Một người dân Iran cầm bức ảnh của ông Hassan Nasrallah trong cuộc tuần hành phản đối Israel tại Quảng trường Palestine ở trung tâm thành phố Tehran. Ảnh: Rouzbeh Fouladi/ZUMA Press Wire/REX/Shutterstock. |
Trong cuộc chiến năm 2006 với Hezbollah, Israel ba lần cố gắng ám sát Hassan Nasrallah nhưng đều thất bại. Một lần không kích trượt mục tiêu vì Nasrallah đã rời đi từ sớm. Trong hai lần khác, vụ nổ không thể xuyên thủng boongke ngầm của thủ lĩnh Hezbollah.
Tới tối 27/9, quân đội Israel phát hiện cơ hội sửa sai. Sau khi phát hiện Nasrallah đi vào boongke nằm sâu bên dưới một khu chung cư ở nam Beirut, máy bay Israel xuất kích, thả tới 80 quả bom để chắc chắn tiêu diệt mục tiêu, theo truyền thông Israel.
"Chúng tôi có thể vươn tới bất cứ ai, ở bất cứ đâu", phi công tự nhận là người lái chiến đấu cơ F-15i thả bom vào tối 27/9, tuyên bố.
Nhưng ẩn bên dưới sự tự tin và những lời khoe khoang ấy của quân đội Israel là một sự thật không mấy dễ chấp nhận với họ: Trong gần 40 năm xung đột với Hezbollah, phải mãi đến gần đây Israel mới thật sự có thể lật ngược tình thế, nhờ sự cải thiện trong chất lượng công tác tình báo.
Bước ngoặt từ Syria
Đã có thời điểm, Hezbollah có thể làm bẽ mặt Israel vì khả năng chặn đứng hoạt động của tình báo đối phương ở Lebanon.
Trong những năm đầu Israel chiếm đóng miền Nam Lebanon, Hezbollah từng đánh bom trụ sở tình báo nội bộ Shin Bet ở Tyre không chỉ một mà là hai lần. Cuối năm 1990, Israel chợt phát hiện đã bị Hezbollah hack tần số sóng truyền dữ liệu của UAV.
Trong cuộc chiến 2006, Israel đã không thể tung cú đòn đo ván hạ gục Hezbollah, khiến tình báo nước này phải thay đổi cách tiếp cận. Miri Eisin, cựu sĩ quan tình báo Israel, giải thích rằng tình báo Israel hiện nhìn nhận Hezbollah là "đội quân khủng bố" chứ không còn là nhóm khủng bố truyền thống như al-Qaeda.
Ông Nasrallah xuất hiện trong một bài phát biểu trên truyền hình tại Beirut năm 2017. Ảnh: New York Times. |
Dựa trên quan điểm ấy, tình báo Israel mở rộng phạm vi thu thập thông tin, không chỉ giới hạn trong cánh quân sự của Hezbollah mà nhìn vào tham vọng chính trị và các mối quan hệ của lực lượng này với Vệ binh Cách mạng Iran, cũng như quan hệ của Nasrallah với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Chính sự tham gia của Hezbollah vào cuộc nội chiến Syria đã phơi bày sơ hở của lực lượng này. Nguyên nhân là vì khi đưa quân tới Syria trợ giúp Tổng thống Assad dẹp loạn, Hezbollah phải tăng cường tuyển mộ, mở ra nhiều cơ hội cho Israel cài nội gián hoặc tìm người dễ bị lung lạc.
“Tham gia vào Syria là khởi đầu cho quá trình mở rộng của Hezbollah”, Randa Slim, Giám đốc Viện Trung Đông (Mỹ), nói. “Điều này làm suy yếu cơ chế kiểm soát nội bộ của họ, tạo cơ hội bị xâm nhập trên quy mô lớn".
Gián điệp Israel đã có thể thu thập lượng lớn dữ liệu được sinh ra trong cuộc nội chiến Syria để nạp vào thuật toán xử lý, chẳng hạn như cáo phó và các bài đăng chia buồn trên mạng xã hội, từ đó ghép được bức tranh tình báo về mạng lưới Hezbollah.
