cánh tham gia công tác tìm kiếm máy bay Malaysia bị mất tích. Theo đó, 2 trực thăng này sẽ rà soát, tìm kiếm trên toạ độ vùng biển được xác định là 7 độ 27 phút, 40 giây vĩ độ Bắc, 102 độ 58 phút 48 giây kinh độ Đông, cách mũi Cà Mau 308 km và cách nhà giàn DK1-10 là 108 km, theo phương vị 232 độ về hướng Tây nam.
-
Trực thăng cất cánh từ sân bay Cà Mau. Ảnh: Đình Đình.
-
Bàn phương án mở hộp đen nếu tìm được máy bay rơi. 14h25, tại Trung tâm hiệp đồng điều hành bay đã diễn ra cuộc họp của Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không. Theo đó, giả sử tìm thấy trong vùng biển quản lý, Việt Nam sẽ chủ trì trong công tác điều tra, chuẩn bị kể cả người và phương tiện. Do đó, có thể đưa ban chỉ đạo về Phú Quốc. Toàn bộ phần sót lại của máy bay và người sẽ phải chuyển về trung tâm của Việt Nam. Phóng viên Lê Tú cho biết.
-
Trong trường hợp tìm thấy máy bay ở Việt Nam, sẽ có cả người (trước tiên là thân nhân) và phương tiện quốc tế đổ về khu vực đó, nên phải chuẩn bị về ăn, ở, đi lại cho tất cả mọi trường hợp. Và như vậy, sẽ phải lập ủy ban điều tra về tai nạn với đầy đủ các lực lượng, thành phần tham gia (các bộ ngành liên quan)...
-
Ban chỉ huy cũng đã bàn tới phương án mở hộp đen máy bay trong trường hợp đoàn tìm kiếm tìm thấy, phóng viên Lê Tú thông tin thêm.
-
Máy bay của Hải quân Việt Nam cất cánh tìm kiếm.
-
Các lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy chiếc máy bay mất tích sau hơn một ngày xảy ra sự việc.
-
Vị trí đảo Thổ Chu - "điểm nóng" tìm kiếm - trên bản đồ.
-
Chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines bị mất tích hôm 8/3 từng đâm vào đuôi một máy bay khác ở sân bay quốc tế Pudong ở Thượng Hải năm 2012.
-
14h45, sở chỉ huy nhận tin báo khẩn cấp tại tọa độ 08 độ 21’’36E- 103 độ 13’’30 có những đồ vật lạ trôi nổi trên mặt nước. Ngay lập tức, Sở chỉ huy quyết định điều một chiếc máy bay tới điểm này để kiểm tra.
-
Điểm có vật thể trôi này cách phía Nam và Tây Nam của đảo Thổ Chu 100km. Trong ảnh là vị trí phát hiện vật thể lạ. Ảnh: Lê Tú.
-
Trong khi đó, Tổng giám đốc cơ quan hàng hải Malaysia, ông Datuck Amdan Kurish, cũng cho biết, các nhân viên cứu hộ tìm thấy mẩu vải bạt trong cuộc tìm kiếm. Nó có thể là áo phao.
-
Độc giả Chủ Tịch T chia sẻ: "Hồi hộp quá. Không biết số phận 239 con người sẽ ra sao đây. Từ hôm qua đến hôm nay liên tục cập nhật rồi mà vẫn chưa thấy gì. Cầu trời phù hộ cho tất cả phi hành đoàn cùng toàn thể mọi người trên chuyến bay.. A di đà phật".
-
15h10: Sở chỉ huy trung tâm tìm kiếm cứu nạn cứu hộ (Cục hàng không Việt Nam) cho biết, mặc dù máy bay phát hiện nhiều đồ vật lạ nhưng không thể tiếp cận, vẫn cần điều tàu cứu hộ tới nơi để xác minh. Phóng viên Lê Tú điện thoại từ trung tâm tìm kiếm.
-
Điểm lại các mốc đáng chú ý trong sự việc máy bay thuộc hãng hàng không Malaysia mất tích.
-
Phóng viên Lê Tú cho biết theo thông tin từ Trung tâm tìm kiếm, dự kiến 19h30 tối nay (9/3), tàu cứu hộ mới tới được điểm vừa phát hiện vật thể lạ.
