Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủy phi cơ xuất phát tìm kiếm máy bay mất tích

Chiều 9/3, Quân chủng Hải quân đã điều động thủy phi cơ DHC-6, số hiệu VNT 777 xuất phát từ Cam Ranh để tham gia cứu nạn chiếc máy bay Malaysia bị mất tích.

14h25, Tại Trung tâm hiệp đồng điều hành bay đã diễn ra cuộc họp của Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không. Theo đó, giả sử tìm thấy trong vùng biển quản lý, Việt Nam sẽ chủ trì trong công tác điều tra, chuẩn bị kể cả người và phương tiện. Do đó, có thể đưa ban chỉ đạo về Phú Quốc. Toàn bộ phần sót lại của máy bay và người sẽ phải chuyển về trung tâm của Việt Nam.

Vì vậy, sẽ có cả người (trước tiên là thân nhân) và phương tiện quốc tế đổ về khu vực đó, nên phải chuẩn bị về ăn, ở, đi lại cho tất cả mọi trường hợp. Như vậy sẽ phải lập ủy ban điều tra về tai nạn với đầy đủ các lực lượng, thành phần tham gia. Đồng thời, Ban chỉ huy cũng bàn phương án mở hộp đen máy bay trong trường hợp tìm được.

Trực thăng cất cánh từ sân bay Cà Mau (Ảnh: Đình Đình).

13h10, trực thăng Mi 17102 và Mi 17104 của Không quân Việt Nam (thuộc Trung đoàn 917 - Sư đoàn 370) đã cất cánh tham gia công tác tìm kiếm máy bay Malaysia bị mất tích.

Theo đó, 2 trực thăng này sẽ rà soát, tìm kiếm trên toạ độ vùng biển được xác định là 7 độ 27 phút, 40 giây vĩ độ Bắc, 102 độ 58 phút 48 giây kinh độ Đông, cách mũi Cà Mau 308 km và cách nhà giàn DK1-10 là 108 km, theo phương vị 232 độ về hướng Tây nam.

12h45, chiếc thủy phi cơ DHC-6, số hiệu VNT-777 từ Cam Ranh đã đến Sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó sẽ cất cánh ra vùng biển để tham gia cứu nạn. Trong chiều 9/3, máy bay EC220 của Công ty bay dịch vụ miền Nam cũng sẽ xuất phát ra vùng biển nghi máy bay của Malaysia mất tích để tham gia tìm kiếm, cứu hộ.

Chiếc thủy phi cơ mang số hiệu VNT-777 xuất phát từ Cam Ranh ra vùng biển nghi có máy bay của Malaysia mất tích  (Ảnh: Hoàng Hà).

11h30, Trung tá Bùi Xuân Hoạt, Chính trị viên nhà giàn DK1-10, cho biết khu vực nghi máy bay của hãng hàng không Malaysia bị rơi cách nhà giàn khoảng 10 hải lý. Nếu phát hiện dấu hiệu khả nghi, nhà giàn DK1-10 sẽ báo về sở chỉ huy là Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, sau đó phối hợp với các tàu cứu hộ của Hải quân vùng 5 để ứng cứu.

Theo Đại tá Lê Văn Minh, Chỉ huy trưởng Cảnh sát biển Vùng 4, sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm, đến trưa 9/3 vẫn chưa phát hiện được gì.

Có người tắt hệ thống liên lạc của máy bay Malaysia?

Đó là nhận định của ông Đinh Đức Tuấn - Phó trưởng ban an toàn chất lượng an ninh, giáo viên dạy bay B777 - khi phân tích về vụ máy bay của Malaysia mất liên lạc bí ẩn.

Hiện tàu cứu nạn của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 (Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn) đang có mặt tại khu vực và chỉ huy 2 tàu số hiệu CSB 2001 và CSB 2002 của Cảnh sát biển Vùng 4 và 2 tàu cứu hộ của Hải quân Vùng 5 tiếp tục tìm kiếm cứu nạn.

Các phóng viên có mặt trên chuyến bay số hiệu 261 xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất để tham gia tìm kiếm máy bay của hãng hàng không Malaysia mất tích (Ảnh: Hoàng Hà).
Theo Đại tá Lê Văn Minh, từ đêm qua đến trưa nay, các tàu cứu hộ sử dụng các thiết bị chuyên dụng quan sát mặt biển. Tại khu vực nghi phát hiện vết dầu loang, các tàu cứu hộ đã tiếp cận nhưng vẫn chưa phát hiện gì mới.

Hiện có thêm 5 tàu của Hải quân Vùng 5 cũng sẵn sàng nhổ neo làm nhiệm vụ cứu nạn khi có lệnh. Riêng 2 hai trực thăng của Không quân Việt Nam (thuộc Trung đoàn 917- Sư đoàn 370) tại sân bay Cà Mau vẫn trong tư thế sẵn sàng và chờ lệnh cất cánh.

10h30, Thượng tá Hoàng Văn Phong, cơ trưởng chuyến bay mang số hiệu 286 cất cánh vào khoảng 5h sáng nay, cho biết vết dầu loang được phát hiện hôm qua đã rộng lên 80km, gấp 4 lân, cách bờ biển Cà Mau về hướng tây 150km.