Chẳng hạn, cáo phó sẽ cung cấp thông tin chi tiết nơi thành viên Hezbollah tử trận. Các đám tang đôi khi làm lộ sự hiện diện của các lãnh đạo cấp cao Hezbollah.
“Họ phải lộ diện ở Syria”, một cựu chính trị gia người Lebanon ở Beirut nói. Từ chỗ là nhóm kín, Hezbollah khi đó phải giữ liên lạc và chia sẻ thông tin với cơ quan tình báo của Syria hoặc Nga.
“Xuất phát là lực lượng có kỷ luật cao, Hezbollah đã thu nạp nhiều người hơn mức cần thiết”, ông Yezid Sayigh, nghiên cứu viên cấp cao thuộc Trung tâm Trung Đông Canergie, nói.
Một tòa nhà chung cư bị hư hại do vụ nổ hôm 30/8 ở Beirut, Lebanon. Ảnh: New York Times. |
Chênh lệch về năng lực kỹ thuật
Ngoài việc mở rộng phạm vi thu thập thông tin, tình báo Israel cũng có sự trợ giúp đắc lực khi tăng dần cách biệt về năng lực kỹ thuật cho đến khi hoàn toàn bỏ xa đối thủ. Trong tay Israel là những vệ tinh do thám, UAV hiện đại, và công cụ hack có thể biến điện thoại di động trở thành thiết bị nghe lén.
Dữ liệu thu thập được lớn đến mức Israel phải thành lập riêng Đơn vị 9900, có trách nhiệm viết thuật toán sàng lọc hàng terabyte hình ảnh và phát hiện những thay đổi dù là nhỏ nhất để có thể xác định thiết bị nổ tự chế hay boongke.
Mỗi khi Israel xác định được một thành viên Hezbollah, họ tiến hành thu thập thông tin chi tiết về lịch trình hàng ngày của đối tượng, dựa trên dữ liệu lấy từ các thiết bị như điện thoại vợ, công tơ mét ôtô, định vị GPS, thậm chí là camera giám sát mà đối tượng tình cờ lọt vào ống kính, hay giọng nói thu được qua điều khiển TV thông minh.
Như vậy, mọi động tĩnh lệch ra ngoài lịch trình đã biết sẽ trở thành tín hiệu cảnh báo cho đặc vụ Israel. Bằng kỹ thuật này, tình báo Israel có thể phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường, như việc các chỉ huy Hezbollah bất chợt được triệu tập có thể là để chuẩn bị cho chiến dịch tấn công.
Nhưng để phát triển mỗi tuyến phân tích như vậy đều cần thời gian và sự kiên nhẫn. Trong những năm qua, tình báo Israel đã có thể xây dựng bản đồ mục tiêu trên quy mô lớn, đến mức chỉ riêng trong 3 ngày đầu của chiến dịch không kích, máy bay nước này đã nhắm mục tiêu vào ít nhất 3.000 đối tượng bị nghi là thành viên Hezbollah.
“Israel sở hữu rất nhiều năng lực và nhiều thông tin tình báo chỉ chực chờ được sử dụng”, một cựu quan chức cho biết. “Trong cuộc chiến hiện nay, chúng tôi vốn dĩ có thể sử dụng những năng lực này từ sớm nhưng chúng tôi không làm vậy”.
Sự kiên nhẫn ấy có vẻ đã mang lại thành công cho quân đội Israel, đỉnh điểm là việc tiêu diệt được thủ lĩnh Hezbollah. Nhưng dù vụ ám sát đánh dấu chiến thắng quan trọng cho Israel, cuộc xung đột vẫn chưa kết thúc. Phần lớn kho tên lửa của Hezbollah vẫn còn nguyên vẹn.
“Hezbollah không hề biến mất trong 10 ngày qua. Chúng tôi dã làm tổn hại và làm suy yếu đối phương, và họ đang rơi vào trạng thái hỗn loạn và bi thương”, cựu sĩ quan tình báo Eisin nói. “Nhưng chúng vẫn có nhiều năng lực rất đáng sợ”.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...