-
Cận cảnh khu vực tìm kiếm máy bay mất tích. Clip do đài Radio Television Malaysia (RTM) ghi lại chiều 9/3.
-
Một cán bộ cục hàng không cho biết, trên chiếc máy bay mất tích của Malaysia có lắp máy phát tín hiệu định vị khẩn cấp ELT. Đây là thiết bị sẽ phát tín hiệu thông báo vị trí của tàu bay khi xảy ra sự cố, và được thiết kế để chịu được va đập mạnh.
Tuy nhiên, trạm vệ tinh mặt đất chưa hề nhận được bất cứ tín hiệu gì từ thiết bị ELT.
-
Độc giả Hà Linh Chíp chia sẻ: "Thực sự cảm thấy lo lắng, lúc nào cũng để máy tính trong trạng thái mở để cập nhật thông tin mà vẫn chưa thấy...Hi vọng cho mọi người đều an toàn, dù là trong trường hợp bị khủng bố và bắt cóc thì tính mạng vẫn an toàn hơn là máy bay rơi...Cầu trời cho mọi người còn sống!"
-
Hiện tại các nước đang tham gia tìm kiếm chiếc máy bị nạn bao gồm: Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam.
-
Theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia TKCN, tính đến thời điểm hiện nay có 17 máy bay các loại và 35 tàu biển tham gia TKCN chiếc máy bay của Malaysia Airlines bị mất tích. Riêng Việt Nam đã huy động 5 máy bay và 7 tàu biển tham gia công tác TKCN.
-
"Sau khi phát hiện vật thể lạ, Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam - Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh Hàng không quốc gia - đang có mặt trực tiếp ở Sở chỉ huy của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã đề nghị cho thủy phi cơ DHC6 cơ động từ Cam Ranh ra vị trí phát hiện vật thể này. Đồng thời điều máy bay AN 26 từ Tân Sơn Nhất ra xác minh", theo Tuổi Trẻ.
-
Ông Bùi Văn Võ, trưởng phòng quản lý hoạt động bay, chống nạng tới tham gia công tác tìm kiếm. Ảnh: Lê Tú.
-
-
Theo ông Đinh Việt Thắng, Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam, vị trí phát hiện vật thể lại nằm trong lãnh hải Việt Nam, nên Việt Nam sẽ điều phối việc kiểm tra.
-
Tín hiệu từ hộp đen máy bay, trong điều kiện tốt, có thể được phát hiện từ vài trăm dặm, ông John Goglia, cựu thành viên của Ban An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ cho biết. Tuy nhiên, ông John Goglia cũng cho biết thêm, nếu hộp đen bị mắc kẹt trong các đống đổ nát thì tín hiệu phát ra có thế không được xa. Theo: Giao Thông Vận Tải.
-
Theo Reuters, ông Dunleavy Hugh - Giám đốc thương mại hãng hàng không Malaysia Airlines - thông báo, các gia đình hành khách Trung Quốc có mặt trên chuyến bay mất tích nên chuẩn bị cho "tình huống xấu nhất" có thể xảy ra. Trong khi đó, thân nhân hành khách muốn bay sang Malaysia càng sớm càng tốt.
-
Tại sân bay Bắc Kinh, bảng thông báo hoạt động bay của chuyến bay MH370 mất tích đã đổi tình trạng từ "hoãn" sang "hủy bỏ". Ảnh: Rappler
-
Lúc này, trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter... người dùng chia sẻ nhiều hình ảnh cầu nguyện cho 239 thành viên trên chuyến máy bay MH370.
-
16h20, 3 cán bộ của sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, trong đó có Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu, đã xuất phát bay vào trung tâm cứu nạn vừa được thành lập ở Phú Quốc, phóng viên Lê Tú thông báo.
-
Hãng tin CNN dẫn các tài liệu cho biết hai người dùng hộ chiếu đánh cắp của một công dân Italy và một công dân Áo lên chuyến bay mang mã hiệu MH370 của Malaysia Airlines dường như đã mua vé cùng nhau.
Theo hệ thống xác nhận vé điện tử Travelsky của Trung Quốc, những chiếc vé máy bay này được mua của hãng China Southern Airlines bằng tiền baht Thái Lan.