Vết dầu loang rộng lên 80km (Ảnh: Hoàng Hà).

9h30, tại Trung tâm hiệp đồng điều hành bay (Tổng công ty quản lý bay Việt Nam) diễn ra cuộc họp chỉ huy khẩn. Ông Phạm Hồng Soi, Trưởng ban Tuyên huấn Hải quân vùng 5, cho biết 2 tàu cứu hộ của Hải quân vùng 5 đang đi vào vùng không có sóng liên lạc.

6h30, Đại tá Lê Dũng Anh, Phó chỉ huy trưởng Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn, cho biết 3h sáng 9/3, CSB2001 là chiếc tàu cứu hộ, cứu nạn đầu tiên có mặt tại vùng biển nghi chiếc máy bay của Malaysia mất tích để cứu nạn.

Tuy nhiên, theo ông Dũng vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy chiếc máy bay mất tích ở khu vực trên. Ngay sau khi tàu CSB2001 tới nơi, tàu CSB2003 cũng đã đến vùng biển này.

Sơ đồ vị trí được cho là nơi chiếc máy bay mất tích và vị trí vệt dầu loang (Ảnh: Lê Tú).
Riêng tàu HQ 954 tiếp cận vùng nghi máy bay rơi lúc 3h15 ngày 9/3, tàu HQ 637 vào lúc 6h cùng ngày và đang triển khai công tác tìm kiếm cách khu vực phía Nam đảo Thổ Chu khoảng 80 hải lý.

5h30, Chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát, Chính ủy Hải quân vùng 5, cho biết 2 tàu cứu hộ của Hải quân đã tiếp cận vị trí nghi máy bay Boeing B777-200ER của Malaysia bị rơi. Chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát cho hay: “Hình ảnh máy bay chụp nghi là vết dầu loang nhưng cũng chưa thể khẳng định được đây là vết dầu của chiếc máy bay nghi bị rơi".

Theo Đại tá Lê Văn Minh, Chỉ huy trưởng Cảnh sát biển Vùng 4, tàu CSB 2001 và CSB 2002 đã tiếp cận được vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Malaysia, đang triển khai các hoạt động tìm kiếm, trên vùng biển trong phạm vi hơn 130 km2 nhưng chưa phát hiện được gì.

Chiếc máy bay số hiệu 286 chuẩn bị cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh: Hoàng Hà).
Tại sân bay Cà Mau, 2 hai chiếc trực thăng Mi 17102 và Mi 17104 của không quân Việt Nam (thuộc Trung đoàn 917 - Sư đoàn 370) cũng đang chờ lệnh cất cánh trong sáng 9/3.

Đại tá Phạm Văn Phong, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau, cho biết hiện các lực lượng ứng trực công tác cứu hộ đã sẵn sàng.

Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết đến 7h sáng 9/3 tại khu vực nghi máy bay mất tích có 13 máy bay, 29 tàu của các quốc gia tham gia tìm kiếm.

Trong đó, Malaysia 6 máy bay, 6 tàu; Trung Quốc 2 máy bay, 14 tàu;  Philippine 1 máy bay, 3 tàu; Singapore 1 máy bay và Việt Nam 3 máy bay, 6 tàu.

5h sáng 9/3, 2 máy bay mang số hiệu AN26 số hiệu 286 và 261 đã xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất để tham gia tìm kiếm máy bay của hãng hàng không Malaysia bị mất tích. 

Trước đó, tối ngày 8/3, ông Vũ Thế Chiến, Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, cho hay chiếc máy bay AN 26 lúc 17h17 đã phát hiện 2 vết dầu có chiều dài 15 - 20 km, rộng 500m, cách vị trí được cho là máy bay bị mất tín hiệu khoảng 115 km.

Ông Vũ Thế Chiến cùng các cán bộ làm việc trắng đêm tại văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (Ảnh: Lê Tú).

Tuy nhiên, đây chỉ là một thông tin tham khảo, không cơ sở để khẳng định là vết dầu từ máy bay mất tích. "Không loại trừ đó là một vết dầu của tàu khác gây ra”, ông Chiến nói.

Theo thông tin từ một chuyên gia hàng không, máy bay Boeing 777 sử dụng dầu máy bay loại nhẹ (TC1), nên khi hòa vào nước biển khó để lại vết dầu rõ rệt.

Trong một diễn biến khác, Văn phòng hợp tác Quân sự Hoa Kỳ tại Hà Nội, phía Malaysia thông tin phát hiện có đám rác trôi ở vị trí 6 độ 42 và 103 độ 29 phút vào lúc 17h30 ngày 8/3.

Ông Vũ Thế Chiến cũng cho biết, tàu Cảnh sát biển (CSB 2001) xuất phát tại tọa độ 6 độ 49 phút và 105 độ 30 phút, với vận tốc 22 hải lý/giờ và vào 3h sáng ngày 9/3 đã đến điểm dự đoán máy bay mất tích. Trong khi đó, tàu 2003 cũng đến vào lúc 4h cùng ngày.

Lê Tú-Đình Đình-Hoàng Hà

Bạn có thể quan tâm