Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có người tắt hệ thống liên lạc của máy bay Malaysia?

Đó là nhận định của ông Đinh Đức Tuấn - Phó trưởng ban an toàn chất lượng an ninh, giáo viên dạy bay B777 - khi phân tích về vụ máy bay của Malaysia mất liên lạc bí ẩn.

Sáng nay (9/3) đã diễn ra cuộc họp của các ban ngành tại Cục hàng không Việt Nam liên quan đến vụ chiếc máy bay Boeing 777 của Malaysia bị nghi rơi xuống biển.

Ông Đinh Việt Thắng - Phó cục trưởng Cục hàng không - cho biết máy bay bị mất tích khi tiếp cận điểm IGARY khoảng 10 dặm thì sóng liên lạc bắt đầu yếu, khi cách điểm IGARY 5 dặm thì bị mất liên lạc hoàn toàn, sóng rada không hoạt động.

Hiện lực lượng cứu hộ nhiều nước tăng cường tìm kiếm tại khu vực biển nghi máy bay bị rơi.

Ông Tuấn nhận định có thể có người can thiệp vào hệ thống bay nên xảy ra tình trạng mất liên lạc đột ngột.

Trong cuộc họp, ông Đinh Đức Tuấn - Phó trưởng ban an toàn chất lượng an ninh, giáo viên dạy bay B777, người có thâm niên điều khiển máy bay B777 - đã phân tích về việc mất liên lạc đột của máy bay Malaysia.

Theo ông Tuấn, khi xảy ra sự cố, thời tiết hoàn toàn tốt, nên nhiều khả năng máy bay bị hở buồng khí. Tuy nhiên, khi máy bay rơi xuống từ độ cao 10.000 feet thì có khoảng 5 phút để cơ trưởng liên lạc lại với trung tâm điều khiển.

Trường hợp thứ hai, máy bay có thể chết một lúc cả 2 động cơ. Nhưng với điều kiện thời tiết thuận lợi, nó vẫn có thể “lướt” thêm 20 phút. Đây là khoảng thời gian đủ cho tổ lái liên lạc về trung tâm báo cáo tình hình.

Trường hợp thứ 3, có thể bị kẹt động cơ, nhưng theo thống kê của hãng máy bay Boeing chỉ có 9% gặp trường hợp này, hơn nữa B777 có động cơ độc lập nên khó xảy ra kẹt động cơ.

Sau khi đưa ra các giả thuyết, ông Đinh Đức Tuấn nhận định: “Ngay một lúc vừa mất thông tin, rada dưới mặt đất "mù" thì chỉ có thể rơi vào trường hợp có người cố tình can thiệp, tắt hệ thống trên máy bay".

Trước khi có giả thuyết của Việt Nam về việc tắt hệ thống trên máy bay, các chuyên gia nước ngoài cũng có những nhận định tương tự. Theo thiết kế, máy bay B777 được trang bị máy phát định vị khẩn cấp (ELT). Thiết bị này sẽ tự động báo vị trí nếu máy bay rơi xuống nước hoặc nơi tiếp xúc mặt đất. 

Mohan Ranganathan, một nhà tư vấn an toàn hàng không, người đang làm việc tại Ủy ban Tư vấn An toàn Hàng không Dân dụng Ấn Độ trả lời tờ Guardian rằng những dữ liệu chuyến bay trực tuyến cho thấy nó đã mất độ cao nhanh chóng và thay đổi hướng đi một cách bất ngờ. Cùng với việc các đài không lưu của Việt Nam, Malaysia hay Singapore đều không phát hiện được hướng bay mới của chiếc B777, giả thuyết đặt ra là hệ thống liên lạc và kiểm soát không lưu của máy bay đã bị ngắt.

Ngoài ra, một giả giả thuyết khác là tất cả các hệ thống này đều đã hỏng đồng thời. Tuy nhiên, một chuyên gia hàng không của Vietnam Airlines phân tích: "Trước khi các chuyến bay cất cánh, đơn vị kỹ thuật phải kiểm tra rất kĩ, với một danh sách hàng trăm khoản mục. Đó chính là lý do tại sao các chuyến bay có thể bị hoãn bởi yêu cầu tuyệt đối là tất cả các thiết bị bắt buộc phải hoạt động bình thường, ổn định thì mới được cất cánh. Vì vậy, chuyện hàng loạt hệ thống liên lạc, định vị hỏng cùng lúc rất khó có thể xảy ra". 

Lê Tú - Hạ Minh

Bạn có thể quan tâm