Thông tin mới này càng làm tăng sự bí hiểm xung quanh số phận của chuyến bay MH370, đã bị mất tích cùng 239 người vào sáng 8/3. Theo Vnplus.
-
Quan sát tìm kiếm từ máy bay AH-286 Lữ đoàn 918 Không quân. Ảnh: Quân đội nhân dân.
-
Đại diện hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) thông báo với gia đình hành khách trên chuyến bay MH370 rằng, họ đã thử gọi điện cho các thành viên phi hành đoàn nhưng không ai trả lời dù điện thoại đổ chuông. Trong khi đó, 100 thân nhân đã cùng đâm đơn kiện MAS vì giấu thông tin liên quan đến vụ mất tích.
-
"Ông Nguyễn Thành Trung, nguyên Phó Tổng giám đốc Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam, cho biết: Điều mà tôi đặc biệt quan tâm là tự nhiên họ bị mất tín hiệu truyền, nghĩa là họ không thể phát được tín hiệu của mình đi, không phát được tên của họ cho kiểm soát không lưu và họ bị mất trên màn radar nghĩa là có điều gì đó rất đột ngột. Tôi nghĩ trong trường hợp bị khủng bố phi công vẫn có thời gian để báo về các trung tâm kiểm soát không lưu hoặc bị trục trặc kỹ thuật, chết máy thì phi công vẫn báo được. Ở trường hợp máy bay của Malaysia không có bất cứ tin tức gì nên kết luận chiếc máy bay bị làm sao là rất khó khăn", theo VOV
-
Dự báo thời tiết trong 24 giờ tới khá thuận lợi cho công tác tìm kiếm ở khu vực biển gần đảo Thổ Chu.
-
Các nhà sư Malaysia cử hành lễ cầu nguyện ngay tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur cho 239 người có mặt trên phi cơ mất tích. Ảnh: Malaysia Insider.
-
Lực lượng tìm kiếm, cứu hộ của Malaysia.
-
Các phương tiện tham gia công tác tìm kiếm, cứu hộ của Singapore.
-
Ông Jaky Ly Thang, trưởng phòng hợp tác Quốc phòng Đại sứ quán Mỹ đã đến Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn Việt Nam thông báo, lực lượng tìm kiếm của Mỹ xác minh vật thể khả nghi do máy bay Singapore phát hiện không liên quan đến máy bay mất tích. Trước đó, lúc 16h30, thủy phi cơ DHC-6 do phó tư lệnh quân chủng Hải quân Nguyễn Minh Thành chỉ huy đã cất cánh từ sân bay Phú Quốc ra vị trí phát hiện vật thể lạ. Theo Tuổi Trẻ.
-
Đồ họa mô tả máy bay của Malaysia Airlines quay đầu trước khi mất tích. Ảnh: Metro Malaysia.
-
-
Khu trục hạm tên lửa USS Pinckney của Mỹ di chuyển đến khu vực nghi là nơi máy bay của Malaysia Airlines mất tích. Ảnh: Twitter.
-
Theo Mirror.co.uk, 11 quốc gia bao gồm Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Philippines, Mỹ, Australia, Anh, New Zealand, Indonesia đang cùng tham gia công tác tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.
-
17h chiều 9/3, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan về việc tìm kiếm máy bay mất tích. Theo: Tuổi Trẻ.
-
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia, nghe Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch ủy ban, báo cáo tình hình tìm kiếm tàu bay mất tích. Ảnh: Giao Thông Vận Tải.
-
Theo kế hoạch, chiều và tối 9/3, ngoài lực lượng, phương tiện của không quân, hải quân, cảnh sát biển Việt Nam tham gia tìm kiếm sẽ có thêm 6 máy bay, 6 tàu của Malaysia; 1 máy bay, 3 tàu của Philippines; 2 máy bay, 3 tàu của Singapore; 2 máy bay, 14 tàu của Trung Quốc; 1 máy bay, 2 tàu của hải quân Mỹ sẽ cùng tham gia tìm kiếm. Theo: Tiền Phong.
-
Trang tin New Straits Times thông tin, một phi công lái chiếc máy bay Boeing 777 cất cánh trước chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines cho biết ông đã liên lạc được với chiếc máy bay trên sau khi có yêu cầu từ trạm kiểm soát không lưu tại Việt Nam. Tuy nhiên, tín hiệu mà phi công này nhận được đều bị nhiễu sóng. Theo Tuổi Trẻ.
-
PV Đình Đình cho biết: "Lúc 17h20, Chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát, Chính uỷ Hải quân Vùng 5, thông tin hiện 2 tàu cứu hộ mang số hiệu HQ 954 và HQ 637 của Hải quân Vùng 5 đã tiến xuống phía Nam được hơn 30 hải lý, hiện nay cách phía nam đảo Thổ Chu khoảng 130 hải lý và tiến dần tới khu vực phát hiện vật thể lạ".
-
Ông Phạm Hiển, Giám đốc Trung tâm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (Vungtau MRCC) cho biết tàu cứu hộ SAR 413 đã lên đường tiến vào vùng biển nghi máy bay Malaysia mất tích.
Tàu sẽ bắt đầu tìm kiếm tại khu vực cách bờ biển phía Tây Nam 120 hải lý và chịu sự chỉ đạo của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn. Dự kiến, hành trình di chuyển của tàu sẽ kéo dài trong 30 giờ, khoảng tối ngày 9/3, tàu sẽ có mặt ở khu vực vùng được chỉ thị, phóng viên Trường Nguyên thông báo. -
10 thân nhân của 2 hành khách người Trung Quốc sẽ bay chuyến đầu tiên của Malaysia Airlines (MAS) để có mặt tại Kuala Lumpur sáng mai (10/3), Ignatius Ong, phát ngôn viên của MAS cho hay.
-
Tàu cứu hộ SAR 413 có chiều dài 42,8m, chiều rộng 7,11m, chiều cao mớn nước cơ bản 2,52m, tổng công suất 4640 kW, tốc độ 26 hải lý/giờ, có khả năng tiếp nhận 19 người bị nạn.
-
Từ Cà Mau, PV Đình Đình điện báo: Sau hơn 4 giờ bay đến khu vực cách Bãi Cạn Cà Mau (Nhà giàn DK10) khoảng 50km, trên vùng biển phía Tây Nam để tìm kiếm máy bay Malaysia Boeing B777-200 bị mất tích, lúc 16h15 trực thăng Mi 17102 và Mi 17104 của không quân Việt Nam (thuộc Trung đoàn 917 - Sư đoàn 370) đã đáp xuống sân bay Cà Mau.
Ngay khi máy bay hạ cánh, Đại tá Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 917 (Sư đoàn 370) cho biết: "Sau hơn 4 giờ bay tìm kiếm trên khu vực tọa độ đã cho trước, tổ bay rà soát khắp vùng tìm kiếm nhưng không phát hiện hiện tượng nào nghi vấn có máy bay bị nạn của Malaysia. Trong quá trình thực hiện tìm kiếm có phát hiện một số vật thể lạ, tổ bay đã hạ độ cao để kiểm tra, nhưng xác định những vật thể lạ đó không phải của máy bay bị nạn".
-
Nghi vấn “vết dầu loang” cách bờ biển tỉnh Cà Mau khoảng 240km được xác định là bãi cạn trên biển. Theo: Quân Đội Nhân Dân.
-
Theo Đại tá Trần Văn Quang, khu vực gần Bãi Cạn Cà Mau có dòng chảy màu vàng cam nên ở trên cao nhìn xuống giống vết dầu loang, nhưng khi tổ bay hạ độ cao để kiểm tra thì xác định không phải vết dầu loang. Ảnh: Đình Đình
-
Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng báo cáo về việc tìm kiếm máy bay mất tích tại trụ sở Bộ Quốc phòng vào cuối giờ chiều nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương sự nỗ lực, phản ứng nhanh của các lực lượng liên quan ngay từ khi xảy ra sự việc. Tính thời điểm này, thời gian tàu bay mất tích đã khá dài nhưng các đơn vị tìm kiếm cứu nạn vẫn không ngừng nghỉ, chậm trễ một phút nào trong công tác tìm kiếm. Theo: Giao Thông Vận Tải.
-
Thay vì hỏi câu quen thuộc "Sáng nay ăn gì" vào mỗi sớm chủ nhật, hầu hết cư dân mạng Malaysia hôm nay thức giấc với cùng một thắc mắc "Họ đã tìm thấy máy bay mất tích chưa?".
-
Tới thời điểm này, tại khu vực tìm kiếm, các máy bay tìm kiếm dần trở về căn cứ trong đất liền vì trời tối. Hiện chỉ còn 4 máy bay đang thực hiện tìm kiếm, trong đó có 1 máy bay của Việt Nam, 1 của Mỹ và 2 của Malaysia (các máy bay của Singapore đều đã quay về). Theo: Tiền Phong.
-
Một chuyên gia quốc phòng giấu tên cho rằng, các tàu ngầm do hải quân Hoàng gia Malaysia điều đến khu vực nghi là nơi máy bay của Malaysia Airlines mất tích chỉ thích hợp cho việc tác chiến, không thể thực hiện công tác tìm kiếm và cứu hộ.
-
Phó Thủ tướng yêu cầu, các cơ quan đơn vị tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tốt nhất cho các nước bạn triển khai tìm kiếm. Theo Phó Thủ tướng, nếu phát hiện máy bay gặp nạn trong vùng FIR do Việt Nam quản lý, sẽ phải thành lập Ủy ban điều tra quốc gia, Giao Bộ Giao thông chủ trì. Ảnh: Lê Hiếu.
-
"Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban an toàn hàng không dân dụng Việt Nam, cho biết, 14h43 phút chiều 9/3, phía Singapore thông báo phát hiện vật thể lạ. Bộ Quốc phòng điều động các phương tiện đến tọa độ do phía bạn cung cấp, cách đảo Thổ Chu 58 hải lý về phía Nam. Dự kiến khoảng 19h cùng ngày, thủy phi cơ sẽ tiếp cận vật thể này. Nếu điều kiện thời tiết tốt, thủy phi cơ sẽ hạ cánh để trục vớt vật thể lạ", PV Lê Hiếu tường thuật từ cuộc họp.
-
Một máy bay AN26 của Việt Nam đã tới nơi được cho là có vật thể nghi của máy bay gặp nạn nhưng không phát hiện được gì. Ngay sau đó, thủy phi cơ của Cảnh sát biển của Việt Nam cũng đã hạ cánh xuống mặt biển khu vực này, nhưng không phát hiện vật thể gì nghi vấn, nên đã cất cánh tiếp tục tìm kiếm khu vực xung quanh. Dự kiến thủy phi cơ của Việt Nam sẽ bay quanh khu vực tìm kiếm trong khoảng 50 phút sau đó sẽ trở về đất liền. Theo: Tiền Phong.
-
An ninh đã được thắt chặt tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) kể từ ngày 9/3 sau khi có chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng về việc tăng cường kiểm tra, giám sát an ninh hàng không. Không chỉ sân bay Tân Sơn Nhất, các Cảng vụ Hàng không trong nước đều được chỉ đạo nâng cấp độ an ninh tại các sân bay lên cấp độ I.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất công tác an ninh tại nhà ga quốc nội và quốc tế đã được tăng cường. Lực lượng an ninh hàng không phối hợp cùng Cảnh sát 113 và công an quận Tân Bình tuần tra liên tục tại các khu vực bên trong và ngoài nhà ga. Theo: Vietnamnet.
-
Từ Cà Mau, PV Đình Đình gọi về: "Đại tá Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 917 (Sư đoàn 370) cho biết sáng mai (10/3), 2 trực thăng Mi 17102 và Mi 17104 của không quân Việt Nam (thuộc Trung đoàn 917, Sư đoàn 370) sẽ tiếp tục công tác tìm kiếm, cứu nạn. Ngoài ra, Đại tá Phạm Văn Phong, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau cũng thông tin lực lượng cứu hộ vẫn trong tư thế sẵn sàng chờ lệnh.
-
Những chia sẻ của người thân hành khách trên chuyến bay MH370 lay động cộng đồng mạng Malaysia.
-
Thời điểm này, tại Trung tâm chỉ huy điều hành tìm kiếm cứu nạn quốc gia ở 26 Hoàng Diệu, Hà Nội, các cán bộ vẫn tiếp tục thu thập thông tin tìm kiếm về việc máy bay mất tích. Ảnh: Lê Hiếu.
-
Đại tá Trần Văn Quang - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 917, Sư đoàn 370 không quân Việt Nam - cho biết, qua hơn 4 giờ bay tìm kiếm, rà soát khắp các tọa độ đã được xác định trước, 2 trực thăng cứu hộ cứu nạn không phát hiện một nghi vấn nào. Liên quan đến thông tin tìm được một vật thể lạ nghi là máy bay rơi, ông Quang cho hay, tổ bay đã hạ độ cao để kiểm tra nhưng xác định không phải. Video: Vietnamnet
-
Người dân Malaysia quỳ trên đường cầu nguyện cho những người đang ở trên chuyến bay MH370. Theo: Vietnamnet.
-
Việt Nam cho phép tàu Trung Quốc tìm máy bay mất tích
-
Màn hình rộng về bản đồ các lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm máy bay Boeing 777 của Malaysia mất tích tại Trung tâm tìm kiếm cứu nạn quốc gia. Ảnh: Lê Hiếu.
-
"Sau khi thủy phi cơ của Hải quân Việt Nam tiếp cận địa điểm có vật thể lạ mà máy bay Singapore thông báo, phát hiện một phần ốp cửa sổ máy bay và một thanh ngang giống với thanh thăng bằng của đuôi máy bay ở khu vực gần đó. Tuy nhiên, chưa xác định đây có phải là của Boeing 777 mất tích. Do trời tối nên không hạ cánh được để kiểm tra cụ thể về những vật thể này. Hiện thủy phi cơ đã trở về đất liền", theo Tiền Phong.
-
Vị trí thủy phi cơ Việt Nam phát hiện vật thể nghi bộ phận máy bay (vòng tròn đỏ), và vị trí vật thể lạ do máy bay Singapore phát hiện (vòng tròn xanh). Theo: Tiền Phong.
-
Bộ Quốc phòng Singapore đã phái một máy bay vận tải quân sự và một tàu cứu hộ ra biển để hỗ trợ hoạt động tìm kiếm chiếc Boeing 777-200. Ông Ng Eng Hen, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, cho biết, con tàu mang các thiết bị tìm kiếm dưới nước, cho phép nó cứu nạn ở những vùng biển sâu. Nhiều người nhái hải quân thuộc biên chế của tàu và họ luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ.
-
Chấm trắng được cho là mảnh composit văng ra từ tàu bay mất tích. Ảnh: Giao thông vận tải
-
Tàu bay của Cảnh sát biển báo về đã tìm thấy một mảnh vỡ nghi là của máy bay. Tàu biển của Việt Nam đang tiến gần đến vị trí có miếng composit và thanh bằng ngang được cho là của máy bay bị nạn. Theo: Giao Thông Vận Tải.
-
Ông Vũ Thế Chiến (trái), Trung tâm tìm kiếm cứu nạn quốc gia, cho biết đến nay các tàu hải quân, cảnh sát biển vẫn tiếp tục tìm kiếm. Ngày mai theo lệnh từ Bộ Quốc Phòng, sẽ điều thêm máy bay để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Ảnh: Lê Hiếu.
-
Chính phủ Malaysia hoan nghênh và đánh giá cao sự giúp đỡ, hợp tác của 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam, trong việc triển khai công tác tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370 của Malaysia Airlines.
-
Rất nhiều máy bay vào cuộc tìm kiếm chiếc Boeing 777-200 mất tích. Ảnh được Flight radar 24 (một ứng dụng ghi nhận vị trí các phương tiện bay thời gian thực) cung cấp gần một giờ trước.
-
Các điều dưỡng viên chuyên nghiệp đã có mặt tại khách sạn ở Putrajaya để an ủi thân nhân hành khách trên máy bay mang số hiệu MH370 mất tích. Ảnh: Malay Mail.
-
-
Tọa độ phát hiện nghi mảnh vỡ máy bay tại 08, 4732 vĩ Bắc - 103,2226 độ kinh Đông. Căn cứ tọa độ và mô tả của lực lượng tìm kiếm, sở chỉ huy nhận định có khả năng đó là mảnh vỡ của máy bay và đã phát thông báo tới Malaysia và Singapore.Theo: Tuổi Trẻ.
-
Hiện hai tàu CSB 2001 và 2003 vẫn tích cực tìm kiếm và chưa có phát hiện nào mới được báo về. Theo: Tuổi Trẻ.
-
PV Lê Hiếu tại Trung tâm điều hành Ủy ban tìm kiếm cứu nạn Quốc gia (Hà Nội) cho biết chiều nay Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu cùng đại diện Bộ Quốc phòng đã xúc tiến thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc (Kiên Giang).
-
20h35, ông Phạm Lân Hoàng, Trực ban trưởng Trung tâm điều hành tìm kiếm cứu nạn quốc gia vẫn túc trực chờ thông tin từ nhiều nguồn. Ảnh: Lê Hiếu.
-
Hai tàu cứu hộ Trung Quốc đã đến khu vực tìm kiếm trong khi 5 chiếc khác đang trên đường tới để hỗ trợ.
Hai tàu cứu hộ Trung Quốc đến khu vực tìm kiếm
-
Theo Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia, tàu kiểm ngư số hiệu 774, dự kiến 22h30 đêm nay sẽ tiếp cận được vật thể nghi là ốp cửa sổ máy bay. Ảnh: Lê Hiếu.
-
Cổ động viên CLB bóng đá Pahang, Malaysia cầu nguyện điều tốt lành cho các hành khách trên chuyến bay mất tích trước trận đấu tối nay. Ảnh: Team Malaysia
-
Theo Malaysia Insider, các quan chức Malaysia đang dò lại các máy camera và khai thác thông tin từ nhân viên và bảo vệ sân bay Kuala Lumpur sau khi người ta lo ngại rằng an ninh tại sân bay có thể liên quan đến việc máy bay Boeing 777-200 mất tích.
-
Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh vừa ký công điện gửi Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; UBND tỉnh Kiên Giang. Công điện nêu rõ: Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Chủ tịch Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ GTVT thành lập đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu dẫn đầu vào Phú Quốc nhằm nghiên cứu việc thành lập Sở chỉ huy tiền phương cứu hộ cứu nạn máy bay Malaysia và chuẩn bị các phương án phục vụ công tác điều tra tai nạn.
-
Tàu SAR 413 và nhiều tàu khác đang hướng về vị trí có mảnh vỡ nghi là cửa sổ của máy bay Malaysia mất tích.
-
Độc giả Quyền Huỳnh: "Nói thật mỗi 10 phút mình đều lên xem tin tức có tìm gặp không? Từ lúc đọc thấy mất tích đến giờ ăn lúc nào mình cũng để zing.vn làm trang chủ, đến nỗi nằm cũng cầm theo điện thoại xem liệu máy bay ra sao, mình luôn mong chỉ là máy bay hạ cánh gấp ở đâu đó ngoài vùng liên lạc thôi! Cầu mong cho 239 con người sẽ bình an".
-
-
Hải quân Indonesia vừa điều khẩn cấp 5 chiến hạm cùng một máy bay ra biển để hỗ trợ công tác tìm kiếm máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines, theo Malay Mail.
-
"Ông Võ Văn Tuấn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, khoảng 30 phút nữa, tàu cảnh sát biển gần nhất sẽ tiếp cận được vật thể lạ. "Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo phải tìm kiếm và bằng mọi giá tiếp cận được, đừng bao giờ hết hy vọng', ông Tuấn dẫn lời Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải", theo thông tin của PV Lê Hiếu.
-
“Malaysia đã xin phép Cục Hàng không Việt Nam cho phép 5 tàu của nước này vào khu vực phát hiện mảnh vỡ nghi của máy bay gặp nạn để tìm kiếm trong đêm. Đây khu vực này nằm trong vùng biển của Việt Nam”, PV Lê Hiếu cho hay.
-
Dự kiến, ngày mai (10/3), máy bay AN26 của Việt Nam sẽ rà soát trên phạm vi mặt biển rộng khoảng 50.000km2, quan khu vực quần đảo Thổ Chu (giới hạn tối đa tại ranh giới FIR Việt Nam). Trong khi đó, trực thăng Mi-171 sẽ bay rà soát khu vực tọa độ phát hiện vật thể nghi của máy bay Malaysia gặp nạn đã phát hiện lúc 19h ngày 9/3 (vị trí cách quần đảo Thổ chu 80km về phía Nam Tây Nam). Theo: Tiền Phong.
-
Tàu SAR 272 đang chuyển hướng từ vùng biển Cà Mau tiến về vùng biển Phú Quốc, hiện cách vùng biển này khoảng 80 hải lý. Theo thuyền trưởng Nguyễn Văn Độ, tàu đang tăng tốc chạy với tốc độ trên 10 hải lý/h. Dự kiến sáng mai (10/3) tàu cứu hộ cứu nạn của Việt Nam sẽ tiếp cận khu vực biển có vật thể nghi là mảnh vỡ. Theo: Tuổi Trẻ.
-
PV Lê Hiếu vừa cập nhật: "Đại tá Doãn Bảo Quyết, Chính ủy Vùng cảnh sát biển 4, cho biết hai tàu CSB 2001 và 2003 đã đến khu vực vị trí phát hiện vật thể lạ màu vàng. Hiện hai tàu đang tiến hành tìm kiếm nhưng vẫn chưa phát hiện được gì".
-
"Vào sáng 10/3, Vụ Báo chí thuộc Bộ Ngoại giao sẽ dẫn một đoàn phóng viên báo chí quốc tế đến Phú Quốc để tiếp cận thông tin về cuộc tìm kiếm cứu nạn máy bay Boeing 777 của hải quân Việt Nam. “Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin một cách kịp thời nhất cho phóng viên, kể cả báo chí trong nước, ngoài nước, để giúp thế giới và đặc biệt là thân nhân của hơn 200 hành khách trên chuyến bay có được thông tin mà họ quan tâm, lo lắng”, Chuẩn Đô đốc Ngô Văn Phát, Chính ủy Hải quân vùng 5, cho biết. Trong khi đó, Đại tá Đậu Khải Hoàn, Chủ nhiệm Chính trị vùng 5 hải quân, cho biết kể từ ngày 10/3, cơ quan này sẽ tổ chức họp báo 2 lần/ngày", theo Người Lao Động.
-
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, thời tiết biển từ vùng biển Cà Mau đến Kiên Giang trong đêm 9 và ngày 10/3 không mưa, tầm nhìn xa trên 10km, gió đông cấp 4.
-
"Tàu cứu hộ mang số hiệu SAR 413 đang quay về tiếp nhiên liệu, thời tiết khu vực có vật thể lạ tốt, gió cấp 4, gió cấp 5", PV Mạnh Thắng cho biết.
-
"Vào 23h đêm 9/3, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn đã liên lạc được với tàu kiểm ngư 774 và tàu cảnh sát biển 2003. Hai tàu đã tiếp cận được khu vực xác định có vật thể lạ nghi là cửa thoát hiểm của máy bay của Malaysia bị mất tích. Tình hình thời tiết hiện rất thuận lợi cho việc tìm kiếm", PV Lê Hiếu cho biết.
-
“Trước đó, thủy phi cơ DHC6 đã phát hiện và chụp ảnh từ độ cao 150m một vật thể màu trắng hình chữ nhật có vòng tròn ở giữa. Căn cứ vào tọa độ và miêu tả của lực lượng cứu hộ, vật thể này được nhận định có thể là mảnh vỡ máy bay. Vị trí xác định mảnh vỡ cách đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang) khoảng 80km về phía Nam Tây Nam”. Theo PV Lê Hiếu - Mạnh Thắng.
-
PV Lê Hiếu - Mạnh Thắng thông tin: Đại tá Vũ Thế Chiến, Phó chánh văn phòng Uỷ ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia, cho biết: "Ngày mai 10/3, lực lượng tìm kiếm của nước ta với Malaysia thống nhất sẽ mở rộng tìm kiếm về phía Tây và sẽ tăng cường thêm một số tàu chuyên dụng".
-
23h45 đêm 9/3, các cán bộ Văn phòng Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn (Hà Nội) vẫn ứng trực bên điện thoại. Ảnh: Lê Hiếu.